Đàm Hưng
Đại Việt sử ký toàn thư có chép vài nét về tướng Phạm Tu, một trung thần có nhiều võ công vào hàng bậc nhất của Lý Nam Đế trong cuộc đánh đuổi quân đô hộ nhà Lương và sự nghiệp bảo vệ đất nước ở thập kỷ thứ 5 của thế kỷ thứ 6.
Qua thần phả, sắc phong, được biết thêm một phần về ông. Phạm Tu còn gọi là Phạm Đô Tu (vì ông đã dự nhiều cuộc đấu vật lúc trẻ) sinh ngày 20 tháng 3 năm 486 (Bính Thìn) tại xã Quang Liệt (nay là Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đồng hương với chí sĩ Chu Văn An.
Ở Thanh Liệt hiện nay còn đền thờ Phạm Tu, đền xây từ lâu được trùng tu trong thời Tự Đức, kiến trúc trên đầu con “rồng đất” bên bờ đầm Thanh Đàm, nghiêm trang, cổ kính: xung quanh có tường gạch, nhiều cổ thụ. Trong đền có các bài vị, hoành phi, phù điêu, bộ áo mũ giáp phỏng chế lại từ triều Lê.
Sắc phong cho Phạm Tu còn giữ lại từ năm Cảnh Hưng thập tứ (1753), dưới triều vua Cảnh Thịnh thời Tây Sơn (1793) và một số sắc phong của triều Nguyễn sau này. Trong các sắc phong, chép công lao với các mỹ từ ngợi ca ông là một vị tướng trí dũng, tận tụy với nước như: “Hộ quốc tế dân” (giúp nước cứu dân), “Anh uy vĩ độ” (anh hùng hào kiệt) v.v. Trong thần phả còn chép về công lao của ông với Nhà nước Vạn Xuân.
Ngay từ năm 541 (Tân Dậu), Phạm Tu không chịu nổi ách đô hộ tàn bạo nhà Lương, đã tập hợp trai tráng trong xã chống lại. Vì thế tại đình Thanh Liệt ngày nay, còn bức hoành phi ghi năm chữ “Thanh Liệt xã nghĩa dân”. Sang năm Nhâm Tuất (542), cuộc khởi nghĩa toàn dân do Lý Bí lãnh đạo nổ ra, Phạm Tu liền đem số quân vừa chiêu tập được sát nhập vào nghĩa quan Lý Bí. Không đầy ba tháng, vào mùa xuân năm 542, với khí thế nổi dậy, bốn phương quy tụ như mây hợp, nghĩa quân cùng nhân dân đã quét sạch bè lũ nhà Lương đô hộ. Phạm Tu được giao trọng trách cầm quân tiên phong đánh chiếm thành Long Biên trị sở của bọn đô hộ trên đất nước ta. Tên thứ sử Tiêu Tư gian ác phải tháo chạy về nước. Ngay năm đó nhà Lương phái một đạo quân sang đánh báo thù, nhưng vừa tới biên ải, chúng đã bị quân ta đánh bại. Đất nước ta hồi đó từ Châu Giao đến Châu Đức được giải phóng (miền Bắc ngày nay, từ biên giới phía Bắc đến đèo Ngang).
Năm 543 (Quý Hợi) nhà Lương lại tổ chức một cuộc phản kích lần thứ 2. Lý Bí cùng Phạm Tu chỉ huy nghĩa quân chặn đánh quân giặc ngay từ biên giới phía bắc. Một trận tiêu diệt chiến lớn diễn ra ở biên ải Hợp Phố (lúc ấy thuộc Châu Giao). Theo sử cũ, quân lương mười phần chết sáu, số còn lại tan rã. Tướng giặc là Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng do thua trận đã bị vua Lương bắt tự tử (Đại Việt sử ký toàn thư).
Sang mùa hạ năm sau (543) vua Lâm Ấp đem quân ra cướp Nhật Nam (vùng Hà Tĩnh). Một lần nữa Phạm Tu lại đem quân lên đường dẹp giặc. Quân Lâm Ấp bị đánh bại, gọng kìm phía nam bị bẻ gãy. Tháng giêng năm Giáp Tí (544), nhà nước Vạn Xuân được thành lập, Lý Bí tự xưng là Nam Đế. Phạm Tu được cử làm tướng võ trông coi binh quyền.
Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Phạm Tu là người có công nhiều trong việc trấn trị các lực lượng chưa thuần phục, mang tính chất cát cứ. Vì thế ông được Lý Nam Đế phong chức Phục Man tướng quân và cho đổi họ. Vì thế nhân dân còn gọi Phạm Tu là Lý Phục Man.
Tuy cả hai lần trước đã thất bại, ỷ vào thế quân đông, với thói tham bành trướng, nhà Lương lại cử Trần Bá Tiên đem thủy quân sang đánh Nhà nước vạn Xuân non trẻ. Lý Nam Đế cùng Phạm Tu đem 30 nghìn quân bày trận chống lại ở Chu Diên (Hải Hưng). Sau một trận kịch chiến, quân của Phạm Tu bị thua, phải lui về giữ ở sông Tô Lịch (phía tây Hà Nội, khu vực Thụy Khuê-Bưởi). Một trận huyết chiến lớn diễn ra ở đó. Bị một mũi tên bắn lén, Phạm Tu đã hy sinh bên dòng sông Tô, chính ở nơi ông đã sinh ra. Hôm đó là ngày 20-7-545 (Ất Sửu).
Phạm Tu đã đứng lên tụ họp nhân dân chống giặc từ buổi đầu, đã tham gia bắc phạt, nam chinh suốt đời vì nước quên thân, làm tròn trách nhiệm của cháu con vua Hùng giữ nước, để lại niềm tự hào cho con cháu đời sau.
(Báo Hà Nội mới trang 2 ngày 11/9/1983)
Địa chỉ các blog Họ Phạm của Tháp Bút
11 năm trước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét