Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

ĐIỀU RÚT RA TỪ CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ LÝ PHỤC MAN CỦA GS. NGUYỄN VĂN HUYÊN

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên (1908-1975) là một nhà nghiên cứu văn hóa lớn của Việt Nam. Ngay từ cuối những năm 30 của thế kỷ XX, ông đã công bố công trình nghiên cứu có giá trị “Góp phần nghiên cứu một vị thành hoàng Việt Nam: Lý Phục Man”. Chính nhờ công trình nghiên cứu này mà di tích thờ Lý Phục Man ở xã Yên Sở, Hoài Đức được tu tạo mặc dù bị giặc Pháp tàn phá hầu như hoàn toàn vào năm 1947.
Sau khi đã nêu quan điểm chứng minh không đồng nhất lão tướng Phạm Tu với phò mã Lý Phục Man trên trang web http://hophamvietnam.org/, chúng tôi thấy cần tìm hiểu kỹ các thông tin về Lý Phục Man để có thêm phần sáng tỏ vấn đề lịch sử còn tranh chấp này.
Công trình của GS. Nguyễn Văn Huyên là một nghiên cứu đầy đủ sáng tỏ nhất về vị thành hoàng Lý Phục Man và di tích Quán Giá . Qua tác phẩm này, cho thấy:
-Lý Phục Man là một nhân vật mang đậm tính truyền thuyết hơn là nhân vật lịch sử: Cụ thể chúng ta thấy: từ thời Lý Nam Đế đến thời Lý Thái Tổ không hề nói đến Lý Phục Man. Chỉ xuất hiện lần đầu trong giấc mộng của Lý Thái Tổ và sau đó ghi trong “Việt Điện u linh” của quan Phụng ngự Lý Tế Xuyên vào khoảng năm 1329.
-Về cái chết của Lý Phục Man cũng không thống nhất:
1. Lý Phục Man thua quân Lâm Ấp nên tự sát;
2. Lý Phục Man bị thua ở Khuất Lạo nên tự sát (mất khoảng 546-548);
3. Lý Phục Man bị chém đầu nhưng vẫn cưỡi ngựa về làng.

Lưu ý: không có sự việc Lý Phục Man hy sinh năm 545 ở chiến thành cửa sông Tô Lịch. Các văn bia, đại tự, câu đối ở Quán Giá không nói lên điều này.

-Ở Bắc bộ có đến hàng chục nơi thờ Lý Phục Man và qua các triều vua đã phong tặng cho Lý Phục Man đến hơn năm chục tên gọi (mỹ tự) mà hoàn toàn không gọi là Đô Hồ Đại vương hoặc Long Biên hầu như của Phạm Tu.
-Toàn bộ tác phẩm gần 200 trang, không thấy GS. Nguyễn Văn Huyên nêu tên tướng quân Phạm Tu và hoàn toàn cũng không nêu việc đồng nhất Lý Phục Man với bất cứ một nhân vật lịch sử nào ở thời Lý Nam Đế.
-Về phu nhân của Lý Phục Man là công chúa Phương Dung, theo tác giả thì đây là “mong muốn” của người dân.
Từ các tư liệu mà GS. Nguyễn Văn Huyên dày công nghiên cứu, chợt nghĩ: Không biết có phải Lý Phục Man chỉ là vị thần hoàn toàn không phải là nhân vật lịch sử? Để sức mạnh tinh thần ấy có chỗ dựa vững chắc, người đời tìm một nhân vật lịch sử để đồng nhất và thế là họ đã chọn lão tướng Phạm Tu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét