Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

SỰ TÍCH VỀ LÝ PHỤC MAN NHỮNG ĐIỀU KHÓ ĐỨNG VỮNG TRONG CUỘC SỐNG VÀ TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC

Ngày 04. 10. 2009
Vị thần Lý Phục Man của làng Cổ Sở xuất hiện trong giấc mộng của Lý Thái Tổ vào năm 1016, theo tư liệu ở Quán Giá thì Lý Phục Man mất năm 548 ở động Khuất Liêu. Như vậy sau 468 năm tính từ ngày mất, Lý tướng công mới xuất hiện và xưng là thần người Cổ Sở vốn quản vùng Đỗ Động, Đường Lâm khi chết vẫn cai quản vùng này. Căn cứ vào nội dung trong Toàn thư có thể thấy trong dân gian bấy giờ không có thông tin về lúc sinh thời của vị thần, nếu không đã có ghi rõ hơn về Lý Phục Man như việc vua quan bấy giờ sẽ hỏi người địa phương và lưu lại thông tin về Lý tướng công có căn cứ hơn. Qua giấc mộng của vua cho thấy chỉ có thông tin về thần:
- Người làng Cổ Sở
- Họ Lý, tên là Phục Man
- Là võ tướng của Lý Nam Đế quản vùng Đỗ Động, Đường Lâm
Chỉ có thông tin ngắn gọn như vậy, dựa theo thời kỳ lịch sử lập nước Vạn Xuân người đời sau bổ sung thông tin cho phù hợp để có sự tích về thần Cổ Sở.
Ngày nay thông tin về thần Lý Phục Man thật dồi dào, đáng nể. Người viết blog NLG đã công phu thu thập thông tin xưa đến nay để tôn vinh thần Lý Phục Man, đặc biệt ông còn cho là Lý Phục Man chính là nhân vật lịch sử Phạm Tu đứng đầu ban Võ nhà nước Vạn Xuân. Nay xin trình bày những vấn đề chưa phù hợp trong tư liệu về “Sự tích Tướng công Lý Phục Man”: (xem tr. 13)
1. Đánh trận cờ lá chuối
Sự tích lưu ở Quán Giá: “Bằng cờ chuối bông lau, cậu cùng các bạn nhỏ trong xóm chia thành quân ta quân địch dàn trận để dành thắng bại.”
NLG: “Chàng thiếu niên nghèo nhưng đã có sức khỏe hơn người, ngày ngày đi chăn trâu cắt cỏ, thường cùng chúng bạn chia quân đánh trận, lấy tàu lá chuối làm cờ.”

Những người yêu lịch sử Việt Nam, ai cũng biết về câu chuyện trẻ tập trận dùng cờ bông lau, chuyện viết để tôn vinh chí lớn của Đinh Bộ Lĩnh ngay từ khi còn nhỏ. Lau sậy cũng cho ta nhớ đến quân của Triệu Quang Phục ở đầm Dạ Trạch ở ngay sau thời Lý Nam Đế. Thế kỷ 19 còn có khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật.
Nhưng phải xét nếu dùng bông lau làm cờ trong khi tập trận sẽ ra sao?
Khi trẻ tập trận sẽ là hoạt động sôi nổi có khi giục đàn trâu phi, có khi nhảy xuống đất chạy xông xáo giữa gò bãi cây cối. Để tạo hoạt động hùng dũng nhanh nhẹn. Khi đó bông lau sẽ không xòe như cây phất trần bình thường, bông lau sẽ như hình ngọn cờ trước gió mạnh. Thật dũng mãnh và khí thế với vài chục đứa trẻ tay thì cầm bông lau giơ cao như cờ, tay thì cầm roi gậy như gươm đao. Cành lau tròn cứng chắc ít bị gãy khi bọn trẻ “xung trận”.
Nếu dùng “tàu lá chuối làm cờ”, chúng ta nhận thấy phần cán cờ lá chuối vốn rất ngắn, sống tàu lá thon nhỏ dần về ngọn; sống lá không tròn đều cứng chắc mà là các khoang hộp rỗng rất dễ gẫy gập; lá thì hai cánh rộng và dài rất dễ rách. Tàu lá chuối chặt ra không thể để thế làm cờ luôn được. Rọc bỏ một bên lá, rọc bớt quá nửa cho thành cán và lá cờ. Nhưng khi trẻ xung trận thì có lẽ phải cầm hai tay và phải gượng nhẹ cho cuống lá khỏi gãy. Nhưng phần lá trên cuống thì chẳng thể tạo được khí thế lá cờ trước gió khi xung trận. Ngoài ra có thể dùng tay không bẻ cành lau rất mau lẹ, còn lấy lá chuối bằng tay không thì chỉ được những mảnh lá không thể có cuống nguyên vẹn.
2. Sự tích lưu ở Quán Giá: “Vốn có sức khỏe và lòng dũng cảm, chàng trai họ Phạm đã thuần hóa được hàng chục voi rừng, biến chúng thành đội quân để sau ra trận.”
Đây là thông tin khá mới về “đội tượng binh” thời Tiền Lý. Chúng ta cũng nhận thấy thời đó Lý Nam Đế và cả quân Lương cũng dùng thủy binh là chính. Nếu phát hiện có đội tượng binh thì cần bổ sung thông tin cho những trang sử về nhà nước Vạn Xuân. Chúng ta thấy câu ghi trong Sự tích cũ: “Thưở nhỏ, Đại Vương phong tư hơn người, tài nghệ xuất chúng, nhất là cỡi ngựa bắn cung lại là sở trường, rất có uy đức, sức mạnh voi cũng chịu thua;” (xem tr. 57) ví sức của Lý Phục Man mạnh hơn sức voi là phù hợp.
3. Sự tích lưu ở Quán Giá: “Đặc biệt trong trận đánh quân Lâm Ấp (tức Chiêm Thành) khi chúng vào xâm lấn Cửu Đức mùa thu năm Quý Hợi (543).”
Trong khi đó Toàn thư ghi việc Phạm Tu đánh quân Lâm Ấp:
“Quý Hợi, năm thứ 3 (543), mùa hạ, tháng Tư, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua (Lý Nam Đế) sai tướng là Phạm Tu đánh tan ở quận Cửu Đức.
Sai khác thời gian quá xa với chính sử về một sự kiện: mùa hạ, tháng 4 cách mùa thu ít nhất là 3 tháng. Như vậy mùa thu cũng là khi Phạm Tu đã thu quân về, có phải lúc đó Lý Bí cử Lý Phục Man ở phương Nam để “trấn thủ cõi xa” như trong “Thiên Nam ngữ lục”?
4. Sự tích lưu ở Quán Giá: “Biết ta còn phải lo bao việc trong dựng nước, bọn vua quan Lâm Ấp đã thừa cơ vào xâm lấn bờ cõi phía Nam. Tin cấp báo về đến Lý Bôn và các bạn chiến đấu của ông. Mọi người đều nói: “Với kẻ thù hung hãn như vậy phi Đỗ Động tướng quân không ai có thể đương đầu với giặc này”. Tin vào khả năng xuất chúng của người tướng trẻ, Lý Bôn đã nghe theo lời bàn cử tướng Phạm Tu vào Nam dẹp giặc.”
Cần lưu ý Lý Bí đã từng làm quan ở Cửu Đức, ông biết địch biết ta. Khó có cuộc “triều hội” tập hợp trăm quan để mọi người cho ý kiến. Có thể Lý Bí là người quyết định mau lẹ, cấp tốc cử Phạm Tu đem quân vào Cửu Đức.
5. Sự tích lưu ở Quán Giá: «Nghe tin thắng trận báo về Lý Bôn đã hết lời khen ngợi. Ông nói: “Tre già mới biết dao sắc, có gặp lúc nguy nan mới biết người tài giỏi. Nay Đỗ Động tướng quân bắn vài tên mà phá tan quân giặc dữ, thật là một hào kiệt đất Sơn Tây, dẫu bậc danh tướng đời xưa cũng không hơn được, cần phải trọng thưởng”.»
Qua câu nói của Lý Bí, xem ra lúc đó mới biết tài của Lý Phục Man. Nhưng quân Lâm Ấp đâu có quá mạnh để Lý Bí ca tụng như vậy. Hơn nữa địa danh “Sơn Tây” lại dùng quá sớm (tên gọi thời Lê nên sớm đến nghìn năm), không lấy “Đỗ Động, Đường Lâm” cho hợp thời cuộc hơn. Vừa mới gọi Lý Phục Man là “Đỗ Động tướng quân”.
6. Sự tích lưu ở Quán Giá: “Là người có nhiều công lớn phò mã Phạm Tu được vua phong cho chức Thái Úy đứng đầu ban võ.”
Có phải Lý Bí phong cho Lý Phục Man là Thái Úy? Trong chính sử, đến thời Lê Đại Hành mới thấy Phạm Cự Lượng (944-?) được phong Thái Úy năm 986!
7. Sự tích lưu ở Quán Giá: “Đầu năm Ất Sửu (545), bọn phong kiến nhà Lương lại sai Trần Bá Tiên mang quân sang hòng đặt ách đô hộ nước ta một lần nữa. Trận thử sức đầu tiên với đội quân xâm lược ở thành Chu Diên (Hải Hưng), quân ta bị thua. Biết chưa đủ sức triều đình nhà Lý đành phải lui quân về sông Tô Lịch xây đắp thành lũy (Hà Nội) để giữ thế thủ. Để bảo toàn lực lượng đánh địch lâu dài, vua Lý bèn cử Phục Man tướng công Phạm Tu ở lại giữ thành. Còn nhà vua đem triều đình về Khuất Liêu.
Chỉ qua mấy tháng, mùa thu năm Ất Sửu (545) tướng giặc Trần Bá Tiên lại đem quân đến vây đánh thành Tô Lịch. Trong một trận giao tranh với Trần Bá Tiên, tướng công đã anh dũng hy sinh tại trận tiền. Hai tùy tướng họ Trương đã mang được thi hài về quê an táng tại khu Hồ Mã.”
Đoạn trích trên viết không theo dòng chảy lịch sử mà chỉ viết những điểm mốc lịch sử gây nên sai sót về lịch sử:
Toàn thư ghi: “Ất Sửu, [Thiên Đức] năm thứ 2 [545], (Lương Đại Đồng năm thứ 11). Mùa hạ, tháng 6, nhà Lương cho Dương Thiêu làm Thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên làm Tư mã, đem quân sang xâm, sai Thứ sử Định Châu là Tiêu Bột hội với bọn Thiêu ở Giang Tây”
Mùa hè, tháng sáu năm Ất Sửu (545), Lý Bí cầm quân cự giặc ở Chu Diên bị thua. Quân ta rút thì Trần Bá Tiên đuổi theo ngay. Chống giặc quyết liệt ở chiến thành sông Tô được chừng một tháng: ngày 20 tháng 7 tướng quân Phạm Tu hy sinh. Như vậy có thể đã cầm cự với giặc khoảng từ 1-2 tháng ở cửa sông Tô.
Có thể việc đắp thành cửa sông Tô là một kế hoạch phòng thủ đã được chuẩn bị trước. Thấy rõ thế giặc khi đem quân chống giặc ở Chu Diên, Lý Bí đốc thúc về kinh hoàn thành phòng tuyến quan trọng ở cửa sông Tô. Ngay mùa hè 545, quân ta vừa thua ở Chu Diên, giặc đã dồn toàn sức hướng về kinh đô Vạn Xuân tấn công đến thành cửa sông Tô do Phạm Tu chỉ huy. Giặc đã bị chặn lại, Lý Bí đưa bộ máy chính quyền non trẻ rút về vùng trung du củng cố lực lượng.
Theo Sự tích: “đầu năm… sai Trần Bá Tiên mang quân sang” dễ hiểu lầm là Lý Bí chống giặc từ đầu năm vì có nối tiếp ở đoạn ngay sau “chỉ qua mấy tháng, mùa thu”. Không lẽ để Lý Bí rút, cho đắp thành cửa sông Tô Lịch xong, đợi đến mùa thu, Trần Bá Tiên mới kéo quân đến đánh? Trong phép dùng binh, không ai làm vậy!
Rồi Sự tích đã bỏ qua mất việc Lý Bí chống giặc ở Gia Ninh, tập hợp quân ở hồ Điển Triệt. Không thể viết ngay thế này được “... Phạm Tu ở lại giữ thành. Còn nhà vua đem triều đình về Khuất Liêu.”
Về cái chết của Lý Phục Man ở thành cửa sông Tô Lịch là bổ sung quá mới, không có ghi trong bất kỳ một sự tích nào về Lý Phục Man đã lưu truyền trước đây. Không có trong văn bia, trong các câu đối ở Quán Giá. Đó chính là những thông tin về Phạm Tu người Thanh Liệt được bổ sung vào cho Sự tích mới này.
8. Sự tích lưu ở Quán Giá: “Kể từ khi đất nước dành được quyền tự chủ, các vương triều xưa như Tiền Lê, Hậu Lý, Hậu Lê, Mạc, Lê Trung Hưng, Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn đã phong tặng tới 60 đạo sắc gồm gần 300 chữ đẹp. Đó chính là sự đánh giá của lịch sử và nhân dân về công lao sự nghiệp của tướng công vậy.”
Toàn thư có ghi việc: Năm 1016, Lý Thái Tổ mới cho xây đền, đắp tượng Lý Phục Man. Không rõ trước đó nhà Tiền Lê sắc phong cho thần như thế nào khi mà trước khi gặp Lý Thái Tổ, Thần vẫn còn ẩn danh? Trong Sự tích còn khẳng định có 74 nơi thờ Lý Phục Man, nhưng trước đó chưa vượt con số 72, như vậy đã có bổ sung thêm Đình Ngoại (Thanh Trì) và Đình Than (Quốc Oai) thờ Phạm Tu, những ông thủ từ trông coi hai đình này đều khẳng định tư liệu ở đó không có căn cứ cho rằng Phạm Tu là Lý Phục Man.
Tóm lại: Viết sự tích về một nhân vật lịch sử cần đúng với lịch sử thời đó và phù hợp với cuộc sống đời thường, việc hư cấu trong Sự tích đã mất tác dụng tôn vinh vị thần Lý Phục Man. Càng cố gắng hư cấu càng làm cho nhân vật chính trong Sự tích không thể là một nhân vật lịch sử, lại càng không thể lấy đó làm sử liệu để đồng nhất với Phạm Tu. Cần lược bớt những điều không phù hợp, bằng không vị thần ấy không phải là nhân thần. Bản thân việc Thần kể công đánh giặc như trong Việt điện u linh tập cho thấy việc hư cấu đã không vượt lên đời thường khác hẳn với vị Đô Hồ Đại vương mà ông thủ từ ở Đình Ngoại nhận xét khi tổng kết từ các hoạt động tâm linh liên quan: “Ngài không bao giờ kể công”. Từ Sự tích cho thấy tướng quân Lý Phục Man phần nhiều vẫn sống trong tưởng tượng từ thời Lý Thái Tổ đến nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét