Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

ĐỀN AN SỞ

Trần Kiêm Đạt
Ngôi đền nầy còn được gọi là đền Quán Giá, ở bến đò Cổ Sở (tên nôm là Bến Giá) xã An Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Ngôi đền nầy ngày trước thờ bộ tướng của vua Lý Nam Đế là Gia Thông Đại Vương Lý Phục Man và những cận tướng; về sau lại còn thờ Quan Công và Thiên Tiên Thánh Mẫu theo những truyền thuyết Trung Hoa và dân gian.
Bấy giờ quân Lâm Ấp thường đem quân sang cướp phá vùng biên thùy gây tai hại cho dân làng trong nhiều địa phương khác nhau... Tướng Lý Phục Man được lệnh đem quân đánh dẹp đem lại thanh bình cho dân chúng. Vua Lý Nam Đế tưởng thưởng rất hậu, đồng thời gả công chúa Nam Hoa cho, ban cho họ Lý, tên tự là Phục Man, thăng chức Thái Úy, đứng đầu trăm quan trong triều đình.
Sau nhà Lương sai Trần Bá Tiên đem đại quân sang xâm lăng nước ta, quân ta thua trận thủy chiến tại khu vực gần hồ Điển Triết (năm 546), vua Lý Nam Đế phải lánh vào động Khất Lạo rồi băng hà tại đó. Lý Phục Man thiếu lương thực, nên phải tự sát để khỏi rơi vào tay địch. Thi hài của ông được đưa về mai táng ở bến Hồ Mã gần bờ sông.
Năm Bính Thìn, niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 (1016) vua Lý Thái Tổ nhân đi xem địa thế núi sông, đến bến đò An Sở, tìm hỏi được sự tích, bèn phong ông làm Phúc Thần của vùng nầy. Tương truyền đêm trước nhà vua chiêm bao thấy có dị nhân đến lạy, rồi kể lại lịch của mình; trước khi lui ra có đọc một bài thơ:

Thiên hạ tao mông một,
Trung thần nặc tính danh.
Trung thiên minh nhật nguyệt,
Thục bất kiến kỳ hình.

Nghĩa là:
Thiên hạ khi mờ tối,
Trung thần giấu tính danh.
Giữa trời nhật nguyệt sáng,
Ai chẳng thấy dáng hình.

Khi đó có quan Ngự sử đại phu Lương Nhậm Vân sau khi được xem bài thơ đã tâu: -Ngụ ý của cổ nhân trung thần nầy là muốn được thờ phượng.
Nhà vua nghe theo, bèn cho dựng đền thờ và đắp tượng đúng theo hình dáng mà mình cảm nhận được trong giấc mơ. Trùng Hưng thứ I (1285) vua Trần Nhân Tông sắc phong thần là Chung An Đại Vương. Trong đền thờ nầy còn lưu lại tấm bia của quan Lễ Bộ Hữu Tham Tri Nguyễn Tuấn Ngạn soạn ghi việc trùng tu ngôi đền năm Cảnh Trị (1663).
Nguồn tin: http://vn.myblog.yahoo.com/kienthuc-vanhoa/
Giáo Sư Trần Kiêm Đạt: Thành viên Société Des Etudes Indochinoises (SEI); Thành viên Bulletin Des Amis du Vieux Hué (BAVH); Giáo sư Đại học Đông phương (California); Giáo sư thỉnh giảng University of California-Irvine. Hiện cư ngụ tại: San Gabriel, CA.
___________
Ghi chú: Đây là thông tin từ GS. sống ở nước ngoài, chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu của các nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài đồng nhất hai nhân vật lịch sử thời Tiền Lý này. Nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường cũng cho Lý Phục Man chỉ là vị thần sông Đáy.
Với nhà nghiên cứu người Mỹ rất am hiểu lịch sử Việt Nam là GS. Keith Weller Taylor: Khi đọc bài dịch từ luận án tiến sỹ của GS. Keith Weller Taylor, mừng vì ông dẫn ra tài liệu cổ về Lý Phục Man. Nhưng khi có bản tiếng Anh "The Birth of Vietnam", mới hiểu ông đã dùng thông tin từ "Việt điện u linh" và viết:
“Ông (Phục Man) phụ tá vị vua ở phương Nam này với tư cách là một đại tướng quân và nổi tiếng là một người trung thành và dũng cảm. Ông được giao phó cai quản hai vùng thung lũng Đỗ Động và Đường Lâm; bọn Lao [man di] rất sợ ông và không dám gây rối, ông đã giữ được thái bình trong khắp vùng”.
Trong luận án của mình hoàn thành năm 1976, nhà sử học nước ngoài này cũng phân biệt rõ hai nhân vật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét