Phan Huy Lê
(trích phần đầu bàn về việc đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu)
Làng chiến đấu, kết hợp giữ làng với giữ nước, cứu làng với cứu nước là một truyền thống lâu đời và phổ biến của nhân dân ta. Truyền thống đó phản ánh chủ nghĩa yêu nước sâu sắc của nhân dân, tính nhân dân rộng lớn của các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và vai trò quan trọng của cơ cấu làng xã trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Có thể nói, từ biểu tượng Thánh Dóng mang tính chất huyền thoại của buổi đầu mở nước cho đến những trang sử chống xâm lược thời chống Tần trước Công nguyên, chống Bắc thuộc kéo dài hơn nghìn năm, rồi đến chống Tông, Mông-Nguyên, chống Minh, Thanh thời trung đại; chống Pháp, Nhật chống Mỹ thời cận hiện đại; trong lịch sử Việt Nam không có cuộc kháng chiến giữ nước nào, không có cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng nào lại không có sự tham gia tích cực của nhân dân các làng xã với những làng chiến đấu oanh liệt.
Trong xã hội Việt Nam cổ truyền, thiết chế cơ bản và bền vững của xã hội là làng (công xã, nông thôn) và nước (quốc gia-dân tộc-tổ quốc), còn có các đơn vị hành chính do nhà nước đặt ra mang tính chất biến động theo các vương triều. Dưới các chế độ áp bức bóc lột giai cấp, giữ làng và nước có mặt đối lập vì làng bị nhà nước thống trị bóc lột tô thuế, lao dịch, binh dịch, nhưng lại có mặt gắn bó chặt chẽ trong những lợi ích chung của cộng đồng, nhất là trong cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên, khai hoang, đắp đê, làm thủy lợi và trong đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc. Chính trên cơ sở đó đã tạo ra thế trận làng – nước và quy định vai trò chiến lược của làng chiến đấu trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta.
Lịch sử Kẻ Giá, tức làng Cổ Sở trước đây và xã Yên Sở, Đắc Sở hiện nay (huyện Hoài Đức-Hà Nội), cung cấp cho chúng ta hình ảnh một làng chiến đấu khá tiêu biểu.
*
Kẻ Giá nằm trong một vùng tụ cư khá sớm bên bờ sông Đáy. Tại vùng này, khảo cổ học đã tìm thấy di chỉ gò Vườn Chuối thuộc giai đoạn Đồng Đậu, có niên đại các-bon phóng xạ là 370010, di chỉ Chùa Bài (Vinh Quang) lớp dưới thuộc giai đoạn Gò Mun có niên đại 3046120, và di chỉ gò Chiền Vậy (An Thượng) thuộc giai đoạn Đông Sơn có niên đại 2350100 năm cách ngày nay. Như vậy là từ trong thời đại dựng nước đầu tiên, một số xóm làng định cư đã được thành lập trên ven bờ sông Đáy, trong đó bao gồm vùng đất sau này có Kẻ Giá. Có thể coi đó là những trang sử hình thành vùng Kẻ Giá.
Vào thế kỷ VI, Kẻ Giá với tên làng Cổ Sở, hẳn đã trở thành một làng xã ổn định và được ghi vào sử sách với sự tích Lý Phục Man. Tất cả các nguồn tư liệu, từ thư tịch cổ như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt điện u linh, Đại Nam nhất thống chí,... đến thần tích, bi ký, truyền thuyết địa phương, đều xác nhận Lý Phục Man, người Cổ Sở, tham gia cuộc khởi nghĩa Lý Bí và có công lớn trong sự nghiệp chống Lương, giải phóng đất nước năm 542. Sau đó Lý Phục Man được phái vào nam, đánh tan quân giặc ở Cửu Đức (Nghệ Tĩnh) rồi trấn giữ vùng Đường Lâm (Ba Vì-Hà Nội), Đỗ Động (Thanh Oai-Hà Sơn Bình). Năm 545, nhà Lương phái quân sang xâm chiếm lại nước ta. Lý Phục Man tham gia cuộc kháng chiến chống Lương và hy sinh trong chiến đấu. Thi hài ông được đưa về bến Hồ Mã, an táng tại quê hương. Đó là khu Mả Thánh, cây cối mọc như rừng nên còn gọi là Rừng Giá hay Rừng Cấm có tiếng linh thiêng: “Rừng Giá cái lá cũng thiêng”. Nhân dân thương nhớ lập miếu thờ và suy tôn ông làm Thành hoàng làng. Năm 1016, vua Lý Thái Tổ qua bến Cổ Sở, đã sai lập đền và đắp tượng Lý Phục Man. Từ đó, các triều vua đều có sắc phong và hàng năm, vào ngày 10 tháng 3, tương truyền là ngày sinh của Thánh Giá, nhân dân lại mở hội nhằm tưởng niệm và nêu cao công lao, sự nghiệp người anh hùng.
Lễ “Niêm quân” trong hộ Giá còn cho thấy, không chỉ có Lý Phục Man tham gia cuộc khởi nghĩa Lý Bí, mà đông đảo nhân dân làng Giá đã vùng dậy cùng với người anh hùng của quê hương, góp phần tạo nên thắng lợi của sự nghiệp cứu nước. Trong lễ “Niêm quân”, mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi kể cả gái trai, tiêu biểu cho toàn dân Kẻ Giá, đều ăn mặc nai nịt gọn gàng, xếp thành đội hình hàng một, đi xoáy trôn ốc rồi tập hợp lại trước sân đình. Tuổi tác của đôi dân binh tượng trưng có thể phân biệt được qua sắc phục: già áo đỏ, trẻ áo đen, tráng đinh quần trắng. Đó là một hình thức diễn xướng dân gian tả lại cảnh quần chúng đi theo người anh hùng đánh giăc cứu làng, cứu nước.
Không còn nghi ngờ gì, Lý Phục Man và nhân dân làng Giá đã tham gia và có cống hiến xuất sắc trong cuộc chiến đấu, thành lập và bảo vệ nhà nước Vạn Xuân độc lập thế kỷ VI. Theo Việt điệu u linh và những tư liệu địa phương thì Lý Nam Đế cũng đã đánh giá cao công lao của Lý Phục Man khi ban cho họ vua (họ Lý) và tước hiệu Phục Man, rồi lại gả công chúa cho ông.
Ở đây có một vấn đề đang đặt ra, cũng là điều băn khoăn mà cán bộ và nhân dân Yên Sở hiện nay mong được sự quan tâm, xác minh của các nhà khoa học. Đó là mối quan hệ giữa Lý Phục Man và Phạm Tu: là một hay hai người và quan hệ với nhau như thế nào?
Các công trình nghiên cứu về Lý Phục Man hay có liên quan đến nhân vật này, cho đến nay còn phản ánh những cách nhìn nhận khác nhau về vấn đề trên.
Công trình nghiên cứu khoa học công phu đầu tiên về Lý Phục Man là tác phẩm Góp phần nghiên cứu một vị Thành hoàng An Nam Lý Phục Man của Nguyễn Văn Huyên, xuất bản năm 1938. Trong tác phẩm này, tác giả không kể đến Phạm Tu trong số tướng lĩnh của Lý Nam Đế và khi dịch bài văn bia năm Bảo Thái thứ 9 (1728) ở Quán Giá viết về sự tích Lý Phục Man đánh giặc ở Cửu Đức, tác giả có một chú thích đáng lưu ý: “Đại Việt sử ký toàn thư không ghi tên Lý Phục Man, mà lại chép chiến công...ở Cửu Đức cho một tướng An Nam tên là Phạm Tu” (1). Tác giả ngờ Lý Phục Man là Phạm Tu, nhưng không khẳng định rõ ràng.
Ý kiến của Nguyễn Văn Huyên đã được một số tác giả gần đây khẳng định. Trong tài liệu Đình Yên Sở của Ty văn hóa-thông tin Hà Tây viết năm 1968 và bài Phạm Tu và nhà nước Vạn Xuân của Đàm Hưng đăng trên báo Hà Nội mới ngày 11-9-1983, tác giả cho rằng Lý Phục Man tên là Phạm Tu.
Trong khi đó Nguyễn Khắc Đạm trong bài viết Lý Phục Man, người con quang vinh của làng Giá, vẫn còn dè dặt, chỉ nêu lên nghi vấn về Lý Phục Man và Phạm Tu mà không kết luận(2).
Nhưng một số nhà nghiên cứu khác thì cho rằng Lý Phục Man và Phạm Tu là hai nhân vật khác nhau: Lý Phục Man quê ở Yên Sở (Hoài Đức-Hà Nội), Phạm Tu quê ở Thanh Liệt (Thanh Trì-Hà Nội). Đó là ý kiến của Chí Kiên trong Danh nhân Hà Nội và Trần Quốc Vượng trong Hà Nội nghìn xưa(3). Gần đây, Nguyễn Khắc Đạm cũng chuyển sang ý kiến này(4).
Như vậy là đã hình thành ba quan niệm khác nhau về mối quan hệ giữa Lý Phục Man và Phạm Tu: - là một người, - là hai người, - hoài nghi chưa kết luận.
Quả thật sử sách ghi chép không rõ ràng và những tư liệu thu thập được cho đến nay đều có thể khai thác, theo những góc độ khác nhau để chứng minh cho những quan điểm trái nhau.
Gần đây, tôi có về khảo sát cả hai vùng Yên Sở, Thanh Liệt và thu thập, đối chiếu những tư liệu đã được phát hiện về Lý Phục Man và Phạm Tu. Tôi cũng băn khoăn và thấy chưa thể kết luận một cách vội vàng.
Theo một số tư liệu nào đó thì hình như Lý Phục Man và Phạm Tu là một người. Có thể nêu lên những căn cứ sau đây để chứng minh cho một lập luận như vậy:
1) Đại Việt sử ký toàn thư khi viết về khởi nghĩa Lý Bí, không chép Lý Phục Man(5) mà chỉ chép Phạm Tu với chiến công đánh tan quân giặc ở Cửu Đức năm Quý Hợi (543), mùa hạ, tháng tư, khi quận Nhật Nam, bị cướp phá(6). Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ và Đại Việt sử ký tiền biên đời Tây Sơn cũng chép như vậy. Nhưng theo Việt điện u linh cũng như văn bia năm Bảo Thái thứ 9 (1728) ở Quán Giá và truyền thuyết phổ biến ở vùng Sấu Giá thì chiến công đó lại thuộc về Lý Phục Man. Việt điện u linh chép sự kiện này khá cụ thể, khi có giặc “...vào cướp quận Cửu Đức. Được tin cấp báo, triều đình họp bàn việc đi đánh, các quan đều nói: Tất phải Đỗ Động tướng quân mới dẹp được giặc này. Vua bèn cử đại vương đốc suất các tướng đem binh vào nam... Tin thắng trận báo về kinh đô, vua khen ngợi hồi lâu, bảo các rằng: Tre già mới biết dao sắc, có gặp lúc gian nguy mới biết người tài giỏi. Nay Đỗ Động tướng quân bắn vài phát tên mà phá tan quân giặc giữ, thật là một người đất Sơn Tây, dẫu bậc danh tướng đời xưa cũng không hơn được, cần phải trọng thưởng”(7).
So sánh hai tư liệu thì Lý Phục Man phải là Phạm Tu và phù hợp với truyền thuyết vùng Kẻ Giá nói rằng, Phạm Tu được vua ban cho họ Lý, tước hiệu Phục Man nên gọi là Lý Phục Man.
2) Theo Đại Việt sử ký toàn thư, “mùa xuân năm 544, Lý Bí lên ngôi hoàng đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, lấy Triệu Túc làm thái phó, Tinh Thiều, Phạm Tu đều làm tướng văn, tướng võ”(8). Triệu Túc với chức thái phó giữ cương vị gần như tể tướng, và Tinh Thiều đứng đầu hàng quan văn, Phạm Tu đứng đầu hàng quan võ. Việt điện u linh lại chép Lý Phục Man được thăng chức thái úy đứng đầu các quan. Văn bia năm Bảo Thái thứ 9 và Đại Nam nhất thống chí chép Lý Phục Man được thăng chức thiếu úy(9), nhưng văn bia cũng ghi rõ: “tham nghị mạc phủ, đứng đầu trăn quan”.
Theo quan chế xưa thì các chức tam thái, tam thiếu là cao nhất, trong đó chức thái úy, thiếu úy là chức võ quan đứng đầu hàng quan võ. Một lần nữa, chức vụ và cương vị của Lý Phục Man và Phạm Tu trong triều đình Vạn Xuân làm cho người ta ngờ rằng hai người chỉ là một.
Căn cứ chính để cho rằng Phạm Tu và Lý Phục Man là hai người, là những tư liệu về quê quán Phạm Tu, ở Thanh Liệt (Thanh Trì-Hà Nội). Xã Thanh Liệt xưa là Quang Liệt, có tên nôm là làng Quang nổi tiếng “vải Quang, húng Láng”. Tại đây, còn đền thờ Phạm Tu ở thôn Trung nhìn ra đầm Tròn (Thanh Đàm) và đầm Nguộc (Ngọc Đàm), mà theo các cụ già địa phương xưa kia là một đầm lớn. Trong đền còn giữ được 13 đạo sắc từ năm Cảnh Hưng thứ 1 (1740) đến năm Khải Định thứ 9 (1924), một bản thần tích, một bức tranh Phạm Tu và hai câu đối ca ngợi sự nghiệp chống Lương của Phạm Tu.
Bức tranh do cụ Nhiêu Cỏn ở Linh Đường vẽ lại trên giấy tây trong thời gian gần đây và hiện nay tác giả còn sống. Hiện vật có giá trị hơn là bức tranh lụa đã rách nát, bị vò nhét vào một hộp gỗ đặt trên bàn thờ. Đó là bức tranh “Đô Hồ đại vương thần tượng” tức Phạm Tu và các tướng lĩnh của ông.
Bản thần tích thì rất sơ lược và sao chép không cẩn thận, có chữ để trống hay bỏ sót. Theo các cụ già địa phương, thần tích cũ bị mất và các cụ mới sao lại thần tích này ở đền Hùng (?) vào năm Bảo Đại thứ 9 (1934). Theo thần tích, Phạm Tu hay Phạm Đô Tu, con ông Phạm Thiều và bà Lý Thị Trạch, sinh ngày 12 (10?) năm Bính Thìn (21-4-476). Năm Tân Dậu (541), Phạm Tu theo Lý Bí khởi nghĩa chống quân Lương, rồi được phong làm tướng võ. Năm Ất Sửu (545), Phạm Tu tham dự cuộc kháng chiến chống quân Trần Bá Tiên và bị tử trận ngày 20 tháng 7 (20-8-545), được phong Long Biên hầu, thụy là Đô Hồ.
Một đôi câu đối và truyền thuyết dân gian làng Quang nói Phạm Tu vốn người thôn Văn, cùng quê với Chu Văn An đời Trần. Người ta nói ở thôn Văn còn có dòng họ Phạm và một tấm bia ghi về Phạm Tu. Nhưng kết quả khảo sát tại thôn Văn cho thấy ở đây có dòng họ Phạm và một bia hậu, nhưng không liên quan gì đến Phạm Tu. Bia hậu mới dựng năm Giáp Ngọ, niên hiệu Thành Thái (có lẽ là Giáp Thìn, năm 1904), chép về ông tổ của dòng họ này là Phạm Tế, từ Thanh Hóa ra đây được 5 đời, nghĩa là khoảng cuối thế kỷ XVIII hay đầu thế kỷ XIX. Khách quan mà xét, dấu tích của Phạm Tu ở Thanh Liệt không được rõ ràng lắm. Không ai nghi ngờ làng Quang thờ Phạm Tu làm thành hoàng, nhưng chưa có cứ liệu gì đáng tin cậy chứng tỏ Phạm Tu quê ở làng này.
Trong khi đó, dấu tích của Lý Phục Man ở làng Giá lại rất rõ nét. Ở đây, ngoài đình quán với đồ thờ, câu đối, truyền thuyết dân gian, hội Giá hàng năm nổi tiếng khắp vùng, còn có 5 tấm bia ở quán Giá với những niên hiệu Vĩnh Tộ (1616-1628), Cảnh Trị năm thứ 1 (1663), Bảo Thái năm thứ 9 (1728), Gia Long năm thứ 2 (1803) và Tự Đức năm thứ 7 (1854), một số tư liệu văn tự và nhiều di tích về quê quán, mồ mả của Lý Phục Man.
Theo những tư liệu địa phương này, Lý Phục Man vốn tên thật là Phạm Tu, cha là Phạm Tôn, người xóm Lã Xá (sau đổi là Lã Cầu) thuộc giáp Quả Tây (sau đổi là Cảo Tây). Tại đây còn di tích chùa Lựa, thực ra là một miếu thờ nhỏ dựng trên mô đất khoảng nửa sào, có ao hình yên ngựa bao bọc ba mặt. Ngoài miếu có chữ “Thử địa linh” và bên trong có chữ “Tối linh từ”. Tương truyền ngôi miếu được dựng trên nền nhà cũ của Phạm Tu. Ở làng Giá, kể cả Yên Sở và Đắc Sở, hiện nay không còn họ Phạm, nhưng theo danh sách 14 giáp được ghi trong bia Cảnh Trị năm thứ 1 thì lúc đó giáp Quả Tây có họ Phạm.
Bằng phương pháp so sánh, đối chiếu, các tư liệu trên có thể cho phép nghĩ rằng: Lý Phục Man và Phạm Tu là một người. Nhưng tôi chưa coi đó là một kết luận khoa học vì quả thực tư liệu còn có chỗ mơ hồ và chưa xác minh được chắc chắn. Ví dụ:
Về cái chết của Lý Phục Man và Phạm Tu, chính sử không chép, trong lúc các thần tích và tư liệu dân gian phản ánh khác nhau. Thần tích làng Thanh Liệt chép Phạm Tu hy sinh trong trận đánh quân lương ở cửa sông Tô Lịch ngày 20 tháng 7 năm Ất Sửu (545). Truyền thuyết làng Giá và nhiều nơi thờ Lý Phục Man cũng phản ánh cái chết của Lý Phục Man như vậy. Nhưng theo Việt điện u linh thì Lý Phục Man lại hy sinh vào năm Đinh Mão (547) khi Lý Nam Đế rút vào động Khuất Lão.
Đặc biệt, Thiên Nam ngữ lục là một bộ sử ca dân gian thế kỷ XVII lại ghi chép rất rõ Lý Phục Man và Phạm Tu là hai người đều chết vào năm 548. Theo tài liệu này thì Lý Phục Man cùng Tinh Thiều, Phạm Tu là những tướng giỏi của Lý Nam Đế:
“Mưu trong thì cậy Tinh Thiều,
Lầu thông kế nhiệm hơn mười dặm xa.
Địch thời Phục Man, Phạm Tu:
Trận phá nháy mắt thành đồ phản tay”
Cũng theo Thiên Nam ngữ lục thì Phạm Tu đã phá tan quân giặc rồi sau đó, Lý Bí cử Lý Phục Man vào trấn ải biên thùy phương nam, chứ không phải trấn giữ vùng Đường Lâm, Đỗ Động. Khi quân Trần Bá Tiên kéo sang xâm lược lại nước Vạn Xuân thì Lý Nam Đế cùng Tinh Thiều, Phạm Tu chỉ huy nghĩa quân đương đầu với quân địch và sau trận hồ Điển Triệt, Tinh Thiều hy sinh, Lý Nam Đế và Phạm Tu rút lên động Khuất Lão rồi tự vẫn. Lý Phục Man lúc đó đang trấn thủ phương nam và cũng đã hy sinh trong một trận đánh với quân giặc.
Gần đây (10), Nguyễn Bá Hân trong Ban sử xã Yên Sở đã tìm thấy ở Dương Liễu hai quyển sách Hán Nôm sưu tập những sự tích, sắc phong và truyền thuyết về Lý Phục Man, cuối sách chép Tiền Lý Nam Đế quốc âm gồm 206 câu lục bát. Đối chiếu với Thiêm Nam ngữ lục thì theo tôi, đây có thể là một dị bản của Thiên Nam ngữ lục do một tác giả nào đó đầu thời Nguyễn chép lại và có sửa chữa ít nhiều. Chính tác giả quyển sách cũng nêu lên ghi vấn về mối quan hệ giữa Lý Phục Man và Phạm Tu.
Để tiến tới giải quyết một cách khoa học vấn đề đặt ra, chúng ta không hy vọng tìm thêm tư liệu trong chính sử, nhưng chắc chắn có thể phát hiện và thu thập được nhiều nguồn tư liệu mới ở những làng thờ Lý Bí và các tướng của ông, nhất là những làng thờ Lý Phục Man và Phạm Tu.
Nguyễn Văn Huyên trong công trình nghiên cứu về Lý Phục Man, đã cho biết, theo Nam Việt thần kỳ hội lục, Lý Bí được thờ trong 20 làng, Triệu Quang Phục được thờ trong 25 làng (và 4 làng ở Ninh Bình không chép trong Nam Việt thần kỳ hội lục). Lý Phật Tử được thờ trong 16 làng. Nhã Lang được thờ trong 9 làng và Trương Hống, Trương Hát được thờ trong nhiều làng dọc theo sông Cầu. Riêng Lý Phục Man, tác giả đã thống kê được 20 làng thờ, trong đó có 19 làng được chép trong Nam Việt thần kỳ hội lục. Theo truyền thuyết vùng Sấu Giá thì Lý Phục Man được thờ trong 75 làng thuộc Bắc Bộ và bắc Trung Bộ. Mấy tháng gần đây, tôi được biết, Nguyễn Bá Hân đã đi khảo sát 20 làng trong 6 huyện và đã tìm ra một số làng thờ Lý Phục Man chưa có trong danh sách của Nguyễn Văn Huyên và đã phát hiện ra một số tư liệu mới. Những tư liệu này gồm bi ký, thần tích, truyền thuyết và một ít tài liệu văn tự, tuy rất hỗn tạp nhưng nếu biết phân tích, gạn lọc thì có thể bổ sung sự nghiệp của Lý Phục Man và giải quyết mối quan hệ với Phạm Tu. Tôi hy vọng rằng, những cuộc điều tra khảo sát như thế sẽ sưu tầm thêm tư liệu, làm sáng tỏ hơn nữa những vấn đề đang tồn tại xung quanh nhân vật anh hùng Phạm Tu-Lý Phục Man.
Dù có những khía cạnh cần tiếp tục xác minh nhưng điều cần khẳng định là trong cuộc khởi nghĩa Lý Bí thành lập nước Vạn Xuân cũng như trong cuộc chiến đấu bảo vệ chính quyền độc lập non trẻ, nhân dân Kẻ Giá cùng người anh hùng Lý Phục Man của mình đã có những cống hiến quang vinh đáng tự hào.
...
(1) Nguyễn Văn Huyên, Contribution à I'estude d'un gesnie tétulaire annamite Ly Phuc Man, BEFEO, T. XXXVIII, 1938, tr. 25.
(2) Danh nhân quê hương, T. III, Hà Sơn Bình, 1976, tr. 10-14
(3) Danh nhân Hà Nội, T. I, Hà Nội, 1973, tr. 24-27; Hà Nội nghìn xưa, Hà Nội, 1975, tr. 110-114.
(4) Nguyễn Khắc Đạm, Lý Phục Man có phải là Phạm Tu hay không? TC Nghiên cứu lịch sử số 6 (5-6-1983), tr. 70-72.
(5) Khi chép về Kỷ nhà Lý, Toàn thư mới chép việc Lý Thái Tổ đến bến Cổ Sở và sai lập đền, đắp tượng Lý Phục Man cùng sự tích đánh giặc Mông-Nguyên của dân làng.
(6) Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, Q4, 15b.
(7) Việt điện u linh, Nxb Văn học, Hà Nội, 1972, tr. 75.
(8) Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, Q4, 15b.
(9) Đại Nam nhất thống chí,T. 4, Nxb khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, tr. 226.
(10) Tác giả viết xong bài này vào ngày 25-12-1983 (Chú thích của Ban Biên Tập)
Địa chỉ các blog Họ Phạm của Tháp Bút
11 năm trước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét