(Theo “Việt điện u linh tập” của Lý Tế Xuyên, dịch giả Lê Hữu Mục toàn biên và viết dẫn nhập tại Huế năm 1959, Khai Trí, Sài Gòn, 1961. )
Xét Sử ký Đỗ Thiên chép rằng: Vương họ Lý tên Phục Man. Vua Lý Thái Tổ đi tuần phương đến sông Sở Bộ Đầu, thấy giang sơn tú khí, phong cảnh thắng du, nhà vua tâm thần cảm hứng, mới rót ly rượu đổ xuống tràng giang, vái rằng:
-Trẫm xem chỗ này non xanh nước biếc khác hẳn mọi nơi, nếu có nhân kiệt u linh, xin hưởng.
Đêm ấy vua mộng thấy một dị nhân cao đại, mặt hổ râu rồng, y phục trang nghiêm, cân hài tề chỉnh, đến trước nhà vua cúi đầu lạy hai lạy mà tâu rằng:
-Thần vốn là người ở làng này, họ Lý tên Phục Man, giúp Lý Nam Đế làm Tướng quân, nhờ sự trung liệt được vua biết tên, mới sai trấn thủ hai giải sơn hà Đỗ Động và Đường Lâm, mọi Lào đều sợ không dám phạm biên, một phương yên ổn. Đến lúc chết, Thượng đế thương kẻ trung nên cho giữ chức như cũ. Nay thần xin kể một vài chuyện để Bệ hạ nghe thử. Thời vua Tương Vương nhà Đường, thần thường đem quỷ binh theo Khâu Hòa phá được nghịch tặc là Nịnh Tràng Chân ở cửa Giáp Sơn, thời vua Túc Tông lại phá được giặc Đại Thực Ba Tư ở cửa Thần Thạch, thời vua Đại Tông lại phá giặc Côn Lôn, Đồ Bà ở Chu Diên. Cao Vương phá nước Nam Chiếu; Ngô Tiên Chúa phá nước Nam Hán, vua Lê Đại Hành phá Tống binh, mỗi lần xuất binh chinh phạt, thần ở trên không đem quỷ binh ám trở, thảy đều có công. Thần lại thường thống suất quân binh quỷ thần, vâng theo mệnh Thiên đế phá giặc Chiêm Thành ở trấn Giáp Sơn. Đến khi thần mệnh một, u linh không tán, thôn dân kính mến, lại sợ không ai phòng thủ, mọi Lào đến cướp bóc, nhân đó lập đền thờ phụng; bởi vậy, thần thường phảng phất ở khoảng trời mây, phàm gặp khi có dụng binh, thần ở trên không ám hộ, nghịch lỗ nhập khấu thì đều hãn ngự được. Bấy giờ gặp Bệ hạ loan giá quang lâm, thần xin đến bái yết.
Nói đoạn, ngâm bốn câu thơ rằng:
Thiên hạ toàn mông muội
Hãy tạm ẩn thanh danh,
Giữa trời nêu nhật, nguyệt,
Quang diệu ấy chân hình.
Ngâm xong liền biến mất; vua chưa kịp đối đáp, hốt nhiên tỉnh dậy, nói lại với tả hữu; quan Ngự sử Đại Phu Lương Văn Nhậm nói:
-Đó là lời thần muốn hiển linh để lập hình tượng.
Vua sai người xin keo, quả nhiên lập ứng.
Vua sắc cho người trong châu lập đền thờ, tạc tượng thần y như đã trông thấy trong mộng, miếu mạo sum liệt, làm Phúc thần một phương.
Trong thời Nguyên Phong , Thát Đát nhập khấu, đến biên cảnh thì ngựa què không tiến được; thôn dân biết có sức thần ám trợ mới đem dân chúng ra cự chiến, chém được đầu giặc rất nhiều; giặc thua chạy tán loạn, không dám trở lại dòm dỏ bờ cõi nữa. Khấu tặc bình xong, sắc phong Chứng An Nam Quốc Công, chiếu cho thôn ấy đổi tên là Hộ Xá Chứng An.
Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, giặc Bắc lại vào ăn cướp, mấy chỗ khác đều bị đốt cháy cả, duy có ấp này như có phòng hộ, một mảy lông mùa thu cũng không bị phạm tới.
Giặc bình xong, sắc phong Chứng An Vương, năm thứ tư gia phong hai chữ Minh Ứng, năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Tá Quốc, càng ngày càng thêm linh ứng vậy.
Tiếm bình
Cái khí tinh hoa của sông núi, kết lại hóa ra vàng ngọc châu báu, như ngọc bích ở Lam Điền, ngọc châu Dạ Quang, vốn là có tiếng quý giá xưa nay. Còn đến như con người cũng thế, thiện nhân quân tử là tinh hoa của cái khí ấy. Sông Sở Bộ Đầu, sơn kỳ thuỷ tú, người tài đất linh, Lý Tướng quân thực là vun đức ở đây, kịp đến lúc thờ vua Nam Đế làm Tướng quân, oai nghiêm làm rào ngăn cho hai xứ Đỗ Động và Đường Lâm. Thân cỡi đuôi sao Cơ, quanh vùng biết tiếng, cái khí anh sản thường tụ lại, cái công võ liệt thêm kỳ. Phá Trường Chân ở Giáp Sơn, giết Đồ Bà ở Châu Diên, bình nước Nam Chiếu, định nước Nam Hán, đuổi binh nhà Tống, Thần chắc không nói dối ta vậy.
Trong bài thơ, lời ý du dương, quý tính tôn danh, không muốn nói với thôn dân khách tục, dựng đền đúc tượng, dung mạo tôn nghiêm, kẻ chợ dân mường đều kính ngưỡng. Xem như rợ Thát Đát rất mạnh, mang cung đến đâu, tỉ dụ đến nhà Liêu Hạ, nhà Kim, nhà Tống các nước lớn ấy cũng đều trông gió mà xếp gươm giáo, huống chi chúng kéo sang Nam như gió cuốn mây ùn, sấm gào chớp nhoáng, thế mà ông lấy sức thần lui được binh giặc, khiến cho nhân dân được ăn yên ở yên như xưa. Ở chỗ bình nguyên hễ có công đức với dân thì được phụng sự, thế thì công đức của ông biết chừng nào vậy.
Miếu nay ở làng Cổ Sở huyện An Phụng, chế độ rất chỉnh, lễ bộ rực rỡ, mỗi năm lễ nghinh yết có xướng hát, làm một cảnh đại đô hội ở sông Hát Giang, triều trước đời nào dân cũng được tha thuế, đối với đền Phù Đổng, đền Bạch Đằng cùng ngang hàng nhau, rất là thịnh vượng.
Tục truyền rằng ông tiến sĩ làng Ninh Xá tên là Nguyễn Mại trấn tỉnh Sơn Tây thường phụng mạng đem lễ đến cúng, ngủ lại trong đền làng Cổ Sở, mộng thấy một người đàn bà đeo ngọc, mão vàng, áo gấm, giầy thêu, xiêm lụa, có cái dáng điệu hoa ghen nguyệt thẹn, cái nhan sắc mặt ngọc da hồng, tay cầm một nhánh hoa mai phe phẩy đến trước chỗ ngồi, gió thanh mát mặt, hương khí ngát người; người đàn bà ấy thưa rằng:
-Từ khi lang quân thiếp đi vắng, trướng hồ vắng vẻ một mình không người săn sóc, nay Tôn giả đến đây, đền thờ không lấy gì làm quang khiết. Sứ quân có lòng tốt, xin nhờ trùng tu lại cho.
Nguyễn Mại hỏi lại rằng:
-Vậy chớ lang quân tên họ là gì?
Nàng nói:
-Lang quân thiếp tên là Lý Tướng quân, kim sinh tức là ông tiến sĩ làng Thanh Mai tên là Lê Anh Tuấn, hiện nay đang đi sứ Tàu, xin trình Sứ quan rõ.
Hốt nhiên gió động lan can, Nguyễn Mại tỉnh dậy, thì ra là một giấc mộng kê vàng, mới đem câu chuyện trong mộng thuật lại cho người làng nghe, và bảo sửa sang đền thờ lại cho tử tế. Khi đi sứ về, Lê Anh Tuấn thường qua lại nhà Nguyễn Mại đi lại trò chuyện. Nguyễn Mại gọi người nhà đến chỉ Lê Anh Tuấn mà bảo rằng:
-Ông này là Chứng An Vương đền Cổ Sở đó.
Lê Công giỏi văn học, làm quan đến Thượng thư, quyền thế lừng lẫy. Tuy là chuyện mộng mị chưa dám tin chắc, nhưng qua lại thầm kín, đôi khi cũng hở mối manh. Ông Phạm Trọng Yêm với Đạo nhân Côn Lôn đời trước, ông Phú Bật với thầy chùa Xung Hư Quán cũng phảng phất giống như vậy.
Phụ lục:
Sự tích đền thờ thần xã An Sở
Xét Đại Việt Ngoại Sử chép rằng: Gia Thông Đại Vương vốn là người làng Cổ Sở (sau đổi ra An Sở). Lúc bấy giờ thiên hạ loạn ly, kẻ hào kiệt dấu họ dấu tên để tránh nạn.
Thưở nhỏ, Đại Vương phong tư hơn người, tài nghệ xuất chúng, nhất là cỡi ngựa bắn cung lại là sở trường, rất có uy đức, sức mạnh voi cũng chịu thua; đến khi thờ Lý Nam Đế (đồng thời với vua Lương Võ bên Tàu) vua trông thấy người khí vũ hiên ngang, thật là một bậc Đại trượng phu, có thể đương nổi một phương, mới bảo vương theo quân ngũ; Vương hằng lập được nhiều kỳ công.
Sau vua cho một cõi Đỗ Động là đất biên viễn hiểm trở, nếu không phải là tay Vương thì chẳng ai trị nổi, rồi phong cho Vương chức Đại tướng quân, bảo qua trấn thủ ở đó; mỗi khi có hiệu lệnh của Vương ra thời các kẻ hùng cứ trốn xa, giặc cướp đều đến đầu hàng, nhân dân được an cư lạc nghiệp, trong cõi yên ổn, già trẻ đều mến đội ân đức của Vương.
Kịp đến lúc nước Lâm Ấp (tức là Chiêm Thành) vào ăn cướp châu Cửu Đức, biên thư cáo cấp, triều đình bàn kế xuất chinh, các quan đều nói rằng:
-Không có quan Tướng quân Đỗ Động thì không thể đánh bại giặc ấy được.
Vua mới tuyên chiến triệu Vương thống suất các tướng lãnh đi đánh, đại phá quân Lâm Ấp ở Cửu Đức. Tin thắng trận về đến kinh đô, vua thán thưởng giây lâu rồi bảo quan thị thần rằng:
-Gặp đến rễ quanh đốt cứng mới biết được đồ dùng sắc, nay quan Đỗ Động tướng quân chỉ bắn vài mũi tên mà cả phá được giặc mạnh, thực là kẻ hào kiệt ở Sơn Tây, những bậc can thành đời xưa cũng chẳng lấy gì làm hơn được, nên phải có trọng thưởng mới xứng công lao.
Vua mới lục những công phục biên, tứ tính là họ Lý, gả một vị Công chúa tức là Lý Nương và thăng lên chức Thái Uý. Từ đấy ân sủng càng ngày càng thêm, lại khiến làm chức Tham hộ phủ nghi, giám thị cả trăm quan.
Quan Lý Thái uý thiên tư trung hậu, tính vốn thanh liêm, mỗi khi có kiến nghị điều gì thì chuyên lo ngay thẳng, ở trong triều nếu có ai lỗi, trước mặt thì bắt bẻ, giữa triều thì can gián chẳng dung tha một ai, cả đến những kẻ quyền quý xin vô việc riêng. Tiếng tăm lừng lẫy, trong ngoài đều gọi là Phục Man Tướng công, kính mến người có đức.
Lúc bấy giờ vua Nam Đế chủ tâm việc biên phòng, khiến quan Thiếu uý ra trấn Đường Lâm, binh quyền ở tay, uy lệnh xa khắp, làm lặng bụi trần sa mạc, làm tiêu tan lòng sợ hãi chiến tranh. Nào ngờ trời chán nghiệp nhà Lý, gió đưa binh nhà Lương đến, năm Ất Sửu thứ hai, Trần Bá Tiên đem binh đi đánh ở quận Châu Diên, sông Tô Lịch, lần lượt dẹp yên.
Năm Đinh Mão thứ tư (năm đầu vua Lương Văn Trị), binh nhà Lương thừa thắng, đi đến đâu là chỗ đó không có người. Vua tôi triều Lý đâu thất sắc, tan rã như ngói vỡ đất lở, chẳng biết tính làm sao, toan muốn triệu Thái uý.
Thái uý ở động Khuất Liêu, nghe được tin ấy, ngậm ngùi than thở, lòng trung kích thích, mới sai người cẩn thủ các nơi yếu hại của dinh đồn. Hốt nhiên, đang đêm lửa cháy đỏ rực cả bốn mặt, đầy đường binh Lương đã bức gần đến trước sân, mới hay lòng người nham hiểm, mệnh trời khôn lường. Vương bèn đem gia tướng đánh thoát vòng vây để tính bề khôi phục. Nhưng đất cùng đường xa, tới lui không ngõ, Thái uý đành phải chỉ trời vạch đất, thản nhiên uống thuốc tự tận.
Người nhà phụng linh cữu đưa về bến Hồ Mã (tức nay là chùa Ngọc Tân, tên sông của bản xã) chôn cất và đắp mộ ở ngoài bãi bản xã.
________
Ghi chú: Phần tiếm bình và phụ lục là bổ sung sau thời Lý Tế Xuyên.
Địa chỉ các blog Họ Phạm của Tháp Bút
11 năm trước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét