Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY TỪ VẤN ĐỀ ĐỒNG NHẤT LÝ PHỤC MAN VỚI PHẠM TU

Tháp Bút
Tóm tắt: Chúng ta đang tiến tới mốc kỷ niệm 1.500 năm khởi nghĩa Lý Bí, thành lập nước Vạn Xuân. Trên đất tiền Thăng Long - “chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương”, vị hoàng đế đầu tiên lập nước Vạn Xuân - nhà nước đầu tiên có tổ chức bộ máy chính quyền đã định đô và lập chiến thành ở vùng đất linh thiêng đó. Trong triều đình Vạn Xuân có vị lão tướng Phạm Tu (thờ ở Đình Ngoại, xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) đứng đầu quân đội là người sinh ra bên dòng sông Tô, hy sinh ngay cửa sông Tô. Võ tướng thời này còn có Lý Phục Man trấn giữ Đỗ Động, Đường Lâm, là vị thần linh thiêng thờ ở Quán Giá xã Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội. Mấy chục năm qua đã xuất hiện vấn đề đồng nhất hai nhân vật này, các nhà khoa học chưa đi đến thống nhất. Sử sách ghi chép ngắn gọn, trong khi tư liệu dân gian lại rất khó xác minh. Do vậy bài báo này sử dụng thông tin cốt lõi từ chính sử để làm cơ sở xem xét tính lô-gích khi đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu.

Ba mươi năm, một chặng đường dài kể từ ngày tôi cắp sách đến trường. Là cậu học trò thích đọc chuyện kể về danh nhân, nên sự kiện thành lập nhà nước Vạn Xuân có vua Lý Nam Đế và bề tôi: Triệu Túc, Tinh Thiều, Phạm Tu là điều sáng sủa, rành mạch trên trang sách nhà trường. Chính trong thời gian đó, các nhà khoa học đã công bố kết quả nghiên cứu về vấn đề phức tạp: đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu (Vấn đề đồng nhất).
Năm 1982, các nhà sử học trong và ngoài Quân đội cùng các cộng sự đã khảo sát kỹ lưỡng tại xã Thanh Liệt, Thanh Trì và xã Yên Sở, Hoài Đức. Ngày 25/12/1982, tại xã Yên Sở đã diễn ra hội thảo khoa học về Lý Phục Man. Trong Hội thảo có một số báo cáo cho rằng có thể đồng nhất hai nhân vật Phạm Tu và Lý Phục Man. Đây là vấn đề khoa học thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và cả trong giới bình dân. Như nhà sử học Lê Văn Lan đã nêu “là vấn đề sử học nêu ra đã lâu nhưng chưa được giải quyết”(1) do vậy vấn đề khoa học này không hề giản đơn nhưng cần sớm làm rõ.
Để tìm hiểu vấn đề này, trước hết chúng tôi tìm kiếm kỹ lưỡng theo các từ khóa để tới các địa chỉ trên mạng, tìm trong sách báo và đã lập nên hồ sơ tư liệu điện tử trong blog Đi tìm cơ sở đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu. Quả có nhiều mâu thuẫn và rất phức tạp đối với Vấn đề đồng nhất. Nhưng từ đó, chúng ta có đầy đủ thông tin về nguồn gốc tư liệu xuất bản để tìm từng trang sách, kiếm những bài báo liên quan được cất kỹ trong thư viện. Theo các tư liệu thu thập được chúng ta có thể thấy một số thông tin chính về Vấn đề đồng nhất:
1. Nguồn thông tin cốt lõi, chính thống theo cổ sử:
Cuốn Đại Việt sử ký toàn thư - bộ chính sử lớn của nước ta, đã ghi về danh tướng Phạm Tu như sau:
“Mùa hạ, tháng 4 năm Quý Hợi (543) vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua sai tướng Phạm Tu đánh tan giặc ở quận Cửu Đức”.
và:
“Mùa Xuân, tháng Giêng năm Giáp Tý (544), vua lên ngôi, xưng là Nam Việt Đế, lấy niên hiệu là Thiên Đức, đặt trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân là ý mong xã tắc truyền đến muôn đời vậy. Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Lấy Triệu Túc làm Thái Phó, lấy Tinh Thiều, Phạm Tu làm tướng văn, tướng võ.” (2)
Đó là việc chép về Phạm Tu ở giữa thế kỷ thứ VI. Danh tướng Phạm Tu là nhân vật lịch sử xuất hiện trong sự kiện cụ thể (có không gian, thời gian và địa điểm) với vị trí chỉ huy rõ ràng.
Còn về sự xuất hiện của thần Lý Phục Man: vào năm 1016, trong giấc mộng của Lý Thái Tổ cũng ghi rất cẩn thận ở cuốn Đại Việt sử ký toàn thư. Thông tin có thể đã lấy theo ghi chép của quan Ngự sử Lương Văn Nhậm cùng đi với Lý Thái Tổ và được nhà vua kể lại ngay sau giấc mộng:
Động đất. Làm lễ tế vong các danh sơn. Vua nhân đi xem núi sông, đến bến đò Cổ Sở, thấy khí tốt của núi sông, tâm thần cảm động, bèn làm lễ rưới rượu xuống đất, khấn rằng: “Trẫm xem địa phương này, núi lạ sông đẹp, nếu có nhân kiệt địa linh thì hưởng lễ”.
Đêm ấy, vua chiêm bao thấy có dị nhân đến cúi đầu lạy hai lạy, nói: “Thần là người làng này, họ Lý tên Phục Man, làm tướng giúp Nam Đế, có tiếng là người trung liệt, được giao trông coi hai dải sông núi Đỗ Động và Đường Lâm, bọn Di Lão không dám xâm phạm biên giới, một phương yên bình. Đến khi chết, thượng đế khen là trung trực, sắc cho giữ chức như cũ. Cho nên phàm giặc Man Di đến cướp đều chống giữ được cả. Nay may được bệ hạ thương đến, biết cho thần giữ chức này đã lâu rồi”. Rồi đó thung dung nói: “Thiên hạ khi mờ tối, trung thần giấu tính danh, giữa trời nhật nguyệt sáng, ai chẳng thấy dáng hình”. Vua thức dậy nói việc ấy với Ngự sử đại phu Lương Văn Nhậm rằng: “Đó là ý thần muốn tạc tượng”.(3)
¬¬¬¬¬¬¬¬Với nguồn sử liệu chính thống như vậy, trải qua 15 thế kỷ, tư liệu về Phạm Tu và Lý Phục Man được bổ sung dồi dào. Còn có những văn bản đáng quan tâm như thần tích về Đô Hồ Đại vương Phạm Tu ở Đình Ngoại và bộ tư liệu về Lý Phục Man gồm thần tích, văn bia ở Quán Giá. Ngoài ra còn có một số thông tin, tư liệu có thể được bổ sung theo truyền ngôn ở địa phương hoặc sáng tác văn học.
Sau đây là thống kê những ấn phẩm tiêu biểu có thể hiện việc đồng nhất qua các cuốn sách cùng các bài nghiên cứu về vấn đề liên quan:
2. Vấn đề đồng nhất qua một số ấn phẩm tiêu biểu:
Số 1. Cuốn Đình Yên Sở của Ty Văn hóa-thông tin Hà Tây viết năm 1968.
Số 2. Bài báo đầu tiên thể hiện đồng nhất có tên “Phạm Tu với nhà nước Vạn Xuân” của Đàm Hưng đăng trên trang 2 báo Hà Nội mới ngày 11/9/1983: Trong bài báo nêu rõ thân thế sự nghiệp của Phạm Tu cơ bản theo thần tích Đình Ngoại, xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội và khẳng định quê ông ở đây. Nhưng đoạn gần cuối có tư liệu không hợp lý vì tác giả sử dụng thông tin về Lý Phục Man ở Quán Giá (xã Yên Sở, Hoài Đức) để cho rằng: “...ông được Lý Nam Đế phong chức Phục Man tướng công và cho đổi họ. Vì thế dân gian gọi Phạm Tu là Lý Phục Man”
Số 3. Tiếp đến là bài báo “Lý Phục Man có phải là Phạm Tu hay không?” của Nguyễn Khắc Đạm đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 6-1983. Qua bài “Lý Phục Man-người con quang vinh của làng Giá” trong cuốn Danh nhân quê hương của Ty Văn hóa thông tin Hà Sơn Bình in năm 1976 (4), có thể thấy tác giả là người đã nghiên cứu kỹ tư liệu ở Quán Giá, từ đó ông hiểu biết sâu sắc về Lý Phục Man. Do vậy ngay sau xuất hiện bài số 2 (11/9/1983) - tháng 12/1983, ông đã đăng bài trên Tạp chí nghiên cứu chuyên ngành nói trên để nêu lên những căn cứ (sự xuất hiện trong cổ sử là hai người khác nhau, Phạm Tu tuổi cao không thể được Lý Nam Đế gả công chúa, quê quán khác nhau, tuổi tác khác nhau, ngày mất khác nhau, vị trí chỉ huy khác nhau-Lý Phục Man là tướng thuộc quyền của Phạm Tu, và sự xuất hiện trong một số tài liệu cổ Đại Nam nhất thống chí, Tiền Lý Nam Đế sự tích quốc âm) khẳng định Phạm Tu và Lý Phục Man là hai người hoàn toàn khác nhau.
Số 4. Ít ngày sau khi bài số 3 ra mắt, ông Phan Huy Lê đã hoàn thành bài “Kẻ Giá – Một làng chiến đấu truyền thống tiêu biểu và người anh hùng Lý Phục Man” (viết xong ngày 25/12/1983) và đăng trên tạp chí Dân tộc học số 46, 2-1985. Nhà sử học Phan Huy Lê đã cẩn trọng so sánh tư liệu từ hai địa phương và kết luận: “Bằng phương pháp so sánh, đối chiếu, các tư liệu trên có thể cho phép nghĩ rằng Lý Phục Man và Phạm Tu là một người. Nhưng tôi chưa coi đó là một kết luận khoa học vì quả thực tư liệu còn có chỗ mơ hồ và chưa xác minh được chắc chắn.”
Số 5. Đến năm 1991 việc đồng nhất xuất hiện trong sách, đó là cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam chủ biên Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế của Nxb KHXH-Hà Nội. Với tư liệu cơ bản của Quán Giá nhưng nhân vật lịch sử ở làng này lại được thay tên là Phạm Tu. Theo ông Nguyễn Q. Thắng thì Đại Việt sử ký toàn thư thể hiện việc có thể đồng nhất hai nhân vật.
Số 6. Cuốn Văn bia Quán Giá của chủ biên Nguyễn Bá Hân đồng thời là người biên tập, Nxb Thế giới in năm 1995. Sự tích tướng công Lý Phục Man được soạn lại theo thần phả, văn bia của Quán Giá và sử, trong đó khẳng định ngay từ câu đầu: “Lý Phục Man có họ tên thực là Phạm Tu”.
Số 7. Ngày 05/4/2009 đúng dịp ngày kỷ niệm 1463 năm ngày sinh danh tướng Phạm Tu (476-545), báo Quân đội nhân dân cuối tuần số 692 có đăng bài “Phạm Tu không phải Lý Phục Man” của Chí Nhân (Tháp Bút). Dù chưa được tiếp cận ba bài báo số 2, 3, 4, nhưng theo nghiên cứu độc lập, bằng phương pháp phản chứng cũng thu được một số kết quả như trong công bố (số 3) của tác giả Nguyễn Khắc Đạm trước đó 25 năm.
Số 8. Cuốn Sự tích đức thánh Giá của tác giả Yên Sơn-Nguyễn Bá Hân, Nxb KHXH-Hà Nội in năm 2009. Nội dung trọng tâm viết về thân thế sự nghiệp của Lý Phục Man giống như Sự tích tướng công Lý Phục Man trong tài liệu số 6.
Số 9. Bài “Danh tướng Phạm Tu-Lý Phục Man là một hay hai người” đăng trong Thông báo Hán Nôm học 2009 của PGS. TS. Trương Sỹ Hùng. Tác giả công bố một kết quả nghiên cứu công phu và cho rằng Lý Phục Man chính là Phạm Tu.
3. Phương pháp giải quyết vấn đề
Chúng ta nhận thấy sự độc lập của hai nguồn tư liệu về Phạm Tu ở Đình Ngoại và Lý Phục Man ở Quán Giá: Có thể dễ dàng xác định nguồn gốc tư liệu trong mỗi bài viết về hai nhân vật lịch sử này, nội dung nào sử dụng tư liệu từ Thanh Liệt, nội dung nào tư liệu từ Yên Sở. Do vậy những nội dung thể hiện sự đồng nhất do sử dụng tư liệu chéo-lẫn lộn (viết về Phạm Tu bằng tư liệu ở Quán Giá hoặc viết về Lý Phục Man bằng tư liệu ở Đình Ngoại) là sự sai sót do cách làm tùy tiện khi khai thác tư liệu. Hoàn toàn không thể dựa những nội dung này để lấy làm cơ sở đồng nhất, đó chỉ được coi là các nghi vấn. Ví dụ mục 2 có tài liệu số 2, viết về Phạm Tu quê ở Thanh Liệt nhưng lại sử dụng một câu tư liệu của Quán Giá (Vì thế ông được Lý Nam Đế phong chức Phục Man tướng công và cho đổi họ) để cho câu tiếp sau đồng nhất Phạm Tu với Lý Phục Man (Vì thế dân gian gọi Phạm Tu là Lý Phục Man). Với cuốn sách số 5 lại viết hoàn toàn về Lý Phục Man theo tư liệu Quán Giá nhưng lại thay tên Phạm Tu vào, ngay lập tức Phạm Tu trở thành người làng Giá.
Với việc lọc tư liệu chéo theo cách gỡ “râu ông nọ” khỏi “cằm bà kia”, chúng ta đơn giản hóa bài toán nhưng không làm thay đổi kết quả, nghi vấn vẫn được bảo lưu để tiếp tục xem xét. Những sáng tác văn học không được dùng là cơ sở mà chỉ có thể coi là nghi vấn cần nghiên cứu giải quyết dựa theo nguồn sử liệu tin cậy.
Từ nghi vấn có thể Lý Phục Man là Phạm Tu (gọi thống nhất là Tướng quân), chúng ta giải quyết vấn đề bằng cách chứng minh sự đúng đắn của giả thuyết: Có duy nhất một và chỉ một danh tướng Phạm Tu là Lý Phục Man như tư liệu ở Quán Giá.
Dựa theo giả thuyết trên, căn cứ vào chính sử ta thấy: Tướng quân có công lớn trong giải phóng đất nước đánh đuổi quân Lương, cầm quân đánh tan giặc Lâm Ấp ở Cửu Đức. Tướng quân là công thần hàng đầu, trưởng ban Võ của nhà nước Vạn Xuân.
Để tìm cách giải quyết vấn đề, ta làm theo cách dựa vào tư liệu tin cậy nhất là Đại Việt sử ký toàn thư, nội dung này cũng phù hợp với chuyện về Lý Phục Man trong Việt điện u linh có từ thời Lý Tế Xuyên. Nhưng lưu ý trong các cuốn Việt điện u linh được dịch, biên soạn và xuất bản sau này có bổ sung phần Tiếm bình và Phụ lục Sự tích đền thờ thần xã An Sở sau thời Lý Tế Xuyên. Đặc biệt tập trung xem xét nghi vấn Phạm Tu khi mất trở thành thần thiêng Lý Phục Man theo tư liệu của Quán Giá có phù hợp không.
4. Một số kết quả khi tìm kiếm lời giải
4.1. Về tên gọi
Khắp các làng xã giàu truyền thống của Việt Nam, ở đâu cũng đều kiêng tên húy của vị Thành hoàng làng của mình. Ở làng Giá, kiêng từ Man và thường thay bằng từ Men, Miêng. Việc kiêng tên này là hợp lý khi đối chiếu với chính sử vì Thần đã xưng rõ ràng: “Thần là người làng này, họ Lý tên Phục Man,”.
Như vậy Phục Man không phải là hiệu, mà chính lại là tên của Ngài?
Thần đã xưng tên Phục Man nên hàng chục thế kỷ trước đây người dân làng Giá đã không phải khó nhọc tìm kiếm tên húy của Thần. Tên Thần và hiệu của Thần đã chỉ có duy nhất là Phục Man. Chúng ta tìm ra tên gọi “Phạm Tôn” (được coi là vị thân sinh của Thần) xuất hiện khi nào thì sẽ biết lúc đó có người đã kiếm tìm được tên mới họ Phạm cho Thần.
Nếu cứ coi Phục Man là hiệu của Tướng quân thì việc kiêng tên húy đối với thành hoàng làng Giá là sự vô lý, một sự vô lý ngàn năm do thói quen nên đã được chấp nhận? Chúng ta thấy như thế Man không phải là tên húy của Tướng quân nên không cần kiêng khem mới phải? Kiêng tên gọi này chứng tỏ cả ngàn năm ở làng Giá không biết tên thật của Lý Phục Man và tên gọi Phạm Tu quả là xa lạ đối với mảnh đất này!
Nếu Tướng quân có tên húy Phạm Tu, tại sao ở làng Giá không kiêng tên Tu? PGS. TS. Trương Sỹ Hùng giải thích:
Khi Phạm Tu được vua ban quốc tính tức là họ Lý và danh hiệu Phục Man, lại được vua gả công chúa ông trở thành phò mã. Lẽ thường theo “mệnh vua phép nước”, bản thân đương sự là Phạm Tu và “phận con dân” thuộc mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, mọi thế hệ người đời không thể trái mệnh vua, nên ngay từ lúc sinh thời tục danh Phạm Tu dần lui vào quá khứ.(5)
4.2. Tại làng Giá, tên tuổi Phạm Tu “dần lui vào quá khứ”?
Thật kỳ lạ tại sao ở làng Giá tên tuổi Phạm Tu "lui vào quá khứ" mà chỉ biết đến tên gọi Lý Phục Man từ thời Lý Thái Tổ. Bộ chính sử lớn của nước ta, cuốn Đại Việt sử ký toàn thư đã để lại những dòng ghi về Phạm Tu (2 lần) được chính PGS. TS. Trương Sỹ Hùng coi là "không phải là bất cẩn", và có ghi Phạm Tu trong Việt điện u linh (không phải trong truyện Lý Phục Man).
Làm sao làng Giá lại bỏ quên đến mức sau 14 thế kỷ để đến nửa cuối thế kỷ XX mới cho Lý Phục Man là Phạm Tu? Phải chăng đó là sự suy luận, "tưởng tượng về thời xa xưa" chứ không hề có cơ sở để nói là "dần lui vào quá khứ"?
Lịch sử Việt Nam hiếm có người được phong quốc tính (một dạng khen thưởng đặc biệt) mà tên tuổi bị mai một. Bởi lẽ chính việc được ban quốc tính đã là một sự ca tụng nên lai lịch về nhân vật ấy càng rõ ràng hơn rất nhiều người cũng được ghi trong sử sách. Những nhà viết sử thời Lý-Trần đã biết về Phạm Tu nên thần phả nào có ghi tên ông đều đã được viết một cách cẩn thận.
Ta xác định thời gian tồn tại tên gọi Lý Phục Man của Tướng quân lúc sinh thời của Ngài: Từ khi khởi nghĩa Lý Bí đến khi Tướng quân hóa thần lâu nhất là 7 năm (541-548). Tạm coi khi đánh xong Lâm Ấp vào mùa hạ năm 543, Tướng quân được gọi là Lý Phục Man như vậy rút còn 5 năm. Chưa kể nếu Tướng quân mất tại chiến thành cửa sông Tô năm 545 thì chỉ có khoảng 2 năm. Vậy là tên húy của Tướng quân phải mất rất nhanh chóng, chứ đâu còn “dần lui” như tưởng tượng của ông Trương Sỹ Hùng là đã xảy ra “ngay từ lúc sinh thời”. Điều này quá phi lý đối với “người con quang vinh của làng Giá”.
Ngẫm lại câu: “Trăm năm bia đá thì mòn, Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ.” Đúng là: bia miệng ở làng Giá đã không có thông tin về Phạm Tu làm sao có thể ghi vào bia đá Quán Giá!
4.3. Phạm Tu có được ban quốc tính không?
Một lần nữa căn cứ vào chính sử theo lời của Thần: “họ Lý tên Phục Man” thì bản thân Ngài nhận mình mang họ Lý. Do đó việc ban quốc tính cũng có thể truyền miệng mà có. Nhưng xét trong Đại Việt sử ký toàn thư thì ở thời Hậu Lý mới thấy nhà vua ban quốc tính cho một số nhân vật tiêu biểu. Với thời Tiền Lý trước đó hơn 5 thế kỷ, không lẽ Lý Nam Đế thiên vị: ban cho Tả tướng Phạm Tu quốc tính là Lý Tu, mà Trưởng Ban Văn-Tinh Thiều, Thái phó-Triệu Túc không được ban quốc tính?
4.4. Lý Phục Man là thống lĩnh chư tướng đi đánh Lâm Ấp, được phong Thái úy?
Qua lời Thần xưng với Lý Thái Tổ: “làm tướng giúp Nam Đế, có tiếng là người trung liệt, được giao trông coi hai dải sông núi Đỗ Động và Đường Lâm”, chúng ta thấy chức vụ cao nhất của thần là tướng giữ vùng biên cảnh phía tây (như Tư lệnh quân khu sát biên giới ngày nay) điều này lại được khẳng định: “Đến khi chết, thượng đế khen là trung trực, sắc cho giữ chức như cũ”. Như đã ghi trong chính sử, hoàn toàn không nói đến việc thần đã làm tướng đánh Lâm Ấp và không đứng đầu quân đội như thống lĩnh chư tướng, Thái úy.
Như vậy cả Lý Nam Đế và Thượng Đế đều giao cho Tướng quân “trông coi hai dải sông núi Đỗ Động và Đường Lâm”. Bản thân Lý Thái Tổ cũng giao cho Thần vị trí này một cách rất khéo: “Nay may được bệ hạ thương đến, biết cho thần giữ chức này đã lâu rồi”.
Phạm Tu khi hy sinh chắc chắn vẫn là người đứng đầu hàng Võ của nhà nước Vạn Xuân. Nếu Tướng quân được ghi trong chính sử là trưởng ban Võ, Tả tướng, đứng đầu quân đội mà đến cuối lại đi trông coi một vùng biên cảnh phía tây thì đúng là Tướng quân bị giáng chức. Điều này là sự phi lý cao độ bởi Thần khi sống “có tiếng là người trung liệt”, thác được “Thượng đế khen là trung thực” không có lý do gì để giáng chức. Ngay cả đương kim Hoàng thượng cũng vẫn chỉ cho thần giữ chức đã bị giáng? Như vậy khẳng định khi mất Lý Phục Man hoàn toàn không đứng đầu trăm quan. Không nên “ép” Lý Phục Man là Phạm Tu nếu không Thần bị “vu khống” một trọng tội với Thượng Đế, Lý Nam Đế và với cả Lý Thái Tổ vì đã giấu giếm tên họ và chức vụ trong khi tứ thơ Ngài đọc rành mạch: “Thiên hạ khi mờ tối, trung thần giấu tính danh, giữa trời nhật nguyệt sáng, ai chẳng thấy dáng hình”. Dễ mắc tội khi quân lắm lắm!
Việc Lý Phục Man đi đánh Lâm Ấp có thể xảy ra bởi ra trận không thể có một mình tướng Phạm Tu đi giữ yên bờ cõi phía nam như đã ghi trong chính sử. Còn Lý Phục Man thống lĩnh chư tướng đi đánh Lâm Ấp, rồi đứng đầu trăm quan có lẽ chính là dựa vào việc vua chúa thời sau sắc phong bổ sung Thái úy cho thần Lý Phục Man, từ đó người ta luận ra ông võ tướng này xứng với vị trí của Phạm Tu hơn cả (Đề cao hết tầm một võ tướng, ắt người đó là tứ trụ triều đình thống lĩnh Quân đội). Lịch sử Việt Nam có Phạm Cự Lượng (944-?) là người đầu tiên được phong Thái úy vào năm 986 dưới triều Tiền Lê. Ngay triều trước-thời Đinh Tiên Hoàng, người có vị trí đứng đầu quân đội là Lê Hoàn được gọi là Thập đạo tướng quân.
4.5. Về độ tuổi của Phạm Tu khi tham gia khởi nghĩa:
Theo tư liệu Quán Giá thì Lý Phục Man trẻ tuổi, Lý Bí (503-548) khoảng vừa sang tứ tuần đã gả công chúa cho Tướng quân, nên công chúa khoảng hai mươi và Tướng quân chắc chắn trẻ hơn Lý Bí có thể ngoài ba mươi tuổi. Như vậy có thể Lý Phục Man ngang tuổi với Triệu Quang Phục (?-571).
Trong thời gian từ năm 541 đến đầu năm 545, không đủ thời gian và hoàn cảnh để Lý Phục Man này trở thành vị khai quốc công thần hàng đầu của nhà nước Vạn Xuân. Cùng trang lứa, ngang sức ngang tài thì cả Triệu Quang Phục và Lý Phục Man đều chưa xếp được vào hàng khai quốc công thần của Lý Nam Đế.
Chúng ta thấy Phạm Tu trong sử sách đã bước qua thời trai trẻ trở thành thủ lĩnh có uy tín đã ngao du kết bạn với hào kiệt nhiều vùng khác nhau như Triệu Túc. Phạm Tu sẽ là bậc cha chú của Triệu Quang Phục, Lý Phục Man.
4.6. Căn cứ theo thần tích và văn bia Quán Giá
Xét về tư liệu thần tích và văn bia Quán Giá, không có một từ nào nói đến Phạm Tu. Văn bia năm Bảo Thái thứ 9 (1728) là văn bản đã tổng hợp từ các văn bia và tư liệu liên quan có trước đó về Lý Phục Man. Văn bản này mang tính kết luận rất thống nhất của các nhà trí thức xưa (các nhà Nho trong đó có nhiều người con hiếu học của làng Giá) về Lý Phục Man. Đây là nguồn tư liệu tin cậy đã được nhiều nhà khoa học uy tín nghiên cứu trong đó tiêu biểu nhất là cố GS. Nguyễn Văn Huyên (1908-1975). Quê của ông ở xã Kim Chung, Hoài Đức cách Quán Giá không xa, nhưng ông cũng không tìm ra tên “khai sinh” của Lý Phục Man từ năm 1938. Chúng ta tin tưởng ông là người có nhiều thông tin về Lý Phục Man nhất khi khai thác tài liệu có những năm ba mươi của thế kỷ trước.
4.7. Vị thế Quán Giá và thần Lý Phục Man
Nói đến đình quán làng Giá phải kể đến lễ hội. Tất cả đều to lớn, độc đáo hàng đầu của đất nước. Nhưng không nên choáng ngợp trước lễ hội Quán Giá và số lượng di tích thờ mà cho rằng Lý Phục Man chỉ đứng sau Lý Nam Đế. Chúng ta xem xét một vài yếu tố tạo nên tầm cao của Quán Giá:
- Trước hết phải kể đến văn hóa của địa phương đã được bảo tồn phát triển, điều đó thể hiện qua lễ hội với sự độc đáo và lớn hàng đầu của nước ta. Làng Giá là một làng Việt cổ trù phú có truyền thống lâu đời rất văn hiến, anh hùng và giàu tính sáng tạo.
- Quan trọng hàng đầu là sự linh ứng của thần Lý Phục Man được chép trong chính sử. Nhất là vị quân vương Lý Thái Tổ có thể nói là một con người với nhiều câu chuyện huyền bí ly kỳ đã gặp thần Lý Phục Man ngay ở Cổ Sở.
- Chuyện được chép trong Việt điện u linh, một tác phẩm làm căn cứ cho các triều đại về sau luôn tập trung sắc phong cho hầu hết các vị thần có trong tác phẩm.
- Vị trí Cổ Sở ngay bên đường thiên lý xứ Đoài, có sông Đáy thông thương lại gần kinh đô do vậy thuận tiện giao thông thủy bộ.
- Tâm nguyện của các triều đại xưa đều mong muốn vị thần ở Quán Giá phù trì để yên ổn bờ cõi nhất là các tộc thiểu số hướng thần án ngữ. Phục Man về sau cũng là việc chống giặc giữ nước, cũng là việc triều đình chống nổi dậy của giặc cỏ, vậy nên Thần Phục Man luôn được các vương triều chú trọng, tôn vinh, được liên tục ban rất nhiều đặc ân.
*
Từ những sự bất hợp lý nêu trên cho thấy dựa vào Đại Việt sử ký toàn thư chúng ta nhận ra hàng loạt điều không thích hợp trong tư liệu ở Quán Giá khi đồng nhất Lý Phục Man với nhân vật lịch sử Phạm Tu.

5. Kết luận
Dựa vào chính sử chúng ta thấy thần Lý Phục Man trong giấc mộng của Lý Thái Tổ (sau 471 năm kể từ khi Phạm Tu mất) không thể là danh tướng Phạm Tu đứng đầu ban Võ của nhà nước Vạn Xuân. Theo thần tích của hai làng: Hãy để quê hương của Phạm Tu ở làng Quang (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) và thần Lý Phục Man ở làng Giá (Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội) là một cách làm tôn trọng lịch sử. Không có cơ sở đồng nhất, hãy sử dụng tư liệu về từng nhân vật riêng biệt, không nên lẫn lộn để làm phức tạp vấn đề.
Long Biên, ngày 15/11/2010
_____________
(1) “Lão tướng Phạm Tu”, Lê Văn Lan, 1987.
(2, 3) Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch của Viện Sử học. Nxb KHXH, Hà Nội
(4) Danh nhân quê hương, Ty Văn hóa thông tin Hà Sơn Bình, 1976.
(5) “Danh tướng Phạm Tu Lý Phục Man là một hay hai người”, Thông báo Hán Nôm học 2009, PGS. TS. Trương Sỹ Hùng, 2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét