Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Bản tin vắn 2010 về danh tướng Phạm Tu

1. 28/01/2010 Khởi công tu bổ Đình Ngoại
2. 07/6/2010 Khởi công tu bổ đình Ngọc Than (thờ Lý Nam Đế, Phạm Tu)
3. 13-15/7/2010 đã diễn ra kỳ họp HĐND Thành phố Hà Nội lần thứ 21, đường phố mang tên Danh tướng Phạm Tu đã không được đặt nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long
4. 15/8/2010 Diễn đàn bàn về vấn đề đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu (mở ngày 07/9/2009 nhân 1464 năm ngày hy sinh của danh tướng Phạm Tu) đạt 10.000 lượt truy cập
5. Trước ngày lễ trọng, tháng 8/2010 liên tiếp có những công bố tư liệu về Phạm Tu quê ở Thanh Liệt của cùng tác giả Phạm Hồng Vũ:
- Nxb Thanh niên xuất bản cuốn "Đô Hồ Đại vương Phạm Tu (476-545)Công thần khai quốc của nhà nước Vạn Xuân (544-602)".
- Báo Hà Nội mới đăng bài "Danh tướng Phạm Tu"
6. 28/8/2010, lập nơi thờ vọng Phạm Tu tại nhà thờ họ Phạm làng An Ninh Hạ (trên đường Lý Nam Đế) Thành phố Huế
7. 29/8/2010 Kỷ niệm 1465 năm ngày hy sinh của Danh tướng Phạm Tu
8. 06/10/2010 Khánh thành Bảo tàng Hà Nội, Bức tranh thờ Lão tướng Phạm Tu (Đình Ngoại, Thanh Liệt) được đặt trong bảo tàng ghi công người anh hùng có nhiều cống hiến cho Kinh đô

DANH TƯỚNG PHẠM TU VÀ DI TÍCH ĐÌNH NGOẠI



Danh tướng Phạm Tu (476-545) quê ở xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội là nhân vật tài ba, như là kiến trúc sư của nhà nước độc lập giữa thế kỷ thứ VI. (1) Sử sách đã ghi lại rằng Phạm Tu là một trong những người ghi dấu ấn đặc biệt trong công cuộc bảo vệ đất Thăng Long xưa. Những năm gần đây, vai trò của ông càng được làm rõ (2) là Đại Thành hoàng Thăng Long-Hà Nội, người đã:
- Là vị khai quốc công thần triều Tiền Lý, đứng đầu Ban Võ nhà nước Vạn Xuân (vị Tổng Tư lệnh đầu tiên của nhà nước Việt có bộ máy chính quyền)
- Sinh ra bên bờ sông Tô; ở tuổi 70, Ông hy sinh oanh liệt ngay ở chiến thành vùng cửa sông Tô trên đất hương Long Đỗ cổ
- Đánh giặc Bắc: có công lớn trong việc hạ thành Long Biên, giải phóng đất nước, kháng chiến chống quân Lương xâm lược
- Đuổi giặc Nam: người Việt Nam đầu tiên cầm quân giữ yên bờ cõi phía Nam
- Tham mưu cho Lý Nam Đế lập kinh đô, chiến thành cửa sông Tô ở vùng đất Hà Nội thời tiền Thăng Long (3)

Thanh Liệt xưa gọi là Quang Liệt, thế đất được coi là đất đế vương: “Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Quang Liệt”. Năm 1690, nhà địa lý Tả Ao đã chọn thế đất đẹp để dựng ngôi đình thờ danh tướng Phạm Tu. (4)


Đến thăm Đình Ngoại bằng phương tiện vận tải công cộng, thuận tiện nhất là đi xe buýt số 37 (Chương Mỹ-Bến xe Giáp Bát) xuống ở điểm dừng UBND xã Thanh Liệt cạnh đình thờ Chu Văn An

Hằng năm cứ đến ngày 20 tháng 7 âm lịch, người họ Phạm ở khắp mọi miền đều tụ lại với nhau để được nối mình với cội nguồn tổ tiên, cùng nhau ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của người anh hùng Phạm Tu. Năm 1998, được sự hỗ trợ của Hội Sử học Việt Nam, một hội thảo khoa học diễn ra tại Hà Nội đã suy tôn Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu là thượng thủy tổ họ Phạm Việt Nam. (5)
Năm 2008, trước mộ của danh tướng Phạm Tu, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã kính cẩn khấn rằng:
...“Sinh vi tướng, tử vi thần”, nhân dân Thăng Long tôn thờ Ngài là vị Thành hoàng của Thủ đô, tin tưởng ở Ngài như tin tưởng ở sức mạnh bất diệt của Dân tộc.
…Chúng con cùng nhân dân nguyện chăm lo, trùng tu, tôn tạo đền thờ Ngài tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì để bốn mùa hương khói. Ngay tại trụ sở Ủy ban, chúng con dành một nơi trang nghiêm để hàng ngày tưởng niệm Ngài. (6)
Năm 2011 là năm kỷ niệm lần thứ 1535 năm sinh của Danh tướng Phạm Tu (476-545), vị khai quốc công thần triều Lý Nam Đế (544-602). Năm 2009, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định tu bổ tôn tạo Đình thờ Đô hồ Đại vương Phạm Tu ở chính quê hương Ngài thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì với dự án có vốn đầu tư 29 tỷ đồng và với khoảng 6 tỷ đồng tiền công đức của thập phương và con cháu dòng họ Phạm. Ngày 28.01.2010, UBND thành phố Hà Nội và UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức lễ khởi công Công trình tu bổ và tôn tạo Đình thờ Đô hồ Đại vương Phạm Tu và dự kiến đến ngày 20 tháng 7 âm lịch (tức 19.8.2011) sẽ tổ chức khánh thành đúng vào ngày mất của Ngài. (7)
Đến nay chúng tôi thấy có một số nơi thờ Phạm Tu:
- Xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội có 3 nơi thờ: Đình Ngoại, Miếu Vực, Đình Lý Nhân.
- Xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội: Đình Ngọc Than (thờ Lý Nam Đế và Phạm Tu).
- Xã Thụy Văn, Thái Thụy, Thái Bình: Thôn Hoành Sơn.
Có thể còn một số nơi khác thuộc châu thổ sông Hồng, ở xứ Nghệ cũng thờ Phạm Tu. Trong đó có khoảng 200 nơi thờ Lý Nam Đế sẽ có nhiều nơi thờ vị võ tướng số 1 của Hoàng đế như ở Đình Ngọc Than. Việc khảo sát tư liệu cần sự tham gia của các nhà nghiên cứu và sự góp sức của các thành viên họ Phạm trên toàn quốc.

1 – Nhà sử học Bùi Thiết, “Thăng Long – Hà Nội linh thiêng và hào hoa”
2, 4, 5 – Hồng Vũ, “Danh tướng Phạm Tu”
3 – Tháp Bút, “Đi tìm cơ sở đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu”
6 – GS.Vũ Khiêu, “Bài văn khấn Danh tướng Phạm Tu”
7 – Nhà sử học Dương Trung Quốc, “Đề cương tổ chức hội thảo: Danh tướng Phạm Tu và Họ Phạm trong lịch sử”

Tự sự



Nhân dịp kỷ niệm 1464 năm ngày hy sinh của Đô Hồ Đại vương Phạm Tu, tôi vào Đình Ngoại với mong muốn hiểu sâu hơn về vị Tổng chỉ huy đầu tiên của quân đội nước Việt có bộ máy chính quyền. Khi tìm tư liệu trên mạng về Người, thấy có một số blog mới nêu trở lại việc đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu, đây là vấn đề quan tâm của nhiều nhà khoa học. Do vậy, đi tìm cơ sở đồng nhất hai nhân vật này là một vấn đề khoa học không hề giản đơn mà lại rất cần sớm làm rõ.
Là người họ Phạm không rõ có phải là hậu duệ của danh tướng Phạm Tu hay không nhưng với tinh thần hướng về nguồn cội, chúng tôi mong sớm tìm ra câu trả lời đúng đắn của việc đồng nhất. Với người họ Phạm thì dù quê gốc của danh nhân Phạm Tu có ở Thanh Trì hay Hoài Đức, ông vẫn là danh nhân lớn của đất nước và đã được tôn vinh là một trong các Thượng Thủy tổ của họ Phạm Việt Nam. Xác định đúng quê hương bản quán của Lão tướng Phạm Tu chính là việc làm cụ thể để tri ân Tổ tiên tìm về đúng nguồn cội.
Chúng tôi luôn hướng tới để tìm sự thật của vấn đề lịch sử này. Bạn đọc có thông tin liên quan có thể tìm ra cơ sở khoa học, mong hãy chia sẻ với chúng tôi.

Chúng tôi tặng quý vị một số cuốn sách điện tử:

1. Đi tìm cơ sở đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu

2. 30 năm tiến trình đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu

3. Danh mục các dòng họ và nhân vật họ Phạm Việt Nam

Mở đầu

Nhân ngày kỷ niệm 999 năm Thăng Long-Hà Nội, tròn 1 năm trước đại lễ 1000 năm Thăng Long, chúng ta nhắc đến mảnh đất địa linh nhân kiệt núi Nùng sông Tô (NNST) với một nhân vật lịch sử rất tiêu biểu của Thăng Long-Hà Nội cách nay 15 thế kỷ. Danh nhân đó chính là “vị tướng quân đầu tiên của một triều đình có tổ chức”, lão tướng Phạm Tu-một tấm gương trong của lịch sử Dân tộc.
(Ảnh do BLL Họ Phạm VN cung cấp)
Thế nhưng ngày nay vai trò của ông với mảnh đất NNST mới dần được làm rõ. Một việc cản trở tiến trình tất yếu đó: chính là việc đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu gây nên sự thiếu thống nhất trong giới khoa học. Điều này đã làm ảnh hưởng đến việc tôn vinh vị khai quốc công thần triều Tiền Lý, người đã sinh ra, sống, dù cao tuổi vẫn đánh giặc và đã hy sinh vì mảnh đất NNST. Ngay tại hương Long Đỗ xưa, ông đã cống hiến tính mạng cho nhân dân Vạn Xuân khi ở tuổi “xưa nay hiếm”. So với các vị tướng quân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, ông xứng đáng là vị Quốc đô Thành hoàng mà nay còn gọi là Đại Thành hoàng Thăng Long-Hà Nội.
Từ lòng kính trọng một danh nhân tiêu biểu của Thủ đô, của nước Việt, chúng tôi sưu tầm tư liệu và viết chuyên đề
ĐI TÌM CƠ SỞ ĐỒNG NHẤT LÝ PHỤC MAN VỚI PHẠM TU
với tâm nguyện tìm ra đâu là cơ sở để xác định sự thật của việc đồng nhất.

Bố cục của chuyên đề như sau:
Sử dụng bài Lão tướng Phạm Tu của GS. Lê Văn Lan để đặt vấn đề: “việc đồng nhất Phạm Tu với một vị thần là Lý Phục Man, được sách cổ “Việt điện u linh” chép từ đầu thế kỷ 14, và là vấn đề sử học được nêu ra đã lâu nhưng chưa được giải quyết.”
I. Những tư liệu đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu (gồm 6 bài chính)
II. Tư liệu về Phạm Tu (gồm 6 bài chính)
III. Tư liệu về Lý Phục Man (gồm 7 bài chính)
IV. Đi tìm cơ sở đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu (gồm 10 bài chính)
Đây là nội dung chính của chuyên đề này với các bài viết giải quyết từng việc cụ thể như nguyên nhân đồng nhất, thời gian xuất hiện đồng nhất, mức độ đồng nhất, những người đã đồng nhất, …
1. Tìm cơ sở đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu qua tài liệu cổ
Để tìm ra cơ sở phải tìm ra việc đồng nhất này “nói có sách, mách có chứng” hay không? Thư tịch cổ vẫn là căn cứ quan trọng nhất. Không tìm thấy việc đồng nhất từ thư tịch cổ hiện có.
2. Xác định thời gian xuất hiện việc đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu
Căn cứ thông tin xuất hiện việc không đồng nhất và đồng nhất để xác định mốc thời gian chính thức xuất hiện sự việc.
3. Trả lời một số ý kiến của blogger Người làng Giá về danh tướng Phạm Tu ở Thanh Liệt
Phủ nhận lại việc Người làng Giá phủ nhận: Phạm Tu không phải là người Thanh Liệt, Phạm Tu không phải là lão tướng.
4. Góp ý với tác giả Trương Sỹ Hùng và Ban biên tập Thông báo Hán Nôm 2009
Đóng góp ý kiến về một số điểm chưa phù hợp trong bài viết “Danh tướng Phạm Tu-Lý Phục Man là một hay hai người” đăng trên ấn phẩm uy tín của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
5. Sự tích về Lý Phục Man, những điều khó đứng vững trong cuộc sống và trong lịch sử Dân tộc
Từ Sự tích cho thấy tướng quân Lý Phục Man phần nhiều vẫn sống trong tưởng tượng từ thời Lý Thái Tổ đến nay.
6. Những cuốn sách viết về danh tướng Phạm Tu và Lý Phục Man
Bài viết này nhằm tìm hiểu mức độ đồng nhất thể hiện chủ yếu qua các cuốn sách.
7. Tìm cơ sở đồng nhất từ văn bia Quán Giá
Đây là căn cứ chính xác định việc đồng nhất có đủ cơ sở khoa học không.
Trong khi các nhà khoa học còn nghi vấn: có thể Lý Phục Man không phải là nhân vật lịch sử. Thay vì việc trước tiên phải chứng minh Lý Phục Man là nhân vật lịch sử, bằng cách đồng nhất vị thần này với danh tướng Phạm Tu, có thể đã làm lạc hướng chú ý.
8. Điều rút ra từ công trình nghiên cứu về Lý Phục Man của GS. Nguyễn Văn Huyên.
Công trình này là một nghiên cứu khoa học, khách quan có thể xem là một căn cứ quyết định cho việc rút ra nhận xét: thiếu cơ sở để đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu. Xem “Hồi ức Nguyễn Văn Huyên” của con gái ông để biết phương pháp, giá trị của các công trình khoa học liên quan.
9. Có đồng nhất tả tướng Phạm Tu với phò mã Lý Phục Man được không?
Bằng một số chứng minh cho thấy việc đồng nhất hiện nay là không phù hợp và thiếu cơ sở khoa học.
10. Những điều trông thấy từ vấn đề đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu
Bài viết mang tính tổng kết nghiên cứu, dựa vào chính sử để thấy sự bất hợp lý khi cho rằng Lý Phục Man là Phạm Tu.
Thay lời kết
Nhớ về Lão tướng Phạm Tu (gồm 5 bài)
Cuối mỗi bài viết các mục I, II, III (phần sưu tầm tư liệu) có nêu một số chú thích của chúng tôi.
*
Do nguồn tư liệu hạn chế nên sẽ không tránh khỏi thiếu sót, mong nhận được ý kiến đóng góp của quý vị.
Chân thành cám ơn các nhà nghiên cứu đã cho chúng tôi thông tin viết chuyên đề này. Chính những ý kiến đồng nhất đã cung cấp tư liệu và giúp chúng tôi tìm hiểu sâu thêm về danh nhân Phạm Tu. Một lần nữa “phủ định của phủ định” để làm sáng rõ về thân thế sự nghiệp của lão tướng Phạm Tu quê ở Thanh Liệt.
Cám ơn sự động viên giúp đỡ và chia sẻ của bạn đọc xa gần.
Long Biên, ngày 08/10/2009
Tháp Bút
(có sửa chữa bổ sung đến ngày 15/11/2010 )

LÃO TƯỚNG PHẠM TU

Lê Văn Lan
Những phát hiện sử học mới đây của Giáo sư Lê Văn Lan và Giáo sư Shiro Momoki (Đại học Osaka-Nhật Bản) cho biết, ông sinh năm 476 tại xã Thanh Liệt huyện Thanh Trì Hà Nội và mất tại cửa sông Tô Lịch (Hà Nội) năm 545 sau Công nguyên.
“Trong lịch sử nước ta, ông là vị tướng quân đầu tiên của một triều đình có tổ chức”-đó là lời nhận định về Phạm Tu trong cuốn “Từ điển văn hóa Việt Nam” (Nhà xuất bản Văn hóa Hà Nội, 1993).
“Một triều đình có tổ chức” ở đây, là triều đình của nhà nước Vạn Xuân thời Lý Nam Đế, cách nay đã 15 thế kỷ! Tuy nhiên, hẳn vì thời gian quá xa nên sử liệu gốc về ông, để lại cho đến nay, thật hết sức hiếm.
Trong bộ sử cổ nhất còn sót lại được đến nay là “Đại Việt sử lược”, giữa những trang dòng nói về Lý Nam Đế và nhà nước Vạn Xuân hồi thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên không có chữ nào chép về ông.
Đến bộ chính sử “Đại Việt sử ký toàn thư”, thì cũng chỉ có hai lần xuất hiện tên ông. Trong biên niên về năm Quý Hợi (543 sau Công Nguyên), ta thấy lần đầu tiên, tên Phạm Tu được chép trong văn cảnh như sau: “Mùa hạ, tháng tư, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua (Lý Nam Đế) sai tướng là Phạm Tu đánh tan ở quận Cửu Đức”. Lần thứ hai, dưới cái tên mà bản dịch của Viện sử học (in năm 1967) viết là “Phan Tu”, ta thấy biên niên sử, năm Giáp Tý (544 sau Công nguyên), nói đến việc Phạm Tu được Lý Nam Đế cử đứng đầu hàng quan võ (cùng với Triệu Túc: thái phó, và Tinh Thiều: đứng đầu hàng quan văn) của triều đình Vạn Xuân.
Sử liệu gốc về “vị tướng quân đầu tiên của một triều đình có tổ chức” trong lịch sử rất lâu đời của nước ta, vẻn vẹn chỉ có thế.
Chính vì vậy mà việc nhận diện, nhận chân về Phạm Tu trở nên vừa khó khăn, mơ hồ, vừa mâu thuẫn, phức tạp.
Chẳng hạn như những dòng viết về ông sau đây, trong bộ “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, tr. 744): Quê làng Giá, thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội (nay là Hà Tây). Ông được vua Lý phong tước Phục Man tướng quân, đổi theo họ vua là Lý, nên cũng gọi là Lý Tu hay Lý Phục Man, lại được vua gả công chúa Phương Dung cho... Mộ và đền thờ ông, nay hãy còn di tích tại quê ông ở làng Giá.
Như vậy, ở đây có việc đồng nhất Phạm Tu với một vị thần là Lý Phục Man, được sách cổ “Việt điện u linh” chép từ đầu thế kỷ 14, và là vấn đề sử học được nêu ra đã lâu nhưng chưa được giải quyết. Do đó, nảy sinh một vấn đề trước tiên là: Quê hương bản quán của Phạm Tu ở đâu? Bởi vì, trong khi “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” cho rằng Phạm Tu là người có quê ở làng Giá (Yên Sở, Hoài Đức, Hà Tây) thì, chẳng hạn như “Từ điển văn hóa Việt Nam” hoặc vừa đây, sách “Thành hoàng Việt Nam” (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1997, tập II, tr. 565) đều khẳng định rằng: ông là người quê làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội; hoặc “quê ở thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội”.
Về thời gian mất của ông, thì có lẽ người ta chỉ biết căn cứ vào hai câu sau đây trong tập diễn ca thế kỷ 18 “Thiên Nam ngữ lục”.
Vua cùng tướng quân Phạm Tu
Vào Khuất Liêu động thác hư lên trời
Mà việc vua Lý Nam Đế mất ở động Khuất Lão (Khuất Liêu) thì được tính là vào năm 548, cho nên sách “Thành hoàng Việt Nam” mới chép về năm mất của Phạm Tu cũng là năm 548. Trong khi đó, nhiều tài liệu khác-trong đó có sách “Lịch sử Việt Nam, tập I” (Nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983, tr. 411) lại đều khẳng định là Phạm Tu hy sinh năm 545.
Cả về nơi mất của ông nữa, trong khi, chẳng hạn “Từ điển văn hóa Việt Nam”, hẳn là dựa theo “Thiên Nam ngữ lục” viết rằng Phạm Tu mất tại động Khuất Liêu (một địa danh, lại cũng từng được đoán định vị trí khá là khác nhau: hoặc ở miền tây Phú Thọ, hoặc ở phía nam Tuyên Quang) thì, sách “Hà Nội nghìn xưa” (Sở văn hóa thông tin Hà Nội, xuất bản 1975) lại khẳng định rằng, đó là “miền cửa sông Tô Lịch (trung tâm Hà Nội cổ)” (tr. 112).
Giữa những thông tin bộn bề trái ngược như thế về vị lão tướng quân họ Phạm ở thế kỷ 6, may thay, gần đây, đã có những công phu để bắt được sóng tín hiệu từ một trung tâm phát sóng rất có giá trị, ở một làng cổ ven đô Hà Nội: xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì.
Có lẽ, người đầu tiên phát hiện và khai thác được nguồn tài liệu địa phương quan trọng ở đây, là học giả Vũ Tuân Sán (Chí Kiên). Nhiều thông tin đặc sắc về Phạm Tu, trước đây chưa mấy được biết đến, được ông công bố sớm trong sách “Danh nhân Hà Nội” (Hội văn nghệ Hà Nội, xuất bản 1973) để rồi sau đó, hợp tác với Giáo sư Trần Quốc Vượng viết thêm vào trong sách “Hà Nội nghìn xưa”, đã rọi nhiều tia sáng vào lớp mây mù đang vây phủ nhân vật lịch sử lớn, mà đến năm 1998 này đã là ngày giỗ lần thứ 1453.
Thế hệ những người họ Phạm, đang sống ngay tại xã Thanh Liệt cũng như ở khắp nơi: Hà Tây, Hà Tĩnh, Ninh Bình... và nội đô Hà Nội, lần theo sợi chỉ ẩn hiện trong suốt 15 thế kỷ lịch sử đã qua, để nối mình với nguồn cội, tổ tiên: Lão tướng quân Phạm Tu, đã tạo điều kiện để cho thêm một lần nữa, những thông tin, tín hiệu về một vì sao trên bầu trời lịch sử thế kỷ 6, phát đi từ quê hương Thanh Liệt, lại được hiển hiện.
Đầu tháng Bảy lịch Trăng, sắp đến ngày giỗ lần thứ 1452 (năm 1997) và chuẩn bị cho ngày giỗ lớn vào năm 2000 của Phạm Tu, chúng tôi cùng Giáo sư Shiro Momoki ở đại học tổng hợp Osaka (Nhật Bản) đã có thêm một dịp hành hương về xã Thanh Liệt.
Gần 8.000 con người sống trong ngôi làng rộng đến 4 km2 này, đều coi nơi đây chính là quê hương của Phạm Tu, mà họ kính cẩn gọi là Đức Thánh của làng, là Đô Hồ Đại vương, hoặc có nhắc đến tên, thì kính trọng gọi đầy đủ là Phạm Đô Tu.
Có thể hiểu những tên và danh hiệu này, khi đọc được ở đây, bản thần tích của làng, với tên gọi đầy đủ là: “Cảm ứng cư sĩ Phạm Tu, thụy Đô Hồ Đại vương, thượng đẳng thần sự tích” do “Tiên chỉ Vũ Văn Đức, Phụng Nghị đại phu, sao lục ở Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ” từ năm Giáp Tuất, niên hiệu Bảo Đại 9 (1934). Bản thần tích này chép rằng: chính Lý Nam đế đã sai quan Thái giám về làng Thanh Liệt, phong cho Phạm Tu làm “Long Biên hầu, thụy Đô Hồ, Bản cảnh thành hoàng” và thừa nhận làng Thanh Liệt, quê hương ông, là “Thanh mộc ấp” (ấp tắm gội-đất phong tặng).
Ở ngôi “Đình Ngoại”, có tên Ngoại, hẳn là vì vị trí đình ở rìa làng, hoặc là để phân biệt với “Đình Nội” ở giữa làng (thờ Chu Văn An), thuộc thôn Trung, còn có cả hai tấm bài vị, ghi rõ bậc “thượng đẳng thần” của “Đô Hồ Đại Thần”, và ghi nguyên hàng chữ: “Bản thổ Tiền Lý triều Long Biên hầu, Đô Hồ Đại vương thần vị”. Đó là nơi thờ chính, Đức Thánh Phạm Đô Tu của cả xã.
Phù hợp với điều này, ở hậu cung Đình Nội (mà không phải là Đình Ngoại) còn giữ được hai hòm sắc, trong đó, lẫn lộn với những sắc phong khác, là 10 đạo sắc phong của triều đình ngày xưa, có niên hiệu từ Cảnh Hưng nhà Lê đến Khải Định nhà Nguyễn, phong cho Đô Hồ Đại Thần (danh hiệu của triều Lê) và Đô Hồ Đại vương (danh hiệu của triều Nguyễn). Một sắc phong thời Tây Sơn (niên hiệu Cảnh Thịnh) cũng ghi danh hiệu: “Đô Hồ Đại Thần”.
Có một tình tiết thú vị, ghi nhận được ở lễ tiết hội làng Thanh Liệt, ấy là: hành trình của cuộc rước cỗ kiệu quý của làng, hiện để ở Đình Nội. Các vị cố lão của làng cho biết: Kiệu rước từ Đình Nội, nhưng lễ thì ở Đình Ngoại, và trước khi lễ ở đây, thì phải đi vòng sang thôn Vực của làng, và trình ở tòa Miếu Vực.
Tại sao như vậy? Người Thanh Liệt giải thích: vì thôn Vực mới chính là nơi sinh hạ cụ thể của Phạm Tu. Có người còn nói: tòa miếu Vực xây ngay trên nền nhà cũ của Phạm Tu (miếu này còn có một tên khác, rất “quân sự” là: Cửa Đồn). Và điều này-nơi sinh hạ của Phạm Tu-cũng phù hợp với một tín hiệu mà chỉ ở nơi đây mới có: song thân của Phạm Tu! Đó là các vị, với tên tuổi được lưu truyền cụ thể và chi tiết: “Phạm Thiều” (cha), “Lý Thị Trạch” (mẹ).
Những di tích tín ngưỡng, những chứng tích huyền kỳ, những lời kể truyền miệng... như thế, ở Thanh Liệt, làm thành một nguồn phát sóng mạnh, những tín hiệu văn hóa học-dân gian (Folklore) soi rọi vào hiện tượng và nhân vật lịch sử Phạm Tu-vì sống cách nay đến 15 thế kỷ, nên nhiều hiểu biết của chúng ta về người anh hùng còn chưa thật rõ ràng-những thông tin văn hóa dân gian từ Thanh Liệt thật có tác dụng của một nguồn sử liệu bổ trợ cho chính sử.
Vấn đề quê hương bản quán của vị tướng quân đầu triều, thời Lý Nam Đế nhờ vậy mà trở nên đã rõ ràng.
Cũng thế, những thông tin về sự ra đời (ngày 10 tháng ba năm Bính Thìn-476 sau Công Nguyên), về tuổi tác của một vị lão trượng, ngoại lục tuần mà vẫn hăng hái, hiên ngang, đứng dưới cờ Lý Nam Đế, lập nên những sự nghiệp và chiến công hiển hách đảm nhận những cương vị, trách nhiệm lớn lao và cuối cùng, hy sinh oanh liệt trong trận đánh lớn, chống quân xâm lược ở nơi có tòa thành đầu tiên và khai sinh cho đô thị Hà Nội cổ: Cửa sông Tô Lịch, ngày 20 tháng bảy năm Ất Sửu-545 sau Công Nguyên... những điều quan trọng, quí báu, cụ thể và sinh động như thế, trong cuộc đời và sự nghiệp của vị lão tướng quân Phạm Tu, đã được nguồn phát sóng văn hóa học dân gian ở Thanh Liệt cung cấp. Và Thanh Liệt xứng đáng với niềm tự hào về một quê hương văn võ song toàn: Võ là Phạm Tu (476-545) quê hương là thôn Vực; Văn là Chu Văn An (?-1370), quê mẹ, sinh hạ ông tại thôn Văn, cùng xã Thanh Liệt.
________
Ghi chú: Nội dung chính của bài này được đăng trong cuốn “Ngàn năm văn hóa đất Thăng Long” của Hồ Phương Lan, Nxb. Lao động, 2009. Trong cuốn sách có tôn vinh Tấm gương hy sinh của Lão tướng Phạm Tu đối với mọi thế hệ người cao tuổi Việt Nam.


PGS. TS. Bùi Xuân Đính hiện là Viện trưởng Viện Dân tộc cũng đã đề cập đến vấn đề đồng nhất khi viết về Lý Phục Man:
“Tên chính của ông là Phạm Tu – một võ tướng, một trụ cột của triều đình Lý Nam Đế. Ý kiến này hiện vẫn chưa được giới khoa học khẳng định một cách chắc chắn.”1

SỰ TÍCH TƯỚNG CÔNG LÝ PHỤC MAN

(Theo cuốn “Văn bia Quán Giá”, Nguyễn Bá Hân, Nxb. Thế giới, 1995)
Để giúp bạn đọc có thêm tư liệu kể về thân thế sự nghiệp của Đại vương nên trong tài liệu này chúng tôi xin in kèm theo bản Sự tích Tướng công Lý Phục Man đang được lưu tại Phòng Bảo tàng Quán Giá (Xã Yên Sở huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây).
SỰ TÍCH TƯỚNG CÔNG LÝ PHỤC MAN
Tướng công Lý Phục Man có họ tên thực là Phạm Tu, Người sinh trong một gia đình yêu nước ở xóm Lã Xá, Giáp Cảo Tây (sau đổi thành Quả Tây) thuộc làng Cổ Sở (sau đổi thành 2 xã Yên Sở và Đắc Sở của Hoài Đức, Hà Nội) vào những thập kỷ đầu của thế kỷ thứ 6 sau công nguyên (Khoảng từ năm 505 đến 515).
Ngay từ thuở thiếu thời, cậu bé Phạm Tu đã tỏ ra là người khác thường. Hàng ngày thích trò chơi cưỡi ngựa, bắn cung tập trận. Bằng cờ chuối bông lau, cậu cùng các bạn nhỏ trong xóm chia thành quân ta quân địch dàn trận để dành thắng bại.
Lớn lên phải sống cảnh người dân mất nước và phải chứng kiến bao sự bất công tàn bạo của bọn phong kiến xâm lược nhà Lương (bên Trung Quốc) đối với nhân dân ta, tinh thần bất khuất, ý chí căm thù kẻ địch ngày càng sôi sục.
Nuôi chí lớn đánh đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi, chàng thanh niên đất Cổ Sở ấy đã cùng những người tâm huyết trong vùng bí mật vào rừng ngày đêm luyện tập võ nghệ. Vốn có sức khỏe và lòng dũng cảm, chàng trai họ Phạm đã thuần hóa được hàng chục voi rừng, biến chúng thành đội quân để sau ra trận.
Tài thao lược ý chí anh hùng của người thanh niên quê Cổ Sở sớm nổi danh một vùng, thu hút hàng trăm trái tim yêu nước thương nòi về đây kết bạn, bàn mưu tính kế làm khởi nghĩa đánh đuổi kẻ thù. Nghĩa quân được tuyển chọn những trai tráng trong vùng. Bằng sự khêu gợi lòng yêu nước của tuổi trẻ kết hợp với quyền lợi vật chất và những chiến lợi phẩm dành lại từ trong tay giặc đem chia đều cho nhân dân, nên đội quân mỗi ngày một đông. Chẳng mấy chốc thanh thế của nghĩa quân đã làm cho kẻ thù khiếp sợ. Nhiều đồn giặc bị phá tan, nhiều kho lương thực được dành lại. Chủ tướng Phạm Tu nổi lên như một trang hào kiệt đất Sơn Tây. Cả một dải từ Đỗ Động đến Đường lâm đã sạch bóng quân thù.
Cùng buổi ấy ở nhiều vùng của đất nước cũng còn có nhiều người nổi lên chống lại quân Lương. Trong số đó, người được Phạm Tu kính phục hơn cả là Lý Bôn (tức Lý Bí) quê ở Long Hưng Thái Bình. Đầu năm Tân Dậu (541), tướng Phạm Tu đã tìm gặp Lý Bôn để liên kết lực lượng cùng nhau đánh đuổi kẻ thù chung. Vốn đã biết tiếng từ lâu, nay lại thấy người, Lý Bôn hiểu Phạm Tu là người tài giỏi, liền phong cho chức Đỗ Động tướng quân cho theo việc binh.
Anh hùng hội ngộ, tướng Phạm Tu gặp được Lý Bôn như cá gặp nước, như rồng gặp mây. Người anh hùng đất Cổ Sở ấy đã đem tài thao lược của mình cống hiến cho sự nghiệp giải phóng đất nước.
Trong dựng và giữ nước, tướng Phạm Tu đã lập nhiều chiến công hiển hách, đánh Bắc dẹp Nam. Đặc biệt trong trận đánh quân Lâm Ấp (tức Chiêm Thành) khi chúng vào xâm lấn Cửu Đức mùa thu năm Quý Hợi (543). Lúc này vừa quét sạch quân Lương ra khỏi bờ cõi chấm dứt thời kỳ đô hộ 500 năm của các triều đại phong kiến xâm lược phương Bắc. Biết ta còn phải lo bao việc trong dựng nước, bọn vua quan Lâm Ấp đã thừa cơ vào xâm lấn bờ cõi phía Nam. Tin cấp báo về đến Lý Bôn và các bạn chiến đấu của ông. Mọi người đều nói: “Với kẻ thù hung hãn như vậy phi Đỗ Động tướng quân không ai có thể đương đầu với giặc này”. Tin vào khả năng xuất chúng của người tướng trẻ, Lý Bôn đã nghe theo lời bàn cử tướng Phạm Tu vào Nam dẹp giặc.
Đúng chỉ một lần ra quân người anh hùng đất Sơn Tây ấy đã đuổi được quân Lâm ấp ra khỏi bờ cõi mang lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân địa phương. Nghe tin thắng trận báo về Lý Bôn đã hết lời khen ngợi. Ông nói: “Tre già mới biết dao sắc, có gặp lúc nguy nan mới biết người tài giỏi. Nay Đỗ Động tướng quân bắn vài tên mà phá tan quân giặc dữ, thật là một hào kiệt đất Sơn Tây, dẫu bậc danh tướng đời xưa cũng không hơn được, cần phải trọng thưởng”. Ông đã phong cho tướng Phạm Tu tước hiệu Phục Man (ý nói dẹp giặc Man). Cho đổi họ Lý và gả con gái cho (Công chúa Phương Dung). Từ đó mọi người không gọi tướng Phạm Tu là Đỗ Động tướng quân mà gọi bằng cái tên đầy vẻ tôn kính là Lý Phục Man tướng quân.
Đất nước đã sạch bóng quân thù; đầu năm Giáp Tý (544) Lý Bôn lên ngôi vua lập ra nhà Tiền Lý. Đặt tên nước là Vạn Xuân, có triều đình hai ban văn võ. Là người có nhiều công lớn phò mã Phạm Tu được vua phong cho chức Thái Úy đứng đầu ban võ.
Vốn là người giàu lòng yêu nước thương dân, lại được tham dự mọi việc triều chính nên Thái Úy đã mạnh dạn can ngăn vua, khiển trách kẻ có lỗi, trừng trị kẻ lộng quyền làm điều xằng bậy ức hiếp nhân dân, nên trong ngoài ai cũng ca ngợi công đức Lý Phục Man tướng công.
Đầu năm Ất Sửu (545), bọn phong kiến nhà Lương lại sai Trần Bá Tiên mang quân sang hòng đặt ách đô hộ nước ta một lần nữa. Trận thử sức đầu tiên với đội quân xâm lược ở thành Chu Diên (Hải Hưng), quân ta bị thua. Biết chưa đủ sức triều đình nhà Lý đành phải lui quân về sông Tô Lịch xây đắp thành lũy (Hà Nội) để giữ thế thủ. Để bảo toàn lực lượng đánh địch lâu dài, vua Lý bèn cử Phục Man tướng công Phạm Tu ở lại giữ thành. Còn nhà vua đem triều đình về Khuất Liêu.
Chỉ qua mấy tháng, mùa thu năm Ất Sửu (545) tướng giặc Trần Bá Tiên lại đem quân đến vây đánh thành Tô Lịch. Trong một trận giao tranh với Trần Bá Tiên, tướng công đã anh dũng hy sinh tại trận tiền. Hai tùy tướng họ Trương đã mang được thi hài về quê an táng tại khu Hồ Mã.
Bằng lòng biết ơn và tiếc thương vô hạn người con trung hiếu của quê hương, vị anh hùng dân tộc, nhân dân đã đem cây xanh trồng xung quanh ngôi mộ, lập đền thờ ngày đêm tưởng niệm. Cây xanh mỗi ngày một thêm lan rộng, Đền mỗi thời một xây to thành rừng Giá và Quán Giá hiện nay.
Cùng với quê hương tướng công còn có 74 làng xã trong cả nước từ Hà Tĩnh trở ra lập đền thờ vị anh hùng dân tộc ấy. Kể từ khi đất nước dành được quyền tự chủ, các vương triều xưa như Tiền Lê, Hậu Lý, Hậu Lê, Mạc, Lê Trung Hưng, Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn đã phong tặng tới 60 đạo sắc gồm gần 300 chữ đẹp. Đó chính là sự đánh giá của lịch sử và nhân dân về công lao sự nghiệp của tướng công vậy.
(Sự tích theo Thần phả, văn bia và sử).

PHẠM TU (486-545)

(Trong mục Danh nhân Hà Nội, đứng thứ nhất)
Phạm Tu sinh ra ở làng Quang Liệt (nay là Thanh Liệt-Thanh Trì). Ông là vị tướng tài có công bậc nhất trong việc giúp Lý Bí đuổi giặc Lương, lập nhà nước Vạn Xuân vào thế kỷ thứ 6.
Phạm Tu là một đô vật giỏi. Năm 541, bất bình trước ách thống trị tàn ác của nhà Lương, ông đã tập hợp trai làng chống lại. Năm sau, Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa, ông đem quân gia nhập ngay và đi tiên phong đánh thành Long Biên, trị sở của bọn đô hộ. Tên thứ sử tham bạo phải xéo chạy. Đất nước giải phóng, ông xây lũy bên sông Tô để phòng vệ. Nhà Lương hai lần phản kích đều bị ông chặn đánh từ biên ải.
Tháng Giêng năm 544, Lý Bí lên ngôi, Phạm Tu được cử thống lĩnh binh quyền, dẹp các cát cứ địa phương, nên được vua ban tước Phụ Man tướng quân. Bởi vậy nhân dân còn gọi ông là Lý Phục Man. Trong lần quân Lương sang xâm lược lần thứ ba, ông hy sinh anh dũng trong một trận đánh ác liệt ở ngay cạnh dòng sông Tô quê hương.
Các triều sau sắc phong ông là Hộ quốc tế dân, Anh uy vĩ độ (có nghĩa là “Giúp nước cứu dân, anh hùng hào kiệt”).
Nguồn tin: Hà Nội Portal
________
Ghi chú: Theo thông tin ở trên thì Phạm Tu sinh năm 486, tước Phụ Man có thể do sai sót chế bản. Nội dung đồng nhất trên là sai do lấy thông tin về Lý Phục Man ở Yên Sở gắn cho Phạm Tu ở Thanh Liệt. Bài này dựa trên bài “Phạm Tu với nhà nước Vạn Xuân” của Đàm Hưng đăng trên báo Hà Nội mới ngày 11/9/1983.
Trang web Hà Nội Portal có đăng bài “Phạm Tu” của Vũ Tuân Sán lại không đồng nhất Phạm Tu với Lý Phục Man (xem tr. 44)

VÕ TƯỚNG PHẠM TU

Quê quán: Yên Sở-Hoài Đức-thành phố Hà Nội
Thời kỳ: Tiền Lý (Lý Nam Đế)
Năm sinh: Bính Thìn-476; Năm mất: Ất Sửu-545
Võ tướng Phạm Tu đời Tiền Lý (Lý Nam Đế), quê ở làng Giá, thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
Năm Tân Dậu (541), ông giúp Lý Bôn chống nhà Lương, đuổi được Thứ sử Tiêu Tư tàn ác. Ông đóng quân giữ thành Long Biên, cùng với Tinh Thiều và Triệu Túc sửa sang mọi việc, giúp Lý Bôn dựng nên nhà Tiền Lý.
Năm Quý Hợi (543), quân Lâm Ấp (Chiêm Thành) xâm chiếm, ông đánh dẹp được. Trước đó năm Nhâm Tuất (542), Lương Võ Đế sai Thứ sử Châu Tân là Lư Tử Hùng, Thứ sử Châu Cao là Tôn Quýnh sang xâm lược nước ta, ông cũng đánh lui quân giặc. Ông được vua Lý phong tước Phục Man tướng quân, đổi theo họ vua là Lý, nên cũng gọi là Lý Tu hay Lý Phục Man; và được vua gả Công chúa Phương Dung cho.
Năm Ất Sửu (545), nhà Lương lại kéo quân sang đánh phá, ông chống giặc tại thành Tô Lịch (Hà Nội xưa) được một thời gian nhưng vì tuổi cao sức yếu, thế giặc mạnh nên ông tử trận, hưởng thọ 69 tuổi.
Nguồn tin: www.vietgle.vn

Đây là tư liệu mà phần đồng nhất như cuốn “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” chủ biên Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, Nxb. KHXH, 1991. Nội dung đầy đủ về Phạm Tu có trong cuốn sách phát hành rộng rãi xuất hiện việc đồng nhất ở trang 744 như sau:

PHẠM TU (- Â. sửu 545)
Võ tướng đời Tiền Lí (Lý Nam đế), quê l. Giá, thuộc x. Yên Sở, h. Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội.
Năm T. dậu 541, ông giúp Lí Bôn chống giặc nhà Lương, đuổi được Thứ sử Tiêu Tư tàn ác, ông đóng quân giữ thành Long Biên, cùng với Tinh Thiều và Triệu Túc sửa sang mọi việc, giúp Lí Bôn dựng nên nhà Tiền Lí.
Năm Q. hợi 543, quân Lâm Ấp (Chiêm Thành) xâm chiếm, ông đánh dẹp được. Trước đó (N. tuất 542) Lương Võ Đế sai Thứ sử Châu Tân là Lư Tử Hùng, Thứ sử Châu Cao là Tôn Quýnh sang xâm lược, ông cũng đã đánh lui quân giặc. Ông được vua Lí phong tước Phục Man tướng quân, đổi theo họ vua là Lí, nên cũng gọi là Lí Tu hay Lí Phục Man; lại được vua gả Công chúa Phương Dung cho.
Năm Â. sửu 545, giặc Lương lại kéo sang đánh phá, ông chống nhau với giặc tại thành Tô Lịch (Hà Nội xưa) chết tại trận.
Mộ và đền thờ ông nay hãy còn di tích tại quê hương ở l. Giá.

Trang web www.vietgle.vn không thống nhất khi đăng về làng cổ An Cước có nêu rõ: “Hội An Cước với sự tôn vinh vị tướng Lôi Công thời Lý Nam Đế là một trang sử đẹp thời kỳ dựng nước Vạn Xuân, mà bấy lâu nay người ta chỉ biết đến tướng Phạm Tu ở Hà Nội và Lý Phục Man ở Hà Tây.”
*
Còn có một số trang web có thể hiện việc đồng nhất nhưng không trích dẫn nguồn tư liệu sử dụng. Ví dụ thông tin ở trang http://www.binhthuan.gov.vn/ viết về Đình Yên Sở như sau:
… Đình thờ Phạm Tu hay Lý Phục Man, người làng Cổ Sở, một tướng của Lý Nam Đế (541-548).
Có lẽ đây là thông tin trích từ cuốn Đình Việt Nam (1998) của Hà Văn Tấn?

DANH TƯỚNG PHẠM TU-LÝ PHỤC MAN LÀ MỘT HAY HAI NGƯỜI

Bài đăng trên Thông báo Hán Nôm 2009 của Viện NC Hán Nôm. Đây là tư liệu do chính tác giả chuyển cho chúng tôi để giới thiệu với bạn đọc. Chân thành cám ơn PGS. TS. Trương Sỹ Hùng. Tuy nhiên chúng tôi thấy có một số vấn đề chưa hợp lý (các chú thích chữ cái a-k) nên có bài góp ý ở trang 79.
PGS. TS. Trương Sỹ Hùng
Viện NC Đông Nam Á
Danh tướng Phạm Tu đã được lịch sử ca ngợi, đánh giá cao ngay từ khi ông còn tại thế. Một con người đã từng có nhiều cống hiến, hy sinh vì độc lập dân tộc, khi vào cõi vĩnh hằng thì càng ngày càng được tôn vinh ghi nhớ, nhưng có lẽ do tài liệu thất lạc, hỏa hoạn chiến tranh, thời gian bào mòn đến mức hư nát... khiến cho hành trạng cuộc đời, sự nghiệp của ông bị mai một. Tuy nhiên, với tất cả những tư liệu còn lại ngày nay giới nghiên cứu vẫn phục dựng được những nét cơ bản về ông, với những danh xưng Đỗ Động tướng quân, Lý Phục Man tướng quân và sau khi qua đời ông trở thành đức thánh Giá, một cách kiêng gọi tên húy, gắn danh thần với địa danh kẻ Giá, rộng hơn nữa là Thiên Nam thánh như vua Lý Thần Tông ban tặng. Khi vua Trần Nhân Tông phong sắc cho Phạm Tu là Chứng An đại vương (1285) thì dân chúng lại kêu cầu vắn tắt tên ông là đức Đại vương. Như thế mỗi tên gọi của ông đều có một ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với cá nhân ông, dòng tộc ông. Theo thống kê của Nguyễn Bá Hân(1), từ thời Tiền Lý đến thời Nguyễn, các triều đại vua chúa Việt Nam đã ban tặng danh thần Lý Phục Man gần 300 mỹ tự (chữ đẹp) trong 60 lần phong sắc và hiện có 74 làng xã ở gần khắp các tỉnh phía bắc, từ Hà Tĩnh trở ra đã lập đền thờ ông. Danh tướng Lý Phục Man đối với non sông đất nước với dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử-kể từ khi ông xuất hiện rồi đi vào cõi vĩnh hằng-đều được các triều đại ghi nhận, tăng huy, tôn thờ ở vị trí thánh nhân. Đúng như bản văn khắc Cổ tích từ bi (古跡祠碑), dựng năm Vĩnh Tộ thứ hai (1620) đã viết:“嘗喟有功於國有功於民人追而嗣之厚之至也”( thường vị hữu công ư quốc hữu công ư dân nhân truy nhi tự chi hậu chi chí dã) nghĩa là: “Bình thường người ta vẫn nói, người có công với dân với nước thì được người đời tìm lại để tôn thờ, mãi mãi ghi nhớ cho đời sau.”
Khoảng thời gian từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX dù đất nước có biến động thăng trầm đến mấy, tính danh Lý Phục Man vẫn ngời sáng trong các trang quốc sử, nơi đền miếu tôn thờ và trong các nghi thức tín ngưỡng, lễ hội nhằm mục đích tôn vinh, ghi nhớ công ơn theo phong tục cổ truyền của người Việt. Vì thế, gần mười lăm thế kỷ đã trôi qua, việc tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp Phạm Tu-Lý Phục Man vẫn đang còn cấp thiết, sao cho những trang vàng chói lọi lịch sử chống ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ do tổ tiên gây dựng được toàn vẹn, ngày mỗi ngày thêm vẻ vang, giầu đẹp.
Lý Tế Xuyên tác gia thời Lý-Trần trong sách Việt điện u linh, khi viết về Triệu Việt vương và Lý Nam đế đã chỉ rõ, thời thuộc nhà Lương nhân dân ta rất căm phẫn chế độ hà khắc của chính quyền đô hộ, “rồi nhân tên thứ sử Vũ Lâm hầu Tiêu Tư quá hà khắc tàn bạo, việc hành chính mất lòng người, dân chúng ngấm ngầm tính kế chống lại. Khi đó Lý Bôn (một cách phiên tên khác của Lý Bí, sau xưng là Lý Nam đế-TSH chú thêm) coi giữ quân ở châu Cửu Đức liên kết hào kiệt chín huyện, khí giới tinh nhuệ, cùng nhau khởi binh đánh cho thứ sử Tiêu Tư phải chạy về Quảng Châu. Lý Bôn đem quân đóng ở châu thành. Đúng lúc ấy, người Lâm ấp đến cướp đất Nhật Nam. Lý Bôn sai tướng Phạm Tu, đánh giặc ở Cửu Đức thu thắng lợi lớn, quân giặc tan hết, ông liền xưng là Việt vương, đặt trăm chức quan, đổi niên hiệu là Thiên Đức, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân.”(2) Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục miêu tả chi tiết “Lý Bôn tài kiêm văn võ làm quan triều Lương... vì bất đắc chí nên về Thái Bình khởi binh. Tù trưởng huyện Chu Diên là Triệu Túc cũng đem quân theo Lý Bôn. Tiêu Tư biết rõ việc ấy, đem tiền đút lót cho Lý Bôn rồi chạy về Quảng Châu. Lý Bôn liền giữ thành Long Biên.”(3) Cùng lúc đó, Phạm Tu cũng tập hợp lực lượng, huấn luyện một đạo quân, đánh đuổi giặc Lương ở vùng Đỗ Động Đường Lâm đã nổi tiếng từ lâu. Khi Lý Bôn lấy được thành Long Biên, xưng vương, tướng Phạm Tu hòa nhập lực lượng, dấy theo cờ nghĩa.
Trở lại với cách làm tuyển tập thần tích Đại Việt, Lý Tế Xuyên đã dẫn sách Sử ký của Đỗ Thiện viết về Phạm Tu, lúc này với tư cách là thần Lý Phục Man báo mộng cho vua Trần Nhân Tông. Chuyện kể, đời vua Lý Thái Tổ, nhân dịp đi quan sát địa phương, “nhà vua đến bến Cổ Sở, trông thấy phong cảnh núi sông rất đẹp, tâm thần nhà vua cảm xúc mới rót một ly rượu xuống dòng sông lớn mà vái rằng:
-Trẫm xem nơi đây thủy tú sơn kỳ khác hẳn mọi phương, nếu có linh hồn của những trang nhân kiệt, thì xin hãy nhận lễ ta dâng hiến.
Rồi ra đêm ấy, nhà vua mộng thấy một dị nhân cao lớn vạm vỡ, mặt hổ râu rồng, y phục trang nghiêm, khăn giày rành rạnh, đến cúi đầu lạy hai lần và tâu rằng:
-Thần vốn là người làng này, họ Lý tên Phục Man, đã giúp Lý Nam đế và làm tướng quân: nhờ lòng trung liệt mà đã nổi danh, nên được cho trấn thủ hai dải sơn hà Đỗ Động và Đường Lâm: đám mọi Lào đều sợ, không dám xúc phạm, hóa ra cả một phường đều yên ổn. Đến khi thần thác, đức thượng đế chấm lòng trung ấy, nên cho thần giữ chức như cũ. Cứ xin trình rõ vài điều mạo muội, hầu mong thánh thượng nghe qua. Xưa kia, thuở nhà Đường sắp làm vua, thần thường đem binh theo Khâu Hòa phá được nghịch tặc là Ninh Trường Chân ở cửa Giáp Sơn, qua đời vua Túc Tông lại phá được giặc Đại Thực Ba Tư ở cửa Thần Thạch, sang đời vua Đại Tông lại phá được giặc Côn Lôn Chà Và ở Chu Diên. Lại khi Cao vương phá nước Nam Chiếu, với lúc Ngô tiên chúa phá quân Nam Hán, Lê Đại Hành cả phá Tống binh, mỗi lần xuất quân chinh phạt, thần luôn luôn ở trên không mù mịt đã mang quỷ binh ám trợ kết cuộc đều có công cả. Thần lại đã từng cầm quân binh quỉ thần, dâng mệnh thiên đế, phá được giặc Chiêm Thành ở trấn Giáp Sơn. Đến khi thần mệnh một, linh hồn chẳng tan, thôn dân kính mến, lại sợ không người phòng thủ để ngừa bọn ngoại Lào cướp bóc, nhân thế mới lập đền thờ phụng. Bởi vậy thần còn được dịp nương bóng mà phảng phất trong khoảng trời mây. Hễ khi nào có dùng binh, thì thần lại ám hộ từ trên không: bọn nghịch tặc vào cướp đều bị ngăn chống cả. Hôm nay gặp bệ hạ loan giá quang lâm, thần riêng đến xin bái yết. Đoạn rồi ông có ngâm thơ rằng:
Thiên hạ toàn mông muội
Cô vi ẩn thanh danh
Trung nguyên yết nhật nguyệt
Quang diệu thị chân hình.
Nghĩa là:
Người đời thường sao nhãng
Nên ta ẩn thanh danh
Giữa trời theo ngày tháng
Làm rạng rỡ chân linh.
Dứt lời thì không còn thấy đâu nữa. Nhà vua chưa kịp đối đáp; bỗng nhiên giật mình tỉnh dậy, liền đem nói hết với kẻ tả hữu. Quan ngự sử đại phu là Lương Văn Nhậm nói:
-Đó là lời thần có ý muốn hiển linh để mà lập hình tượng.
Nhà vua truyền lệnh xin keo, thì lập tức thấy ứng nghiệm, bèn sai người trong châu lập đền thờ và tạc một thần tượng y như vua đã trông thấy trong mộng. Miếu mạo sum nghiêm, làm phúc thần cho cả một phương.
Trong niên hiệu Nguyên Phong (1251-1253, đời vua Trần Thái Tông), rợ Thát Đát vào cướp mà ngựa chúng què không thể tiến được. Thôn dân vốn biết có sức thần giúp liền dẫn chúng nhân ra cự chiến, chém đầu quân giặc rất nhiều. Đám nghịch tặc chạy tứ tán, không dám trở lại nhòm ngó cõi bờ ta nữa. Khi đã bình xong giặc cướp, liền có sắc phong Chứng An quốc công và có chiếu ban cho cả thôn ấy đổi làm Chứng An hộ xá.
Niên hiệu Trùng Hưng (1285-1293, đời vua Trần Nhân Tông) năm đầu, giặc Bắc lại vào cướp phá nữa, đến đâu cũng đều đốt rụi cả, qua tới ấp này thì như có người phòng hộ, một mảy thu hào cũng không bị động tới.
Lúc dẹp xong giặc cướp, lại có sắc phong Chứng An vương. Sang năm thứ tư còn gia phong hai chữ Minh ứng. Niên hiệu Hưng Long thứ 21 (1293-1294, đời vua Trần Anh Tông, đây chỉ năm 1313) lại có thêm hai chữ Tá Quốc càng sáng tỏ sự linh ứng nữa vậy.” (4) Việt điện u linh bản A. 751 do Trịnh Đình Rư-Đinh Gia Khánh dịch còn có Phụ chép sự tích thần xã An Sở: “Gia Thông đại vương người làng Cổ Sở (sau đổi là An Sở). Bấy giờ thiên hạ gặp buổi mờ tối, người hào kiệt phải giấu họ tên. Đại vương còn trẻ tuổi, phong tư và tài nghệ khác thường, cưỡi ngựa bắn cung đều giỏi, có uy đức lại có sức trị được voi. Vương giúp vua Lý Nam đế (đồng thời với vua Vũ Đế nhà Lương), vua thấy tài mạo, biết là bậc đại trượng phu, có thể đảm đương một mặt trận, bèn cho theo việc binh, lập được nhiều công to. Sau thấy đất Đỗ Động ở biên giới, một nơi xa và hiểm yếu, phi đại vương không ai cai trị nổi, vua mới cho vương làm đại tướng ra trấn thủ ở nơi đó. Một hiệu lệnh của vương ra, những kẻ hùng trưởng đều phải nín hơi, trộm cướp về hàng phục, dân trong hạt rất được yên vui, già trẻ đều cảm ơn đức.” Về sự tiêu vong của nhà Tiền Lý liên quan đến cái chết của Lý Phục Man tác giả viết tiếp: “Không may cho nhà Lý, năm Thiên Đức thứ 2, Ất Sửu (545), nhà Lương sai Trần Bá Tiên đem binh sang xâm lấn, thắng ta luôn mấy trận, đất Chu Diên, Tô Lịch đều về tay địch chiếm. Năm thứ 4, Đinh Mão (547), quân Lương thừa thắng tiến đánh rất mạnh. Nam đế phải lui vào giữ động Khuất Lạo được ít lâu rồi mất. Thái úy nghe tin buồn rầu than thở, sai quân giữ các nơi hiểm yếu. Một đêm bỗng thấy bốn mặt lửa sáng rực trời, man binh lũ lượt kéo đến trước sân vây bọc. Thái úy biết là bọn man binh phản công, mệnh trời khó biết, mới dẫn các gia tướng phá vòng vây chạy ra. Quân giặc đuổi theo rất gấp, đường cùng sức kiệt, Thái úy liền chỉ trời vạch đất ung dung chết vì nghĩa lớn. Người nhà rước linh cữu về bến Hồ Mã (nay là bến Ngọc Tân, tên một con sông ở bản xã) rồi táng ở bên sông ngoài làng.”(5) Như thế Lý Tế Xuyên đã cho biết thông tin về Lý Phục Man từ khi ông làm nên sự nghiệp cho đến lúc hóa thần và sự ứng nghiệm linh thiêng của thần với sự nghiệp trung quân ái quốc, cụ thể là hai triều đại Lý-Trần.
Sách cổ ghi chép kiệm lời vì quan niệm xưa quốc sử chú trọng trên hết là chép về các triều đại theo lối biên niên, vua chúa thay nhau “cha truyền con nối, trị vì thiên hạ”, việc quan dân chỉ là phụ họa cho sự nghiệp của các “hoàng đế”. Phương pháp luận đó khiến sử gia Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê đã căn cứ theo Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Sử ký tục biên của Phan Phu Tiên, tham bác nhiều tài liệu khác như Việt điện u linh... chẳng hạn, để biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Phần Ngoại kỷ ghi chép lịch sử dân tộc Việt Nam từ thời Kinh Dương Vương đến năm 967 chủ yếu là sưu tập các truyền thuyết xung quanh những thông tin không nhiều từ các nguồn thư tịch. Sự thận trọng đó đã đẩy lùi cột mốc lịch sử ra đời một hình thức nhà nước quân chủ phong kiến, độc lập tự chủ của dân tộc Việt đến thế kỷ X-mà lẽ ra vua Lý Nam đế với sự ra đời của nước Vạn Xuân có thể coi là người mở đầu. Vấn đề lai lịch, quê quán của nhân vật Phạm Tu khi các tác gia sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi tên ông thì dãn cách thời gian cũng đã qua đi khoảng thời gian trên dưới 1.000 năm. Theo nguồn chính sử này, võ tướng Phạm Tu đã nổi tiếng ở tầm quốc gia ngay từ lúc sinh thời. Song, cũng từ đây về sau ánh sáng từ tấm gương hy sinh vì nước, cuộc đời làm tướng anh dũng vẻ vang của ông luôn truyền cảm, dẫn độ các tác gia đời sau không thể bỏ qua tính danh Phạm Tu hoặc Lý Phục Man, khi có dịp biên soạn lại sử Việt, cho dù lượng thông tin ít ỏi đến mấy.
Ở đây cần xét xem trong khoảng bảy năm (541-548) đời vua Lý Nam đế có mấy lần đánh đuổi giặc Lâm Ấp? Thực tế chỉ có một lần duy nhất là năm 543. Đại Việt sử ký toàn thư phần Ngoại kỷ (quyển IV) chép: “Quý Hợi năm thứ ba (543), mùa hạ, tháng Tư vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua sai tướng Phạm Tu đánh tan ở quận Cửu Đức.
Giáp Tí, Thiên Đức thứ 1 (544), mùa xuân, tháng Giêng, vua nhân đánh được giặc, tự xưng là Nam Việt đế, lên ngôi, đổi niên hiệu, đặt trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân là ý mong xã tắc truyền đến muôn đời vậy. Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Lấy Triệu Túc làm thái phó, bọn Tinh Thiều, Phạm Tu đều làm tướng văn và tướng võ.”(4) Một trong ba người giữ vai trò chủ chốt giúp vua Lý Nam đế ở ba lĩnh vực khi mới dựng nghiệp thì chỉ có một vị quan võ là Phạm Tu, chứng tỏ Phạm Tu và Lý Phục Man chỉ là tên gọi khác nhau của một người. Cho đến nay, thực tế thống kê hàng chục tài liệu khác nhau đều cho kết quả đó. Vì chiến công dẹp quân Lâm Ấp giữ gìn cương thổ nên tướng Phạm Tu mới nổi danh hơn khi còn làm quan ở một vùng châu thổ. Khi Phạm Tu được vua ban quốc tính tức là họ Lý và danh hiệu Phục Man, lại được vua gả công chúa ông trở thành phò mã. Lẽ thường theo “mệnh vua phép nước”, bản thân đương sự là Phạm Tu và “phận con dân” thuộc mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, mọi thế hệ người đời không thể trái mệnh vua, nên ngay từ lúc sinh thời tục danh Phạm Tu dần lui vào quá khứ. (i) Quan hệ xã hội của Lý Phục Man ở chốn vương triều ngày một rộng, to nhỏ thì cũng vừa là thân vương vừa là tướng lĩnh đầu triều, bởi vậy thế lực của Lý Phục Man chỉ cần “ăn theo” cơ chế của giai cấp thống trị đương thời cũng đủ dư thừa thực ấp, cũng như mọi uy quyền không chỉ trong phạm vi trấn xứ mà đã ở tầm quốc gia. Với cương vị đại tướng mà bên cạnh vua Lý Nam đế chỉ có Tinh Thiều làm tướng văn và Lý Phục Man làm tướng võ, được chính sử ghi lại hẳn không phải là bất cẩn. Ngoại kỷ chép về danh tướng Phạm Tu với tư cách một vị tướng giỏi của vua Lý Nam đế bằng tên “khai sinh” cho đến khi ông đánh thắng giặc Lâm Ấp, với những tư liệu do Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên để lại, đó là tôn trọng một sự thật lịch sử. Danh xưng Phạm Tu như các sử gia chép ở phần Ngoại kỷ với sự kiện đánh thắng giặc Lâm Ấp, sự kiện lớn gắn liền với sự nghiệp đánh giặc cứu nước của ông. Không những thế, thắng lợi ở biên cương phía nam đương thời đã tạo thế đứng cho vua Lý Nam đế thế kỷ VI. Song, khi sách viết đến phần Bản kỷ, ở quyển II, Kỷ nhà Lý, thì nhân vật Phạm Tu đã trở thành vị thần thiêng Lý Phục Man. Mặt khác, theo quan niệm của người Việt, dù thần thánh ở bậc nào, thiêng liêng, phù phép cao thủ đến đâu, vẫn phải “phò vua giúp nước” thì mới tồn tại. Vì vậy, vào “Bính Thìn năm thứ bảy, mùa xuân, tháng ba (1016) động đất. Vua nhân đi xem ngắm núi sông, đến bến đò Cổ Sở, thấy khí tốt của núi sông tâm thần cảm động…”. Sau đoạn văn trên là trọn vẹn câu chuyện kể cả tình tiết và văn phong, thể hiện là Đại Việt sử ký toàn thư dẫn lại trọn vẹn sách Việt điện u linh như đã dẫn đoạn trên. Lúc này danh tướng Phạm Tu dường như chỉ còn dấu ấn trong trang sử thời Tiền Lý, còn giờ đây tên ông được gọi là thần thiêng Lý Phục Man hay thánh Giá bởi người đã “thác về trời” từ gần 1000 năm trước. (c)
Nhiều văn bia, thần tích xuất hiện từ đầu thế kỷ XVII trở đi đều căn cứ văn bản Việt điện u linh hoặc Đại Việt sử ký toàn thư mà đổi thay chút ít, để biên soạn thần tích cho phù hợp nơi thờ, chỗ dựng bia thánh Giá thờ phụng Lý Phục Man; song hành trạng công tích mà nhân vật lịch sử từ khi còn mang tính danh Phạm Tu đến lúc được vua ban tên hiệu Phục Man và họ Lý của vua, gắn liền với các sự kiện đều thống nhất ở một con người, một triều đại Tiền Lý, được đời đời tôn vinh.
Xuất phát từ tinh thần tự cường dân tộc, bất cứ triều đại nào, thế lực nào thống trị, thì những trang sử hào hùng của quan dân Đại Việt đều được các bậc trí thức... nhiều khi làm quân sư hoặc theo lệnh vua chúa mà tăng bổ, biên soạn lại. Hình thức chuyển tải nội dung lịch sử thành diễn ca bằng sự kết hợp giữa hai thể loại thơ song thất, lục bát nhằm mục đích phổ biến sâu rộng kiến thức lịch sử đến tầng lớp bình dân, đã có nhiều thành tựu. Vào những năm bảy mươi của thế kỷ XVII, tác phẩm Thiên Nam minh giám đã ra đời, có đoạn viết:
Tiền Nam đế dâng công mở nước
Tôi thuẫn thành dùng được Phục, Tu
Vâng lời rửa hổ, trả thù
Ải Nam đã quạnh ngựa Hồ thả dong.
Soạn giả Hoàng Thị Ngọ khi phiên âm bản diễn ca đã bám vào thứ tự câu thơ, chú giải:
“129-Tiền Lý Nam đế: tức Lý Bôn, còn gọi là Lý Bí. Năm 541, Lý Bí nổi dậy đánh đuổi thái thú Tiêu Tư, xưng là Lý Nam đế.
130-Tôi thuẫn thành: người bề tôi trụ cột giữ gìn, giúp rập cơ nghiệp của nhà vua.
131-Phục, Tu:-tức Triệu Quang Phục và Phạm Tu (... ) Phạm Tu (?-545) quê ở Yên Sở, huyện Hoài Đức (nay thuộc Hà Tây). ông là võ tướng của Lý Nam đế, có công lớn trong việc đánh dẹp giặc và xây dựng nên nhà Tiền Lý.” (6)
Về tên gọi Lý Phục Man của danh tướng Phạm Tu người xưa khi cần đề cập đến có cân nhắc rất thận trọng. Chẳng hạn Thuật thần từ cựu bi dựng năm 1728 ở làng Giá (nay thuộc xã Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội) đã viết: “Đại vương là người làng này, từ nhỏ đã tỏ ra thông minh, tài nghệ khác thường, giỏi cưỡi ngựa bắn cung và dạy voi. Thời vua Lý Nam đế, vua thấy thần là người kiệt xuất, đúng là một đấng đại trượng phu, có khả năng đảm đương những công việc lớn, liền cho thần theo việc quân. Thần đã lập nhiều chiến công hiển hách. Sau thần được phong làm đại tướng quân, trấn giữ vùng Đỗ Động Đường Lâm. Ở đây mỗi khi thần xướng lệnh thì bọn giặc cướp đều tháo chạy hoặc quy hàng tất cả. Nhân dân được yên vui, già trẻ đều đội ơn và ca ngợi công đức của thần.
Khi người Lâm Ấp đánh chiếm vùng đất Cửu Đức thì rất nhiều tin cấp báo về triều đình. Triều đình hội kiến, ai cũng tâu vua rằng: “-Ngoài Đỗ Động tướng quân, không ai có thể thắng được bọn giặc này!” (e) Vua liền xuống chiếu cho thần thống lĩnh các chư tướng đem quân đi, khi đánh tan quân Lâm Ấp ở Cửu Đức. Biết tin, vua không ngớt lời khen ngợi và nói với các quần thần: “-Gặp thớ gỗ cứng mới biết được dao sắc, nay Đỗ Động tướng quân chỉ mới bắn vài phát tên mà đã phá tan quân giặc dữ, thật là một vị tướng anh hùng hào kiệt đất Sơn Tây vậy. Các bậc danh tướng thời xưa cũng không thể hơn được, không thể không ban thưởng.
Vì tướng quân đã quét sạch được quân rợ nên nhà vua bèn cho tước hiệu là Phục Man, cho thần được đổi họ theo họ Lý của vua; vua lại gả công chúa cho thần, phong thiếu úy cho thần, cho thần tham nghị triều chính đứng đầu các quan”. (7) Văn bia chữ Hán xưa rất tôn trọng quan niệm kiêng gọi tên húy, lại thường gọi đương sự với chức cao nhất tùy thuộc vào thời điểm mà người đó đảm nhiệm hoặc chỉ ghi Phạm công (với nghĩa là ông họ Phạm), nên lúc Phạm Tu làm quan trấn ải thì mang tên Đỗ Động tướng quân đồng nhất tên ông với vùng đất ông đang cai quản, khi được vua cho đổi họ Lý và phong tước Phục Man thì ông có tên Lý Phục Man. Cần lưu ý rằng, phần chính nói về tích thần của cả năm bài văn bia hiện diện ở đền thờ Lý Phục Man tại làng Giá, đều có sự kế thừa từ năm 1603 đến 1855, theo như Việt điện u linh hoặc Đại Việt sử ký toàn thư đã chép lại.
Bên cạnh những tài liệu khá rành mạch trên đây, tác giả sách diễn ca lịch sử ra đời cuối thế kỷ XVII như Thiên Nam ngữ lục có viết như sau:
Địch thời Phục Man, Phạm Tu
Trận phá nhắm mắt, thành đồ phản tay
(... )
Binh xâm Quảng Hóa, Nghệ An
Đua hơi cầm đói duổi đàn lợn con
Mạnh chi thằng rợ học khôn
Phạm Tu binh đến đuổi dồn phá tan.
Vua sai thái úy Phục Man
Người quê Đan Phượng có gan anh hùng
Bình sinh chí khí tang bồng
Quê ở Cổ Phái con dòng sinh ra
So đời một chẳng hai ba
Tương Như chẳng khuất, Liêm Pha chẳng thìn
Đến đoạn sau, khi tướng quân Phạm Tu đã dẹp xong ngoại xâm phía nam; giặc Lương lại đến từ phía bắc, tác giả viết tiếp:
Đêm khuya trời đất tối tăm
Ba vòng quân bọc một tầm nước sâu.
Lý Nam, Phạm tướng bảo nhau
Cơn này đã chẳng làm sao khỏi mình.
Câu chuyện được dẫn dắt qua mười bốn câu thơ nữa, thuật lại là Lý Nam đế bị giặc bao vây ở động Khuất Liêu:
Lý Nam thấy sự đã nghèo
Liệu chẳng khỏi nào thấy mình trong hang.
Theo văn cảnh lúc đó, các tác giả cho rằng:
Phục Man trấn giữ cõi xa
Nghe tin Nam đế phải thua triệt hồ.
Vua cùng tướng quân Phạm Tu
Và Khuất Liêu động thác hư lên trời.
Một mình âm ỉ khúc nhôi
Vua thăng, giặc dấy, cậy ai đấy là !
Chiêm Thành tuy nó ở xa
Sự trong nước loạn nó hòa đã hay.
Bằng con nó động đến đây
Nó xưa nồi náu, nó rày ngoài xông
Cái ngùi, cái ắt khôn mong
Phục Man có chí anh hùng làm chi.
Các trích đoạn Thiên Nam ngữ lục thể hiện tác giả cho rằng Phạm Tu và Lý Phục Man là hai người khác nhau. Liên quan đến việc chú giải khi phiên âm văn bản, hai soạn giả Nguyễn Lương Ngọc-Đinh Gia Khánh cho biết địa danh Cổ Phái nay là làng An Sở, huyện Đan Phượng là quê hương của Lý Phục Man, còn Phạm Tu quê đâu không thấy tác giả khuyết danh trong nguyên bản nói đến. Vấn đề cần lưu ý là sự kiện thành lập nhà nước Vạn Xuân thời Lý Nam đế và nhân vật Phạm Tu, Lý Phục Man được tác giả Thiên Nam ngữ lục (8) miêu tả thành hai người khác nhau. Song chính từ nội dung kỷ Tiền Lý Nam đế (từ câu 2. 243 đến câu 2. 435) đã chứa đựng mâu thuẫn giữa các diễn biến thời cuộc và nhân vật lịch sử. Đoạn trên chúng tôi đã dẫn Đại Việt sử ký toàn thư nói rõ triều đại Lý Nam đế chỉ có một lần, một tướng Phạm Tu cầm quân đi đánh giặc Lâm Ấp vào “mùa hạ, tháng Tư” năm 543-lúc đó Phạm Tu chưa có danh hiệu Phục Man (thắng giặc man, man di trong chữ Hán là từ chỉ các tộc người thiểu số nói chung, ở đây là giặc Lâm Ấp) và chưa được vua ban cho họ Lý. Mở đầu việc vua Lý Nam đế sai quân đi dẹp giặc phía nam, sử ca Thiên Nam ngữ lục đã viết: “Địch thời Phục Man, Phạm Tu” cùng đi là không đúng với thực tế so với nguồn tư liệu chính sử đáng tin cậy nhất, làm cho người đọc hiểu rằng đó là hai vị tướng. Trong thực tế, phải sau khi chiến thắng giặc Lâm Ấp, Phạm Tu mới có tính danh Lý Phục Man do vua Lý Nam đế ban tặng cho. Nghĩa là từ sau “mùa hạ tháng Tư”-sau chiến thắng quân Lâm Ấp-khoảng từ năm 544 trở đi tính danh Lý Phục Man mới nổi tiếng đến mức xóa nhòa tên cũ là Phạm Tu. Vì thế lối chép biên niên sử mới xếp Phạm Tu vào phần Ngoại kỷ, tương ứng theo niên đại thế kỷ VI. Ở phần Bản kỷ các sử gia nhắc đến tên thần Lý Phục Man trong hai lần hiện hồn báo mộng cho vua Lý Thái Tổ và Trần Nhân Tông là sự kiện của thế kỷ XI và XIV như Đại Việt sử ký toàn thư đã chép. Đi xa hơn, Thiên Nam ngữ lục còn dựng lên chi tiết khi vua Lý Nam đế và Phạm Tu bị giặc Lương bao vây và giết chết ở hồ Điển Triệt cũng là lúc Lý Phục Man vẫn còn ở biên viễn phía nam, bởi câu “Phục Man trấn giữ cõi xa”, tạo cái cớ cho vị quan chức nào đó đã xem bói chân gà “... cái ngùi cái ắt...”(9) mà hạ thấp vai trò của tướng quân Lý Phục Man, rằng: “Phục Man có chí anh hùng làm chi”. Sử dụng tư liệu lịch sử để sáng tác văn học như thế là tùy tiện qua loa, khiến người đọc ít có điều kiện tham bác dễ hiểu sai lạc. Sáng tác văn học như diễn ca lịch sử xưa nay cũng như tiểu thuyết lịch sử đương đại cho phép tác giả được hư cấu hình tượng, sao cho điển hình nhân vật nổi bật, nhưng không được bịa ra sự kiện, không được “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”, gây nhận thức rối loạn cho người đọc.
Thế kỷ XIX còn để lại bộ sách Đại Nam nhất thống chí, quyển XXI, tỉnh Sơn Tây, các sử gia thời Nguyễn đã trở về với lối chép nghiêm cẩn: “Đền thần Yên Sở ở xã Yên Sở, huyện Đan Phượng. Thần người xã này, lúc còn trẻ võ nghệ hơn người, thờ Lý Nam đế, nhiều lần lập công lớn, nổi tiếng trung liệt, được làm đại tướng quân, lãnh hai miền Đỗ Động Đường Lâm, người Di, Lão phải xa lánh, dân địa phương được yên.”(10)
Năm 1938, Nguyễn Văn Huyên viết công trình Góp phần nghiên cứu một vị thành hoàng Việt Nam Lý Phục Man(11), khi dẫn Đại Nam nhất thống chí có so sánh rồi tiểu kết: “cái thật sự mới trong Thống chí so với Việt điện u linh tập chính là phần nói về cuộc đời của Lý Phục Man. Tên thần chỉ là một cái tên vay mượn. Cả tên lẫn họ của ông đều không phải là những tên gọi lúc ra đời. Chính vì ông đã dẹp được quân man Lâm ấp mà ông được đặt tên là Phục Man. Và nhà vua đã cho phép ông đổi tên họ thành họ Lý là quốc tính. Điều đó thường hay diễn ra trong lịch sử Việt Nam. Nhất là khi một vương triều mới lên ngôi, các bề tôi trung dũng đều được gia ân mang họ hoàng tộc. Và sau đấy con người chỉ còn được gọi bằng biệt danh. Đấy là trường hợp Lý Phục Man mà tên gốc đã hoàn toàn biến mất.” Tiếc rằng vì mê mải với những kiến giải dân tộc lịch sử và nghệ thuật kiến trúc, Nguyễn Văn Huyên chưa dừng lại tìm đến tận nguồn tên gọi Phạm Tu. Hiện có đến hàng chục bản thần tích viết về Lý Phục Man, nhưng cũng chỉ có vài bản có chi tiết cho biết Phạm Tu là tục danh của Lý Phục Man, còn năm bài văn khắc Hán Nôm trên bia đá ở Yên Sở và phần lớn các thần tích chỉ nói đến đại từ chung là đại vương hoặc cặp từ vinh danh thần. (k) Ngay cả tên thần Lý Phục Man hầu như văn bia, văn cúng và ngôn từ giao tiếp người ta cũng kiêng gọi đích danh.
Băn khoăn trước những nguồn sử sách như vậy,với bút danh Chí Kiên, năm 1969 trên báo Hà Nội mới ngày 28 tháng 7 có đăng bài Phạm Tu của Vũ Tuân Sán, tác giả tóm tắt diễn biến cuộc kháng chiến chống giặc Lương của quân dân Nam Việt, sự ra đời của nước Vạn Xuân và nêu gương một số tướng lĩnh; đặc biệt là danh tướng Phạm Tu và đặt câu nghi vấn: “Hà Nội có thể tự hào là quê hương của tướng Phạm Tu, vốn người Thanh Liệt, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì.
Theo thần phả còn giữ được ở địa phương, Phạm Tu sinh năm Bính Thìn (476) vào ngày10 tháng 3 âm lịch.” Lập tức, tư liệu do Vũ Tuân Sán công bố được Trần Quốc Vượng tin dùng khi tham gia biên soạn Lịch sử Việt Nam (tập 1, Nxb KHXH,1971): “Theo sử cũ và truyền thuyết dân gian, thủ lĩnh vùng Chu Diên là Triệu Túc cùng con là Triệu Quang Phục, phục tài đức Lý Bí, đem dân binh theo Lý Bí trước tiên; tiếp theo đó là Tinh Thiều, Phạm Tu (người Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội, Lý Phục Man (hiện còn đền thờ ở Cổ Sở, Hoài Đức, Hà Tây) và nhiều hào kiệt các nơi khác cũng cùng Lý Bí kết làm đồng chí.-trang 114”. Đồng soạn giả Lịch sử Việt Nam, Nxb ĐHVTHCN, H,1983) ông viết dè dặt hơn: “Phạm Tu (có đền thờ ở Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) cũng là một tướng tài của Lý Bí từ buổi đầu khởi nghĩa.” Trước đó gần hai mươi năm, năm 1960 trong giáo trình Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (tập I) tác giả đã tham khảo Tư trị thông giám và Đại Việt sử ký toàn thư khi nhắc đến Phạm Tu, nhưng chưa có điều kiện chỉ rõ quê quán. Bốn năm sau, sách Danh nhân Hà Nội (tập I-1973) in lại bài báo của Vũ Tuân Sán với sự bổ sung một đôi câu đối vào cuối bài. Năm 1975, sách Hà Nội nghìn xưa của hai tác giả Trần Quốc Vượng và Vũ Tuân Sán (tái bản năm 1998) có bài Lão tướng Phạm Tu giữ lại tinh hoa của bài báo. Có thể coi như bài viết được tái bản lần thứ tám trong kỷ yếu hội thảo Danh tướng Phạm Tu và họ Phạm trong lịch sử (1999). Ở đây bài viết có bổ sung thêm hai câu đối nữa. Tác giả viết: “Danh tướng Phạm Tu được khâm phong là Đô Hồ đại vương, được thờ làm thành hoàng thứ nhất ở đình Ngoài.” Gần đây, bài báo năm 1969 của Vũ Tuân Sán được in lại lần thứ năm theo nguyên bản trong sách Danh nhân Hà Nội (2004). Toàn tập những bài viết của Vũ Tuân Sán Hà Nội xưa và nay (2007) tái bản lần thứ sáu bài Phạm Tu.
Nếu quả đúng như vậy, coi như không chỉ quê hương danh tướng Phạm Tu đã được khẳng định mà gián tiếp các tác giả đã nêu rõ là Phạm Tu và Lý Phục Man là hai người. Vấn đề khoa học thật lý thú và đầy trở ngại vẫn được một số người quan tâm. Hướng tới khẳng định ý kiến về Phạm Tu và quê hương danh tướng, Lê Văn Lan viết: “nhận chân về Phạm Tu trở lên vừa khó khăn-mơ hồ, vừa mâu thuẫn-phức tạp. Chẳng hạn như những dòng viết về ông sau đây, trong bộ Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nxb Khoa học xã hội, H, 1991, tr. 744): Quê làng Giá, thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội (nay là Hà Tây). ông được vua Lý phong tước Phục Man tướng quân, đổi theo họ vua là Lý nên cũng gọi là Lý Tu hay Lý Phục Man, lại được vua gả công chúa Phương Dung cho... Mộ và đền thờ ông, nay hãy còn di tích tại quê ông ở làng Giá”.
Như vậy, ở đây có việc đồng nhất Phạm Tu với một vị thần
là Lý Phục Man, được sách cổ Việt điện u linh chép từ đầu thế kỷ XIV-và là vấn đề sử học được nêu ra đã lâu nhưng chưa được giải quyết. Do đó, nảy sinh một vấn đề trước tiên là: Quê hương bản quán của Phạm Tu ở đâu? Bởi vì, trong khi Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam cho rằng Phạm Tu là người quê ở làng Giá (Yên Sở, Hoài Đức, Hà Tây) thì, chẳng hạn như Từ điển văn hóa Việt Nam hoặc vừa đây, sách Thành hoàng Việt Nam (Nxb Văn hóa Thông tin, H, 1997, tập II, tr. 565) đều khẳng định rằng: ông là người “quê làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội” hoặc “quê ở thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.” (12) Tác giả bài tham luận tiểu kết phần I: “những điều quan trọng, quý báu, cụ thể và sinh động như thế, trong cuộc đời và sự nghiệp của lão tướng Phạm Tu, đã được nguồn phát sóng văn hóa học dân gian ở Thanh Liệt cung cấp và Thanh Liệt xứng đáng với niềm tự hào về một quê hương văn võ song toàn: võ là Phạm Tu (476-545) quê hương là thôn Vực; văn là Chu Văn An (?-1370), quê mẹ sinh hạ ra ông tại thôn Văn, cùng xã Thanh Liệt.” (13).
Thực tiễn thời thuộc Lương của cõi Nam Việt đã để lại nhiều bài học lịch sử, trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước thì danh tướng Phạm Tu-Lý Phục Man nổi tiếng hơn cả. Những năm bốn mươi của thế kỷ XX, Nguyễn Văn Huyên đã đặt vấn đề tên thần, quê hương Lý Phục Man và nêu chính kiến. Đến nửa sau thế kỷ XX, Hà Văn Tấn là đồng tác giả trong Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam và hai cuốn Lịch sử Việt Nam vẫn giữ ý kiến riêng của mình khi viết phần khảo cứu, giới thiệu đình Yên Sở trong sách Đình Việt Nam (1998), ông đã viết: “Trong đình còn giữ nhiều đồ tế tự. Gian chính trong đình có bức hoành đề “Vạn cổ thiên thành”, có hai lọng, đồ bát bửu và hai con hạc đứng trên lưng rùa.
Đình thờ Phạm Tu hay Lý Phục Man, người làng Cổ Sở, một tướng của Lý Nam đế (541-548). Lễ hội hàng năm được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch.” (14)
Căn cứ vào thần phả và truyền thuyết dân gian ở xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Quy ước làng Ngọc Than do sở Văn hóa thông tin Hà Tây xuất bản năm 1995 có đoạn: “Thế kỷ VI, Phạm Chí (tức Phạm Tu) đã tập hợp 300 tráng binh của làng, tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Bí, góp phần đánh đuổi giặc Lương, lập nên nhà nước độc lập Vạn Xuân.” Theo tài liệu sưu tầm, dịch thuật của Nguyễn Bá Hân, hiện ở xã Yên Sở còn ngôi chùa Lựa, chùa không thờ Phật mà là nơi thờ cha mẹ Phạm Tu. Và “Đây đúng chỉ là một ngôi miếu con mà tổ tiên chúng ta dựng trên mảnh đất nền nhà cũ của ông bà cụ Phạm Tôn ở xóm Lã Xá, nơi mà người con của quê hương, vị anh hùng dân tộc Phạm Tu đã sinh ra và lớn lên ở đó.”
Sau bài viết của Vũ Tuân Sán, hầu hết các tác giả tham gia hội thảo về danh tướng Phạm Tu ngày 8 tháng 9 năm 1998 đều nêu ý kiến đồng tình: Phạm Tu là một danh tướng thời Lý Nam đế, là một người khác tồn tại độc lập với danh thần Lý Phục Man “sinh ngày 12 tháng 3 năm Bính Thìn (476) tại trang Quang Liệt, tên cổ của Thanh Liệt”. Về năm mất “Theo thần phả, tả tướng Phạm Tu đã giúp Lý Nam đế cầm cự được gần hai năm, sau bị thất bại ở vùng Chu Diên, tức khu vực Hải Dương, Hưng Yên ngày nay, quân ta lui về giữ thành ở ngay cửa sông Tô Lịch (khu vực chợ Gạo, sau chợ Đồng Xuân hiện nay). Quân Lương xiết chặt vòng vây, quân ta đã chiến đấu ngoan cường. Chính trong cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt này, lão tướng đã ngoài 70 tuổi Phạm Tu đã anh dũng hy sinh... Đó là ngày 20 tháng Bảy năm Ất Sửu (545)” (14). Ngoài kỷ yếu Danh tướng Phạm Tu và họ Phạm trong lịch sử (1999), Phạm Hồng Vũ đã biên soạn và xuất bản Danh tướng Phạm Tu (2003) tiếp tục khẳng định những kết quả trên. Theo luận suy của Trần Quốc Vượng thì có thể thành Vạn Xuân của Lý Nam đế được dựng bên bờ hồ Thanh Đàm. Phạm Hồng Vũ đã tìm thấy “Dấu ấn thời gian còn in đậm trong mỗi cái tên của làng quê, liên quan đến những chiến tích của danh tướng Phạm Tu như cửa Triệu, cổng Đồn, cửa Trại; voi, ngựa, lá cờ, thanh kiếm, võng lọng và long, ly, quy, phượng được thể hiện bằng các gò đất và các thửa ruộng còn lưu truyền lại.”(15). Việc dân làng tôn vinh, thờ phụng Phạm Tu là thành hoàng làng là lẽ đương nhiên như 74 làng khác ở nhiều nơi trong nước. Loại bỏ dấu ấn của thuyết phong thủy (các gò đất mang danh long, ly, quy, phượng) thì chứng tích một thành Vạn Xuân hay cung điện sơ khai mà lại tồn tại chưa được 5 năm ở đây là đúng, bởi thế việc thờ vọng Phạm Tu ở Thanh Liệt là chính đáng. Đó là lẽ thứ hai khiến người đời không thể sao nhãng. Lẽ thứ ba, thần phả Phạm Đô Hồ đại vương Thanh Liệt xã (神譜笵都湖大王清列社) “sao lục tại đền Hùng Vương tỉnh Phú Thọ” năm 1934 không có tên người soạn thảo và ngày tháng ấn định văn bản nên độ tin cậy không cao. (g) Cuốn thông sử mới nhất Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ X, do Đỗ Văn Ninh chủ biên (2001) thận trọng chú thích: “Lý Phục Man là một nhân vật chưa xác định được rõ ràng nguồn gốc. Có người cho rằng Lý Phục Man với Phạm Tu là một. Vấn đề này cần được chứng minh.”
Theo chúng tôi, danh tướng Phạm Tu hay danh tướng, sau khi chết là danh thần Lý Phục Man chỉ là một người. Mỹ tự “Cảm ứng cư sĩ Phạm Tu, thụy Đô Hồ đại vương, thượng đẳng thần” (感應居士范修謚都湖大王尚等神) trong bản thần tích Phạm Tu ở Thanh Liệt có thể có sự nhầm lẫn. Bằng chứng chắc chắn là sinh thời Lý Nam đế chưa thể có sắc phong thần cho Phạm Tu, bởi lẽ nếu tướng Phạm Tu chết cùng Lý Nam đế ở động Khuất Liêu hay hy sinh ở cửa sông Tô Lịch thì ông còn chết sau vua; (a) thế thì mỹ tự Cảm ứng của Đô Hồ đại vương không bao giờ có là “Nam đế sắc vi” (南帝敕為) được. (h) Hai chữ Cảm ứng là do vua....... tặng thần Lý Phục Man trong sắc phong: “Năm Khánh Đức thứ 4 (1652), ngày 19 tháng 2... thần được vua ban thêm 18 chữ: Phổ Huệ, Phát Chính, Thi Nhân, Hùng Hồn, Côi Vĩ, Thuần Túy, Linh Uy, Cảm ứng, Phu Dũng”(16). Giả sử nếu có sắc phong cho Phạm Tu thì bắt buộc phải là loại văn bản hành chính do vua ban hành để khen thưởng, tuyên dương công trạng hoặc thăng chức cho người có thành tích hiện còn sống. Vả lại, việc đặt tên thụy xưa nay là do người sống đặt tên cho người mới chết, thường theo hành vi lúc sinh thời mà đặt. Sự nhầm lẫn này là bình thường trong các văn bản Hán Nôm bị sao đi chép lại, nhưng khi nghiên cứu cần thiết phải giám định tư liệu khi sử dụng.
Mười bản sắc phong đời Nguyễn-theo Phạm Hồng Vũ là sắc phong cho thành hoàng Phạm Tu-từ năm 1824 đến năm 1934 là những tài liệu xác thực. Ngoài ra ông còn viết: “Theo truyền thuyết dân vùng quê Thanh Liệt đã tự phong danh tướng Phạm Tu là nguyên súy và thêu lá cờ mang hai chữ nguyên súy bằng kim tuyến trên nền xanh xẫm xung quanh có tua vàng. Trong mỗi dịp lễ hội, cờ được cầm đi trước kiệu.” Và “danh tướng Phạm Tu là thần Tây Vực (thần võ phía tây) giáng trần dạy dân cày cấy, dẹp giặc Lương phương bắc, bình giặc Chiêm phương nam, xây dựng đất nước thái bình.” Vua Minh Mệnh “ân điển tặng thêm cho thần tước vị” là hai chữ Công Chính. Khi vua Thiệu Trị tại vị “nhân ngày đại khánh mừng thọ Minh Mệnh 50 tuổi” tặng thần thêm hai chữ Luyện Đạt, ghép nối thành Công Chính Luyện Đạt vào ngày 12 tháng 5. Hơn một tháng sau, ngày 18 tháng 6 năm 1884 có một sắc nữa lặp lại y nguyên. Bảy sắc phong còn lại của các vua Tự Đức (hai lần 1850 và 1879), Thành Thái (hai lần 1901 và 1903), Duy Tân (hai lần 1909 và 1913), Khải Định 1924 chỉ ghi nhận: “trẫm ghi nhớ công ơn rực sáng của thần” và “chuẩn y cho dân làng thờ phụng như cũ”. Điều đáng chú ý là danh tướng Phạm Tu được tôn thờ ở Thanh Liệt đã được coi là “thủy thần có công đức giúp nước che dân lâu nay linh ứng rõ ràng.” Ở làng Ngọc Than cũng có một điểm thờ Phạm Tu, thần phả cũng nhận là người làng và lại có sắc phong cho thần là Đông Hải đại vương. Rõ ràng là nhân dân đã truyền thuyết hóa lịch sử, tìm mọi cách đề cao vị thành hoàng làng mình, gán cho thần những điều linh dị, sao cho hợp với phong thổ, địa danh mà họ đã và đang cư trú. Đời sau, nhiều thế hệ sau vua theo các quan trình nghị ý kiến của dân mà phê duyệt. Sự sai lạc tình tiết, ghép nhặt các mảnh truyện ly kỳ không mấy ai quan tâm, chỉ có các nhà nghiên cứu, chép sử băn khoan khi có dịp cần xem xét. (d)
Tuy nhiên, dù có mấy nhược điểm trên, truyền thuyết hoặc truyền thuyết được chép lại trong gia phả, thần tích vẫn bộc lộ bóng dáng sự thật lịch sử khá rõ. Phạm Tu với tên thần là Đô Hồ đại vương ở Thanh Liệt “là thang mộc ấp”-đất vua ban. Ở đây “ơn tắm gội” có thể là của vua triều Nguyễn. Đình thờ Phạm Tu ở Thanh Liệt chỉ là một điểm thờ vọng được vua khẳng định lại chí ít là mười lần. Giả thiết việc sùng kính Phạm Tu và việc làng Thanh Liệt được cấp đất thờ cúng Phạm Tu xảy ra ngay khi ông còn tại thế, một khi công trạng của ông với dân đã được khẳng định, thì cũng là chuyện đã có trong lịch sử. Mở đầu bản thần tích viết “Phạm Tu cư sĩ” là xuất phát từ nguồn lịch sử gia đình. Biết đâu có lúc nào đó trong cuộc đời Phạm Tu trước khi nổi tiếng bởi chiến công dẹp giặc, cũng đã từng ở chùa làng Thanh Liệt hoặc theo học một nhà sư nào ở đây. Truyền thuyết về Phạm Tu ở Yên Sở kể rằng: “giáp Quả Tây là hàng giáp người nhà thánh, được trông nom nhà cửa mồ mả cha mẹ thánh Giá. Ngôi nhà cũ ở xóm Ngõ Xá có tên gọi là chùa Lựa. Một ngôi chùa không thờ Phật mà chỉ thờ cha mẹ ngài. Nhân dân trong vùng cho rằng các cụ đều là người nhà Phật.”(17) Thế kỷ VI, đạo Phật đã thịnh hành ở Nam Việt, “thiền học Việt Nam chính thức có căn cứ từ hai thiền sư Thích Huệ Thắng và Thích Đạo Thiền.”(18)
Theo ngôn từ Phật học thì Phạm Tu là thế danh, còn khi người hiển thánh thì dân gian tìm mọi cách phù hợp kiêng gọi húy hiệu nên gọi Phạm Tu là thánh Giá, Thiên Nam thánh, thần Lý Phục Man. Hơn tất cả là tính danh do chính vua Lý Nam đế ban tặng, tính thiêng liêng lại gấp bội lần tăng. (b) Quê hương Phạm Tu-Lý Phục Man nay là xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội đương nhiên là nơi có đền thờ, lễ hội tưởng nhớ lớn nhất. Con số thống kê chưa đầy đủ đã có 74 làng xã ở khắp vùng châu thổ Bắc Bộ lập đền thờ, mở hội nhắc lại công ơn danh tướng đủ nói lên tầm quan trọng của một anh hùng dân tộc, một danh nhân Việt Nam nổi tiếng từ thời Tiền Lý.
__________
(1). Theo tài liệu sưu tầm của Nguyễn Bá Hân.
(2). Việt điện u linh-Bản dịch của Ngọc Hồ-Nxb Cửu Long,1992.
(3-4). Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, H, 1988.
(5). Việt điện u linh, Bản dịch của Trịnh Đình Rư-Đinh Gia Khánh, Nxb Văn học, H,
(6). Thiên Nam minh giám, Nxb
(7). Văn bia Quán Giá, Nxb Thế giới, H,1995.
(8-9). Thiên Nam ngữ lục, Nxb Văn hóa, H, 1959.
(10). Đại Nam nhất thống chí, Nxb Khoa học xã hội, H,1972.
(11). Nguyễn Văn Huyên toàn tập (tập 2), Nxb Giáo dục, H, 2001.
(12-13-14). Danh tướng Phạm Tu và họ Phạm trong lịch sử, Nxb Văn hóa thông tin, H,1999.
(15-16). Phạm Hồng Vũ, Danh tướng Phạm Tu
(17). Văn bia Quán Giá, Nxb Thế giới, H,1995.
(18). Trương Sỹ Hùng, Tôn giáo và văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, H, 2007.

LỜI GIỚI THIỆU TRONG CUỐN SỰ TÍCH ĐỨC THÁNH GIÁ

Sau đây là tài liệu do tác giả Trương Sỹ Hùng cung cấp và là Lời giới thiệu của cuốn "Sự tích đức thánh Giá" của tác giả Yên Sơn-Nguyễn Bá Hân Nxb. KHXH, Hà Nội, 2009.
LỜI GIỚI THIỆU
TRONG CUỐN SỰ TÍCH ĐỨC THÁNH GIÁ
PGS. TS. Trương Sỹ Hùng
Vào dịp Hội văn nghệ dân gian Hà Nội tổ chức họp mặt, tổng kết năm 2008 và mừng xuân Kỷ Sửu 2009, chúng tôi được tiếp xúc với ông Nguyễn Bá Hân, một tác giả gần như đã trở thành chuyên gia nghiên cứu, sưu tầm tài liệu văn hóa truyền thống ở một địa danh vốn đã nổi tiếng trong lịch sử. Nổi tiếng bởi Yên Sở quê ông chính là nơi người anh hùng dân tộc Phạm Tu-Lý Phục Man đã sinh ra và khôn lớn trưởng thành; người có công lớn nhất giúp vua Lý Nam Đế đánh đuổi giặc ngoại xâm, chinh Nam chiến Bắc, giành độc lập tự do cho non sông Nam Việt ở những năm cuối thế kỷ V đầu thế kỷ VI.
Xuất phát từ niềm tự hào chính đáng đó, nhà Hán học Nguyễn Bá Hân đã dầy công nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu khác nhau; từ thư tịch Hán Nôm đến các truyền thuyết, dã sử... vật lộn với cuộc sống ngặt nghèo mà vươn tới nắm bắt từng mảng tư liệu. Gần ba mươi năm đằng đẵng theo đuổi một đề tài, chỉ với chiếc xe đạp cà tàng ông đã lặn lội đến hầu hết các địa danh quanh vùng; hễ nghe ai nói đến bất cứ nơi nào có truyền khẩu hoặc tài liệu về Phạm Tu-Lý Phục Man là ông tìm mọi cách bố trí thời gian đến tận nơi khảo sát thực tế. Với vốn liếng chữ Hán tự học, Nguyễn Bá Hân đã tìm được khá nhiều văn bản Hán Nôm rồi ông viết lại nguyên tự, phiên âm, dịch nghĩa rồi cho in song ngữ những tài liệu xung quanh nhân vật lịch sử Phạm Tu-Lý Phục Man. Thực hiện chủ trương vừa học vừa làm, ông đi nhiều, tiếp xúc rộng, trong khi vẫn hằng xuyên tích lũy tư liệu về Phạm Tu-Lý Phục Man; ông bình tĩnh tự tin và đã đạt khá nhiều thành tựu vững chắc.
Trên thực tế, chúng tôi mới kiến diện Nguyễn Bá Hân lần đầu, song tính danh ông chúng tôi đã biết đến ngay từ khi cuốn sách Văn bia quán Giá của ông được in ở nhà xuất bản Thế giới năm 1995. Dĩ nhiên, Nguyễn Bá Hân không phải là người đầu tiên khai thác nguồn tài liệu văn bia hiện còn được bảo tồn nguyên vẹn ở đền thờ Phạm Tu-Lý Phục Man tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội; nhưng khi đọc sách của ông, kết hợp xem lại công trình Góp phần nghiên cứu một vị thành hoàng Việt Nam (1938) của Nguyễn Văn Huyên thì thấy ngay sự hoàn hảo hơn, công phu hơn, bởi Nguyễn Bá Hân đã khảo tả, chép lại theo nguyên bản, phiên âm, dịch nghĩa tất cả năm tấm bia đá, đã và đang được giữ gìn rất cẩn thận ở quê ông. Bảy mươi năm trước, Nguyễn Văn Huyên căn cứ vào bản dập của trường Viễn đông bác cổ và do một định hướng tiếp cận khác, nên ông mới chỉ đề cập đến ba tấm bia, trong đó một bia (ký hiệu 1.280) có bản dịch nội dung cơ bản, còn hai tấm khác (ký hiệu: 1.274 và 1.276) chỉ được trích dẫn tư liệu cho phù hợp với bài viết. Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu những vấn đề lịch sử, lễ hội... xung quanh nhân vật Phạm Tu-Lý Phục Man sau đó già nửa thế kỷ vẫn còn bị hạn chế, hạn chế đến mức có người đã viết bài nhìn nhận sai lạc. Chẳng hạn như nhiều người vẫn khẳng định Phạm Tu và Lý Phục Man là hai người trên một số bài báo hay một số bài phát biểu tại hội thảo về lịch sử và truyền thống địa phương Yên Sở năm 1982, và nhất là các bài viết cho hội thảo về danh tướng Phạm Tu ngày 8 tháng 9 năm 1998, khẳng định quê hương Phạm Tu ở Thanh Trì.
Trong khi đó, Nguyễn Bá Hân không sa vào tính bản vị địa phương để nhận lấy được, ông nhận thức vấn đề rất khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử mà đúc rút chân lý. Loại hình văn khắc đá dường như vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” mà ở đây ông là người có công giới thiệu rộng hơn, tự thân sự việc đã nói lên công sức của Nguyễn Bá Hân đến nhường nào. Tuy thế, ở Lời nói đầu công trình sưu khảo Sự tích đức thánh Giá này ông vẫn khiêm nhường: “sưu tầm, khảo cứu thu thập những điều tai nghe mắt thấy ở trên 30 làng xã trong 7 huyện để viết nên những trang sách này, chúng tôi muốn giúp được phần nào cho những ai đang quan tâm tới sự nghiệp của một vị anh hùng dân tộc từ thời sơ sử đã sống cách ta gần 15 thế kỷ (537-545). Và điều mong muốn duy nhất của người viết là những tư liệu trong cuốn sách này sẽ góp phần giúp mọi người hiểu rõ hơn những công lao sự nghiệp vô cùng to lớn của Người đã mang lại hạnh phúc cho dân cho nước ta”. Một trang lịch sử hào hùng của dân tộc đã có độ lùi khá xa của thời gian, có được tư liệu xác thực như thế thật là đáng trân trọng.
Những vấn đề tư liệu về Phạm Tu-Lý Phục Man kể từ Văn bia quán Giá đến Kẻ Giá tên đất tên người (2005), Văn thơ quán Giá (2006), Sự tích đức thánh Giá (2009) của Nguyễn Bá Hân đã góp phần cơ bản, khẳng định được tính danh, nguyên quán, công trạng của nhân vật và sự kiện bằng lịch sử tư liệu thực địa, bằng văn tự. Kẻ Giá tên đất tên người và Văn thơ quán Giá thâu tóm toàn bộ thơ vịnh, văn khắc, giấy in, truyền thuyết ở Yên Sở và các vùng lân cận xung quanh Phạm Tu-Lý Phục Man. Cuốn trước tác giả phục dựng lại toàn bộ diện mạo nếp sống, phong tục, sự hình thành; thay đổi địa danh của quê hương người anh hùng dân tộc; cuốn sau là sưu tập sáng tác văn chương, lòng sớ, văn khấn... ca ngợi sự nghiệp vẻ vang của tướng quân Đỗ Động-Phạm Tu-Lý Phục Man là ba danh xưng của một con người; tích tụ tinh hoa khí phách một dân tộc yêu nước nổi tiếng từ thế kỷ VI. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin hòa nhập với khoảng cách khá xa của lịch sử, nếu việc nghiên cứu về Phạm Tu-Lý Phục Man còn được tiếp tục thì mảng tư liệu do Nguyễn Bá Hân gom được ở huyện Hoài Đức chắc khó có ai vượt trội hơn. Riêng chúng tôi chỉ mong ông khỏe mạnh minh mẫn để có thể “bổ sung” bằng cách khảo lại hơn chục bản thần tích về Phạm Tu-Lý Phục Man hiện có ở viện Hán-Nôm cũng như mấy bản khác mà ông đã đọc, đã nói đến trong ba cuốn sách nêu trên. Khảo nhiều dị bản lưu hành ở nhiều nơi, do nhiều thế hệ viết lại, biết đâu chẳng có những phát hiện mới như chuyện ông tìm ra sự kiện Á Nương chẳng hạn?
Nguyễn Bá Hân đã thể hiện tình yêu quê hương bằng hành động cụ thể trong sự nghiệp văn hóa giáo dục; có thành tựu xuất sắc trong sưu tầm khảo cứu lịch sử văn hóa Việt Nam tụ lại ở điểm kẻ Giá. Từ cái nhìn khách quan, cuốn Nhị thập tứ hiếu (1998) do ông phiên âm cũng có một vài ghi nhận mới, so với bản in của nhà xuất bản Á châu (1943) do Hoàng Trung Chính thuật và chú thích. Hình như ý tứ Nguyễn Bá Hân muốn nêu lại những tấm gương trung hiếu, hướng tới mục đích khuyên răn con cháu hãy rèn luyện ý chí làm người, giữ đạo làm con kính trọng cha mẹ, thương yêu anh em đồng bào ngay từ trong phạm vi gia đình làm cơ sở trước khi mỗi người đều phải đóng góp công sức nhỏ bé của mình mà gánh vác việc nước.

VIỆC ĐỒNG NHẤT TRONG CUỐN SÁCH Thăng Long-Hà Nội những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm”

PGS. TS. Lê Đình Sỹ nguyên Phó viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam vừa chủ biên một cuốn sách đáng quan tâm “Thăng Long-Hà Nội những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm” được Nxb. Hà Nội cho in nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long. Trang 48, 49 cuốn có viết về lão tướng Phạm Tu như sau:
Theo thần tích, trong cuộc kháng chiến chống quân Lương ở bên sông Tô Lịch, lão tướng Phạm Tu (có tài liệu cho là Lý Phục Man) tướng trụ cột của Lý Nam Đế, người đứng đầu hàng võ quan triều đình Vạn Xuân đã chiến đấu rất anh dũng và đã hy sinh vào ngày 20 tháng 7 năm Ất Sửu (8-545). Phạm Tu, người làng Cổ Sở đã tham gia khởi nghĩa khởi nghĩa từ những ngày đầu và có công lớn trong sự giải phóng trước đây. Ông từng được phái vào phía nam đánh tan quân Lâm Ấp ở Cửu Đức (Hà Tĩnh), rồi trấn giữ vùng Đường Lâm (Ba Vì, Hà Nội). Khi nhà Lương phái quân đánh Vạn Xuân, Phạm Tu chỉ huy quân đội chiến đấu và hy sinh anh dũng. Thi hài của ông được đưa về bến Hồ Mã, an táng tại quê hương. Khu mả Thánh cây cối mọc um tùm như rừng nên được gọi là Rừng Giá hay Rừng Cấm nơi nổi tiếng là rất thiêng: “Rừng Giá cái lá cũng thiêng”. Nhân dân thương nhớ lập miếu thờ và suy tôn làm thành hoàng của làng. Năm 1016, vua Lý Thái Tổ qua bến Cổ Sở, đã sai lập đền thờ và đắp tượng Phạm Tu, từ đó các triều vua đều có sắc phong và hàng năm vào ngày 10 tháng ba, tương truyền là ngày sinh của Thánh Giá, nhân dân lại mở Hội Giá nhằm tưởng niệm và nêu cao công lao, sự nghiệp của người anh hùng Phạm Tu.
Ở đây chúng ta gặp lại việc mà PGS. TS. Trương Sỹ Hùng đã nêu ở trang 27 bởi nhiều tác giả đã sử dụng thông tin trong Sự tích về thần Lý Phục Man, đó cũng là sáng tác văn học, một dạng dã sử:
“Sáng tác văn học như diễn ca lịch sử xưa nay cũng như tiểu thuyết lịch sử đương đại cho phép tác giả được hư cấu hình tượng, sao cho điển hình nhân vật nổi bật, nhưng không được bịa ra sự kiện, không được “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”, gây nhận thức rối loạn cho người đọc.”

KHẢO SÁT THÊM VỀ MIẾU VÀ ĐÌNH THỜ LONG BIÊN HẦU PHẠM TU Ở THANH LIỆT, THANH TRÌ, HÀ NỘI

TRẦN LÊ SÁNG
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Ngày 20 tháng 7 năm Đinh Sửu, tức ngày 22 tháng 8 năm 1997 là ngày giỗ lần thứ 1452 năm của vị danh tướng Long Biên hầu Phạm Tu đời vua Lý Nam Đế.
Cụ Phạm Tu người thôn Vực Mụ, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thân phụ là cụ Phạm Thiều, thân mẫu là cụ Lý Thị Trạch.
Cụ Phạm Tu sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa:
Thư thảo tinh điền, thánh đức uông hàm gia thế đại;
Bút hoa bảo cáo, thần uy hiển ứng quốc từ tôn.
Dịch:
Sách thảo nghĩa sâu, thánh đức bao dung gia thế lớn;
Bút hoa lời báu, thần uy hiển ứng quốc từ tôn.
(Câu đối và bản dịch ở Miếu Vực)
Thần tích chép rằng, ngày 9 tháng Giêng năm Ất Mão (475), bà Lý nằm mộng thấy thần Tây Hồ thay trời xuống ban cho quý tử. Ngày rằm bà lại thấy ánh sáng đầy nhà, có con bạch hoa xà (điềm báo có võ tài hướng Tây xuất hiện) hóa thành đóa sen trắng (điềm báo văn tài hướng Tây xuất hiện) lượn đến, bà Lý đỡ lấy và có thai.
Ngày 12 tháng 3 năm Bính Thìn (476), bà Lý sinh con trai; lúc sinh, mùi hương thơm tỏa đầy nhà. Ông bà đặt tên cho con là Phạm Đô Tu. Cậu Tu phương phi, tuấn tú, học giỏi, đàn hát hay và là đô vật nổi tiếng trong vùng. Đến nay, lò vật Quỳnh Đô vẫn là lò vật nổi tiếng.
Cuối năm Tân Dậu, tức vào tháng 1 năm 542, Giám quân ở châu Cửu Đức (vùng Hà Tĩnh ngày nay) dấy binh khởi nghĩa, chống lại ách đô hộ nhà Lương.
Viên Thứ sử cai trị nước ta lúc bấy giờ là Tiêu Tư. Tiêu “vì hà khắc tàn bạo mà mất lòng người” (Đại Việt sử ký toàn thư). Trong đêm dài Bắc thuộc, cuộc khởi nghĩa của Giám quân Lý Bôn giống như bó đuốc rực sáng soi đường, nhân dân và anh hào khắp nơi đều hướng về, nô nức hưởng ứng. Ở Chu Diên (Đan Phượng, Từ Liêm) có Hào trưởng Triệu Túc (thân phụ vua Triệu Việt Vương sau này); ở Sấu Giá (Yên Sở, Hoài Đức) có Lý Phục Man, lại có người là quan nhà Lương bỏ quan chức chạy về với quân khởi nghĩa như Tinh Thiều..., đều là những bậc anh hùng xuất chúng, kéo quân về giúp. Trong số những vị anh hùng xuất chúng ấy, chúng ta còn phải kể đến vị lão anh hùng Phạm Tu.
Tướng quân Phạm Tu lúc bấy giờ đã 67 tuổi, song tuổi tác không ngăn được nhiệt tình và tài năng xuất chúng của ông. Triệu Túc, Tinh Thiều, Phạm Tu trở thành ba vị lãnh tụ Lý Bôn lãnh đạo. Quân ta đánh đâu thắng đấy. Thứ sử Tiêu Tư phải bỏ chạy về nước. Đất nước ta được giải phóng.
Tháng Giêng năm Giáp Tý (544), vua Lý Nam Đế lên ngôi; đặt tên nước là Vạn Xuân lấy niên hiệu là Thiên Đức, đặt quan chế, v. v… Sau mấy trăm năm phải làm nô lệ, những năm thời vua Lý Nam Đế, nhân dân ta được tự do, đất nước được độc lập… Tiếc thay! Thời gian chỉ ngắn ngủi có bốn năm! Song ý nghĩa lại hết sức to lớn. Ý nghĩa to lớn này thật khó nêu hết được!...
Tư liệu về hành trạng của Tướng quân Phạm Tu, hiện nay tìm được còn rất ít, tuy vậy, những tư liệu đầy giá trị này vẫn cho phép chúng ta khẳng định công lao to lớn của vị Tướng quân họ Phạm đối với đất nước.
Những tư liệu về Tướng quân Phạm Tu, có thể chia làm hai nguồn chính: Nguồn thư tịch, giấy tờ có tính chất quốc gia và nguồn ghi chép, di tích có tính chất truyền thống, địa phương.
Về nguồn thư tịch, giấy tờ có tính chất quốc gia, trước hết phải kể đến quốc sử, đến sắc phong:
Tìm vào quốc sử, chúng ta đọc được ở Kỷ nhà Tiền Lý, sách Đại Việt sử kí toàn thư những đoạn như sau:
“Quý Hợi, năm thứ 3 (543), mùa hạ, tháng Tư, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua (Lý Nam Đế) sai tướng là Phạm Tu đánh tan ở quận Cửu Đức.
“Giáp Tý, Thiên Đức năm thứ 1 (544), Mùa xuân, tháng Giêng, vua nhân đánh được giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đổi niên hiệu, đặt trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, là ý mong xã tắc truyền đến muôn đời vậy. Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Lấy Triệu Túc là Thái phó, bọn Tinh Thiều, Phạm Tu, đều là tướng văn và tướng võ”.
Việt Nam sử lược cũng viết:
“Qua năm Quý Hợi (543) quân Lâm Ấp lại sang quấy phá quận Nhật Nam, Lý Bôn sai tướng là Phạm Tu vào đánh ở Cửu Đức (Hà Tĩnh), người Lâm Ấp thua chạy về nước”.
“Năm Giáp Tý (544) đời nhà Lương bên Tàu, ông Lý Bôn tự xưng là Nam Việt Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, niên hiệu là Thiên Đức rồi phong cho Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ”.
Thiên Nam ngữ lục (thế kỉ XVIII) chép:
Vua cùng tướng quân Phạm Tu,
Vào Khuất Liêu động thác hư lên trời.
Các sử học xưa của nước ta, khi viết quốc sử thường xem kĩ sử Trung Quốc, viết về sử đời Tiền Lý, chắc chắn có tham khảo sử nhà Lương đời Lục triều. Trong đình Ngoài làng Thanh Liệt thờ Tướng quân Phạm Tu làm Thành hoàng, còn đôi câu đối:
Tướng sử Lục triều Lương địch quốc;
Thần bi nhất Phạm Liệt danh hương.
Dịch:
Chống quân Lương thời Lục triều, dũng tướng lừng danh sử chép;
Dòng họ Phạm đất Thanh Liệt, thần võ còn dấu bia truyền.
(Bản dịch của Chí Kiên; bài “Phạm Tu” trong Danh nhân Hà Nội; 1973).
Như vậy, danh tướng Phạm Tu có thể đã được chép trong sử nhà Lương thời Lục triều.
Ngày 18 tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã cùng các ông Nguyễn Hữu Tưởng, Vũ Hồng Quân, Nguyễn Xuân Đa là những nhà Hán học và cán bộ địa phương đi thăm lại miếu, đình thờ danh tướng Phạm Tu. Hiện nay, bảo tàng Thanh Liệt còn giữ được 18 đạo sắc phong của các triều về Long Biên hầu Phạm Đô Hồ Đại vương. Gồm:
- Đời Lê Cảnh Hưng 4 đạo.
- Đời Lê Chiêu Thống 1 đạo.
- Đời Tây Sơn, Cảnh Thịnh 2 đạo.
- Đời Nguyễn 11 đạo.
Những tư liệu quốc sử, giấy tờ có tính chất quốc gia nói trên đã giúp cho chúng ta rất nhiều trong việc tìm hiểu về danh tướng Phạm Tu. Ngoài ra, chúng ta được bổ trợ qua nguồn ghi chép, di tích ở địa phương.
Ở Thanh Liệt hiện nay có hai nơi thờ danh tướng Phạm Tu đó là Miếu Vực và Đình Ngoài. Miếu Vực ở xóm Vực. Miếu thờ Long Biên hầu Phạm Đô Hồ Đại vương cùng Thánh phụ Phạm Thiều, Thánh mẫu Lý Thị Trạch.
Bài vị ghi:
“Bản thổ Tối linh Lý triều Long Biên hầu Phạm Đô Hồ Đại Vương”
Trước miếu có đôi câu đối:
Văn tại tư hồ, kinh vĩ lưỡng gian thùy bất hủ;
Đức kỳ thịnh hĩ, hiển vi nhất lý hưởng vu thành.
Dịch:
Văn để dài lâu, ngang dọc hai gian truyền bất hủ;
Đức còn thịnh mãi, tỏ mờ một lẽ lễ chân thành.
(Theo bản dịch trong miếu)
Theo câu đối trên, miếu vốn có hai gian, nay được mở rộng thành ba gian. Danh tướng Phạm Tu sau khi mất, về năm mất, mộ táng, nơi thờ, thực ra còn đôi chỗ vẫn phải tiếp tục tìm hiểu thêm; song quê ông phải là Thanh Liệt, phát hiện đó cần ghi nhận. Nhưng Miếu Vực là nơi thờ Thánh phụ, Thánh mẫu còn đối với đức Thánh Phạm, miếu này chỉ là nơi thờ vọng.
Đình Ngoài ở ngoài đồng, thuộc thôn Trung. Đình có vườn rộng, phía trước đình có hồ lớn, gọi là hồ Tròn. Nghe nói xưa hồ có cánh như hoa sen, điều đó hình như hợp với mộng Thánh mẫu lúc có mang đức Thánh. Bên phải đình có nhà thọ lão, điều đó lại hình như hợp với kiểu dựng điện Vạn Thọ ở triều vua Lý Nam Đế. Trong đình có đôi câu đối gỗ đã có chỗ bong sơn, để trong góc:
Miếu thành khổng yên, chung thủy tam thiên quy thắng địa;
Dân kim thụ tứ, cổn hoa ngũ tự biểu danh hương.
(Miếu thành được yên, sau trước ba lần dời mới về đất đẹp.
Dân nay nhận sắc, huy hoàng năm chữ vua ban tỏ danh làng).
Vậy, hình như đình đã dựng ba lần, lần cuối mới là chỗ hiện nay chăng?
Đình có bốn tấm biển lớn:
Cổ hữu quang (Xưa đã sáng)
Hưu hữu liệt quang (Mất vẫn rực sáng)
Ngọc Đàm Thanh (Ngọc Đàm Thanh)
Vạn cổ linh trường (Muôn thuở anh linh)
Trong đình còn một số đôi câu đối khác như:
Trượng nghĩa cự Lương binh, hách hách tinh trung huyền nhật nguyệt;
Phong hầu minh Lý sử, miên miên thang mộc ấm phần du.
Dịch:
Khởi nghĩa dẹp quân Lương, lẫm liệt tinh trung ngời nhật nguyệt;
Phong hầu ghi sư Lý, vẻ vang thang mộc rạng quê hương.
(Bản dịch của Chí Kiên; bài và sách đã dẫn)
v.. v..
Ngoài ra, đình Ngoài còn Thần tích chép sự tích của Thành hoàng Phạm Đô Hồ Đại vương. Theo Thần tích, tháng 6 năm Ất Sửu (545), tướng Lương là Trần Bá Tiên đánh Chu Diên, Tướng quân Phạm Đô Hồ chống giặc và tử trận; đó là ngày 20 tháng 7 năm Ất Sửu. Sau khi mất, ông được vua Lý Nam Đế phong là Long Biên hầu, ban thụy là Đô Hồ, sắc phong làm Thành hoàng bản cảnh, ban cho bản trang là ấp thang mộc, được miễn sưu dịch; lại cho một trăm nén bạc để dựng miếu thờ. Từ đó, viết chữ Hán kỵ húy phần bên phải, phần bên trái chữ TU (Tu trong “Tu dưỡng”) .
Theo bà con địa phương cho biết, cho đến nay, người bản địa khi nói gặp chữ TU đều đọc chệch là TO.
Điều đáng lưu ý hơn nữa là trong đình Ngoài còn bức vẽ Thành hoàng Phạm Đô Hồ. Bức vẽ này cỡ khoảng 60 x 80cm; sắc thái Ngài trang nghiêm nhưng phúc hậu, bình dị. Thời gian vẽ được chưa rõ “Bảo Đại thất niên tuế thứ Nhâm Thân bát nguyệt sơ bát nhật”, tức bức vẽ này được vẽ vào ngày 8 tháng 8 năm Nhâm Thân niên hiệu Bảo Đại (1932). Bên phải bức vẽ này có bức vẽ một tướng võ ở võ ban; bên trái có bức vẽ tướng văn ở văn ban. Phía trước có bức tứ bình bốn cô gái đang đánh đàn, thổi sáo. Các bức vẽ trên gợi lên ý nghĩ, Tướng quân Phạm Tu tuy là võ tướng, song lại có phong cách văn nhã, dễ gần.
Tướng quân Phạm Tu có đóng góp lớn cho đất nước, cho Hà Nội như vậy được sử sách đánh giá cao và nhân dân quý mến như vậy thế mà, cho đến nay, chưa một đường, một phố nào ở Hà Nội gắn biển mang tên vị danh nhân này. Vậy thì, việc này nên là việc sớm được lưu ý thỏa đáng chăng? Ngoài ra, khi con đường lớn chạy qua Thanh Liệt được làm, cả một sân trước rộng của đền thờ cụ Chu Văn An bị bới làm đường; nếu nay đường này muốn mở rộng nữa, đền thờ cụ Chu và cả miếu thờ cụ Phạm Tu chỉ cần “tiện” một chút, “lợi” một chút là có thể bị tổn hại nhiều. Văn hóa bao hàm một nghĩa rất rộng, trong đó kể cả việc làm đường, xây dựng…; nhưng có lẽ đừng bao giờ nên coi việc dời bỏ, hủy bỏ di tích lịch sử là việc làm có văn hóa.
Theo Thông báo Hán Nôm học 1997 (tr. 524-532)

CÂU CA DAO VỀ PHẠM TU

231. Sông Tô nước chảy quanh co
Phạm Công hiển hóa, âm phò quốc vương.
Theo phần 4: Ca dao, trong cuốn Thăng Long Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ Nxb. Hà Nội-2002 do Giang Quân sưu tầm, biên soạn. (In lần thứ hai có bổ sung, sửa chữa)
Với chú thích: 231-Phạm Công là Phạm Tu, võ tướng người thôn Văn, xã Thanh Liệt, h. Thanh Trì, giúp Lý Bí khởi nghĩa chống quân xâm lược Lương (TK 6) có đền thờ ở làng.
Nguồn tin: e-cadao.com

PHẠM TU (sinh 476, mất 545 hay 548)

Vũ Tuân Sán
Trong cuộc đấu tranh bền bỉ và lâu dài suốt mười thế kỷ (từ đầu công nguyên cho đến đầu thế kỷ X) của dân tộc ta chống các tập đoàn xâm lược nước ngoài để giành quyền tự chủ, cuộc khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo đầu năm 542 là một phong trào có quy mô tương đối rộng lớn. Trong bài Việt sử tổng luận, nhà sử học Lê Tung đã đánh giá cuộc nổi dậy như sau: “Phía Bắc đuổi Tiêu Tư, phía Nam dẹp Lâm Ấp, dựng tên nước, chính ngôi tôn, đặt trăm quan, định niên hiệu, có đại lược về quy hoạch của đế vương”. Để thực hiện được sự nghiệp trên, Lý Bí đã có những cộng tác có tài đức: Triệu Túc làm Thái phó, Phạm Tu làm tướng võ, Tinh Thiều làm tướng văn. Về ba danh nhân này, chính sử không cho biết rõ quê quán ở đâu. Việc điều tra gần đây về lịch sử địa phương cho phép bổ khuyết một phần vào sự thiếu sót đó. Hà Nội có thể tự hào là quê hương của tướng Phạm Tu, vốn người làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì.
Theo thần phả còn giữ được ở địa phương, Phạm Tu sinh năm Bính Thìn (476) vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Cuối năm Tân Dậu (tháng chạp âm lịch tức tháng 1 năm 542) Lý Bí dấy quân chống tên thứ sử Tiêu Tư tham tàn. Cuộc khởi nghĩa đã liên kết được các hào kiệt trong nước. Phạm Tu lúc đó đã 66 tuổi, mặc dù tuổi cao cũng vẫn hăng hái đem binh mã đến giúp và đánh đuổi họ Tiêu khiến hắn phải trốn chạy về Quảng Châu. Nghĩa quân đánh chiếm được thành Long Biên và gấp rút chuẩn bị đối phó với sự phản công của quân giặc. Quả nhiên đầu năm 543, quân Lương lại kéo sang xâm lược, chúng tập trung tướng tá quân sĩ tại bán đảo Hợp Phố (thời kỳ đó vẫn thuộc Châu Giao, tức gắn liền với địa bàn nước ta). Lý Bí đã chủ động đem quân sang tấn công và chiến thắng lớn, tiêu diệt gần hết toán quân xâm lăng.
Tháng 5 năm 543, quân Lâm Ấp ở phương Nam lợi dụng những khó khăn của ta trong việc dẹp quân Lương, đã tiến ra xâm phạm bờ cõi, tiến ra đánh phá miền Đức Châu (Hà Tĩnh ngày nay), Phạm Tu được lệnh đem quân chống lại và đã diệt gọn quân giặc, ổn định được miền biên giới phương Nam. Chiến thắng trên tạo điều kiện cho Lý Bí đầu năm sau (tháng 2 năm 544) chính thức lên ngôi vua, tự xưng là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân.
Ba năm sau (545) quân phong kiến nhà Lương tổ chức lại cuộc chinh phục, cử Dương Phiêu làm thứ sử và Trần Bá Tiên ở Chu Diên, bị thua, bèn lui về cửa sông Tô Lịch (khoảng phố Chợ Gạo ở nội thành Hà Nội hiện nay) dựng thành luỹ để chống lại quân giặc. Tại đây quân của Lý Nam Đế đã chiến đấu rất anh dũng chống lại quân Trần Bá Tiên đông mạnh gấp bội, Vì lực lượng quá chênh lệch, quân ta phải rút lui. Chính Phạm Tu đã hy sinh trong trận chiến đấu ác liệt này. Theo thần phả địa phương ông mất vào ngày 20 tháng 7 năm Ất Sửu (545) “trong vòng chiến đấu, xoay cuộc tang thương, Đại vương phút chốc hiển linh thần hoá”. Sử chí không chép việc Phạm Tu hy sinh vào năm nào. Tập diễn ca Thiên Nam ngữ lục viết vào thế kỷ thứ XVIII có ghi cái chết của vị tướng họ Phạm nhưng thời điểm mãi ba năm sau, khi Lý Nam Đế rút về Gia Ninh (Việt Trì) đóng ở hồ Điển Triệt rồi bị quân Trần Bá Tiên tiến đánh, nghĩa quân lại lui về động Khuất Lão và Phạm Tu đã cùng hy sinh với Lý Nam Đế tại ngay động này (tháng 4 năm 548).
Phục Man trấn thủ cõi xa
Nghe tin Nam Đế phải thua Triệt Hồ
Vua cùng tướng quân Phạm Tu
Vào Khuất Liêu động thác hư lên trời
Dù sao thì hai tài liệu trên đều thống nhất ở chỗ Phạm Tu đã tử tiết trong khi chiến đấu chống quân xâm lược. Theo thần tích và truyền thuyết địa phương, ông được phong là Biên Hầu, và có tên thuỵ là Đô Hồ vì tương truyền thần Tây Hồ đã ứng điềm lành khi ông ra đời. Quê hương ông chính là thôn Văn thuộc xã Thanh Liệt ngày nay, tức cũng là quê của Chu Văn An nhà nho nổi tiếng cuối triều Trần sau này. Vua còn ra lệnh cho làng phải dựng đình phụng sự và cả xã Thanh Liệt được công nhận là thang mộc ấp, tức là được miễn trừ sưu dịch để tạo điều kiện cho việc phụng thờ. Ngôi đình chiếm một khu khá đẹp ở cánh đồng thôn Trung, xã Thanh Liệt hiện nay. Trong nội cung hiện còn bức tranh vẽ chân dung ông, ngoài mấy bức tranh khác vẽ những bộ hạ của ông. Theo các phụ lão địa phương, những bức tranh này vẫn truyền lại từ lâu đời, đến năm Nhâm Thân (1932) mới tô họa lại như đã được ghi trên bức tranh treo trong khám. Còn khá nhiều câu đối nhắc lại sự nghiệp đánh giặc cứu nước của ông, tỉ dụ như câu:
Trượng nghĩa cự Lương binh, hách hách tư trung huyền nhật nguyệt
Phong hầu mình Lý sử, miên miên thang mộc ấm phần du
(Khởi nghĩa dẹp quân Lương, lẫm liệt tinh trung ngời nhật nguyệt
Phong hầu sáng sử Lý, vẻ vang thang mộc rạng quê hương).
Hoặc câu:
Tướng sử lục triều, Lương địch quốc.
Thần bi nhất Phạm, liệt danh hương
(Chống quân Lương mức đối địch thời Lục triều, dũng tướng lừng danh sử chép
Dòng họ Phạm quê lừng danh đất Thanh Liệt, thần võ còn dấu bia truyền).

Nguồn tin: Hà Nội Portal, cuốn “Hà Nội xưa & nay”
Đăng trên: http://www.thanglonghanoi.gov.vn/
Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long

PHẠM TU (476-545)

(Theo cuốn “Họ Phạm trong cộng đồng dân Việt” ấn hành nội tộc năm 2007 của Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam)
Phạm Tu sinh ngày 10 tháng 3 năm Bính Thìn (tức 19-4-476) tại trang Quang Liệt, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Song thân của Người là Phạm Thiều và Lý Thị Trạch, vốn là những người đức độ có tiếng trong vùng.
Người là danh nhân họ Phạm xuất hiện sớm nhất trong chính sử: bộ sách “Đại Việt Sử ký Toàn thư” có hai chỗ viết về Người; bộ sách “Biên niên Lịch sử cổ trung đại” có ba lần nhắc đến tên Người…
Từ nhỏ, Người đã là một trang thiếu niên phương phi, tuấn tú; chăm đọc sách, học giỏi, đàn hát hay... Lớn lên lại năng luyện võ nghệ, là một đô vật nổi tiếng, thường được gọi là Đô Tu, rồi đã thật sự trở thành một hào kiệt có uy tín lớn trong vùng.
Sinh ra giữa thời “hơn một nghìn năm Bắc thuộc” (từ năm-179 đến năm +905) nên suốt cuộc đời, Người ẩn dật, nung nấu ý chí cứu nước; lấy biệt hiệu là Cảm Ứng cư sĩ, từng khuyên dân “cửu niên tam tích” -“cửu niên” với nghĩa là lâu dài, nhiều năm, tích trữ ba thứ: lương thực, quần áo, vũ khí … để luôn sẵn sàng, khi thời cơ đến thì vùng lên giành lại non sông.
Năm 541, đã bước sang tuổi 66, Phạm Tu vẫn tích cực hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Lý Bí (503-548) (còn gọi là Lý Bôn). Người đã chủ động tập hợp trai tráng trong vùng, lập thành một đội quân mạnh, đánh chiếm thành Long Biên (vùng Bắc Ninh ngày nay), thủ phủ của chính quyền đô hộ.
Khi dân Lâm Ấp ở phía Nam nước ta, lợi dụng tình thế, tràn sang nước ta cướp bóc, Lý Bí đã cử Người đem quân vào đánh dẹp. Mùa hè năm 543, Người đã đánh tan địch ngay ở Cửu Đức (vùng Hà Tĩnh ngày nay). Trong chiến cuộc này, dưới trướng của Phạm Tu, có cả tướng quân Phục Man, người làng Giá (Yên Sở, Đan Phượng)-sau được thờ làm Thành hoàng làng ở đấy.
Chiến thắng trở về, Người càng được khẳng định là vị tướng tài giỏi nhất trong nghĩa quân và cũng là người cao tuổi nhất. Còn vị tướng trẻ Phục Man được mang “quốc tính” (mang họ Lý-họ Nhà Vua) và trở thành Phò mã.
Năm 544, khi thành lập nước Vạn Xuân, một nhà nước có tổ chức đầu tiên ở nước ta, Người được Lý Nam Đế giao trọng trách làm Tả tướng, đứng đầu Ban Võ-tương đương Bộ trưởng Quốc phòng-Tổng Tư lệnh ngày nay.
Khi Nhà Lương (thuộc Nam triều thời Nam Bắc triều của Trung Quốc (420-589) đã huy động tổng lực của cả 5 châu xung quanh nước ta là: Việt-La-An-Ái-Định sang đàn áp Giao Châu, Phạm Tu đã giúp Lý Nam Đế huy động tới 3 vạn quân ra chống cự (trong khi toàn dân ở Giao Chỉ lúc đó mới có hơn 70 vạn nhân khẩu, cả trẻ già trai gái). Và trong cuộc kháng chiến lực lượng hai bên quá chênh lệch này, ngày 20 tháng 7 năm Ất Sửu (tức 13-8-545), Phạm Tu đã anh dũng hy sinh trong trận chiến giữ thành Tống Bình mới cấp tốc xây dựng bên cửa sông Tô Lịch (phía sau Chợ Đồng Xuân Hà Nội ngày nay), để chặn đại quân địch lại, cho Lý Nam Đế cùng Triệu Quang Phục, bảo toàn lực lượng, tạm rút lên trung du rồi vòng về vùng đầm lầy Dạ Trạch, để xây dựng căn cứ địa chiến đấu lâu dài, nhằm đi đến thắng lợi cuối cùng. Triều đình Nhà Tiền Lý đã giữ vững nền độc lập của Nhà nước Vạn Xuân được thêm gần sáu chục năm nữa (545-602).
Sau khi Lão tướng Phạm Tu hy sinh, Nhà Vua vô cùng thương tiếc, đã cho Thái giám về tận quê hương, truy phong tước Long Biên Hầu (vì chính Người có công đầu trong hạ thành Long Biên, thủ phủ của địch); ban tên thụy là Đô Hồ; sắc cho quê hương là thang mộc ấp, được miễn sưu sai tạp dịch, để thờ Người làm “bản cảnh thành hoàng” lưu truyền mãi mãi.
Các đời sau: Đinh, Lê, Lý, Trần, rồi Hậu Lê, Lê Trung Hưng, Tây Sơn và Nguyễn, đều có sắc phong là Thượng Đẳng Thần, Đô Hồ Đại Thần hay Đô Hồ Đại Vương. Hiện nay ở đây còn lưu giữ được 18 Sắc phong từ thời Cảnh Hưng nhà Lê, qua Cảnh Thịnh, Tây Sơn đến Khải Định, nhà Nguyễn.
Hàng năm, cứ đến 20 tháng Bảy âm lịch-ngày kỷ niệm Trưởng ban Võ của Nhà nước Vạn Xuân, Tả tướng quân Phạm Tu hy sinh để bảo vệ thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay), nhân dân địa phương và các vùng lân cận, các đoàn đại diện họ Phạm trong cả nước về Đình Ngoài xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội để dâng hương tưởng niệm Lão anh hùng của dân tộc, Thượng thủy tổ của họ Phạm Việt Nam-Đô Hồ Đại vương Phạm Tu.