Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

LÃO TƯỚNG PHẠM TU

Lê Văn Lan
Những phát hiện sử học mới đây của Giáo sư Lê Văn Lan và Giáo sư Shiro Momoki (Đại học Osaka-Nhật Bản) cho biết, ông sinh năm 476 tại xã Thanh Liệt huyện Thanh Trì Hà Nội và mất tại cửa sông Tô Lịch (Hà Nội) năm 545 sau Công nguyên.
“Trong lịch sử nước ta, ông là vị tướng quân đầu tiên của một triều đình có tổ chức”-đó là lời nhận định về Phạm Tu trong cuốn “Từ điển văn hóa Việt Nam” (Nhà xuất bản Văn hóa Hà Nội, 1993).
“Một triều đình có tổ chức” ở đây, là triều đình của nhà nước Vạn Xuân thời Lý Nam Đế, cách nay đã 15 thế kỷ! Tuy nhiên, hẳn vì thời gian quá xa nên sử liệu gốc về ông, để lại cho đến nay, thật hết sức hiếm.
Trong bộ sử cổ nhất còn sót lại được đến nay là “Đại Việt sử lược”, giữa những trang dòng nói về Lý Nam Đế và nhà nước Vạn Xuân hồi thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên không có chữ nào chép về ông.
Đến bộ chính sử “Đại Việt sử ký toàn thư”, thì cũng chỉ có hai lần xuất hiện tên ông. Trong biên niên về năm Quý Hợi (543 sau Công Nguyên), ta thấy lần đầu tiên, tên Phạm Tu được chép trong văn cảnh như sau: “Mùa hạ, tháng tư, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua (Lý Nam Đế) sai tướng là Phạm Tu đánh tan ở quận Cửu Đức”. Lần thứ hai, dưới cái tên mà bản dịch của Viện sử học (in năm 1967) viết là “Phan Tu”, ta thấy biên niên sử, năm Giáp Tý (544 sau Công nguyên), nói đến việc Phạm Tu được Lý Nam Đế cử đứng đầu hàng quan võ (cùng với Triệu Túc: thái phó, và Tinh Thiều: đứng đầu hàng quan văn) của triều đình Vạn Xuân.
Sử liệu gốc về “vị tướng quân đầu tiên của một triều đình có tổ chức” trong lịch sử rất lâu đời của nước ta, vẻn vẹn chỉ có thế.
Chính vì vậy mà việc nhận diện, nhận chân về Phạm Tu trở nên vừa khó khăn, mơ hồ, vừa mâu thuẫn, phức tạp.
Chẳng hạn như những dòng viết về ông sau đây, trong bộ “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, tr. 744): Quê làng Giá, thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội (nay là Hà Tây). Ông được vua Lý phong tước Phục Man tướng quân, đổi theo họ vua là Lý, nên cũng gọi là Lý Tu hay Lý Phục Man, lại được vua gả công chúa Phương Dung cho... Mộ và đền thờ ông, nay hãy còn di tích tại quê ông ở làng Giá.
Như vậy, ở đây có việc đồng nhất Phạm Tu với một vị thần là Lý Phục Man, được sách cổ “Việt điện u linh” chép từ đầu thế kỷ 14, và là vấn đề sử học được nêu ra đã lâu nhưng chưa được giải quyết. Do đó, nảy sinh một vấn đề trước tiên là: Quê hương bản quán của Phạm Tu ở đâu? Bởi vì, trong khi “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” cho rằng Phạm Tu là người có quê ở làng Giá (Yên Sở, Hoài Đức, Hà Tây) thì, chẳng hạn như “Từ điển văn hóa Việt Nam” hoặc vừa đây, sách “Thành hoàng Việt Nam” (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1997, tập II, tr. 565) đều khẳng định rằng: ông là người quê làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội; hoặc “quê ở thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội”.
Về thời gian mất của ông, thì có lẽ người ta chỉ biết căn cứ vào hai câu sau đây trong tập diễn ca thế kỷ 18 “Thiên Nam ngữ lục”.
Vua cùng tướng quân Phạm Tu
Vào Khuất Liêu động thác hư lên trời
Mà việc vua Lý Nam Đế mất ở động Khuất Lão (Khuất Liêu) thì được tính là vào năm 548, cho nên sách “Thành hoàng Việt Nam” mới chép về năm mất của Phạm Tu cũng là năm 548. Trong khi đó, nhiều tài liệu khác-trong đó có sách “Lịch sử Việt Nam, tập I” (Nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983, tr. 411) lại đều khẳng định là Phạm Tu hy sinh năm 545.
Cả về nơi mất của ông nữa, trong khi, chẳng hạn “Từ điển văn hóa Việt Nam”, hẳn là dựa theo “Thiên Nam ngữ lục” viết rằng Phạm Tu mất tại động Khuất Liêu (một địa danh, lại cũng từng được đoán định vị trí khá là khác nhau: hoặc ở miền tây Phú Thọ, hoặc ở phía nam Tuyên Quang) thì, sách “Hà Nội nghìn xưa” (Sở văn hóa thông tin Hà Nội, xuất bản 1975) lại khẳng định rằng, đó là “miền cửa sông Tô Lịch (trung tâm Hà Nội cổ)” (tr. 112).
Giữa những thông tin bộn bề trái ngược như thế về vị lão tướng quân họ Phạm ở thế kỷ 6, may thay, gần đây, đã có những công phu để bắt được sóng tín hiệu từ một trung tâm phát sóng rất có giá trị, ở một làng cổ ven đô Hà Nội: xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì.
Có lẽ, người đầu tiên phát hiện và khai thác được nguồn tài liệu địa phương quan trọng ở đây, là học giả Vũ Tuân Sán (Chí Kiên). Nhiều thông tin đặc sắc về Phạm Tu, trước đây chưa mấy được biết đến, được ông công bố sớm trong sách “Danh nhân Hà Nội” (Hội văn nghệ Hà Nội, xuất bản 1973) để rồi sau đó, hợp tác với Giáo sư Trần Quốc Vượng viết thêm vào trong sách “Hà Nội nghìn xưa”, đã rọi nhiều tia sáng vào lớp mây mù đang vây phủ nhân vật lịch sử lớn, mà đến năm 1998 này đã là ngày giỗ lần thứ 1453.
Thế hệ những người họ Phạm, đang sống ngay tại xã Thanh Liệt cũng như ở khắp nơi: Hà Tây, Hà Tĩnh, Ninh Bình... và nội đô Hà Nội, lần theo sợi chỉ ẩn hiện trong suốt 15 thế kỷ lịch sử đã qua, để nối mình với nguồn cội, tổ tiên: Lão tướng quân Phạm Tu, đã tạo điều kiện để cho thêm một lần nữa, những thông tin, tín hiệu về một vì sao trên bầu trời lịch sử thế kỷ 6, phát đi từ quê hương Thanh Liệt, lại được hiển hiện.
Đầu tháng Bảy lịch Trăng, sắp đến ngày giỗ lần thứ 1452 (năm 1997) và chuẩn bị cho ngày giỗ lớn vào năm 2000 của Phạm Tu, chúng tôi cùng Giáo sư Shiro Momoki ở đại học tổng hợp Osaka (Nhật Bản) đã có thêm một dịp hành hương về xã Thanh Liệt.
Gần 8.000 con người sống trong ngôi làng rộng đến 4 km2 này, đều coi nơi đây chính là quê hương của Phạm Tu, mà họ kính cẩn gọi là Đức Thánh của làng, là Đô Hồ Đại vương, hoặc có nhắc đến tên, thì kính trọng gọi đầy đủ là Phạm Đô Tu.
Có thể hiểu những tên và danh hiệu này, khi đọc được ở đây, bản thần tích của làng, với tên gọi đầy đủ là: “Cảm ứng cư sĩ Phạm Tu, thụy Đô Hồ Đại vương, thượng đẳng thần sự tích” do “Tiên chỉ Vũ Văn Đức, Phụng Nghị đại phu, sao lục ở Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ” từ năm Giáp Tuất, niên hiệu Bảo Đại 9 (1934). Bản thần tích này chép rằng: chính Lý Nam đế đã sai quan Thái giám về làng Thanh Liệt, phong cho Phạm Tu làm “Long Biên hầu, thụy Đô Hồ, Bản cảnh thành hoàng” và thừa nhận làng Thanh Liệt, quê hương ông, là “Thanh mộc ấp” (ấp tắm gội-đất phong tặng).
Ở ngôi “Đình Ngoại”, có tên Ngoại, hẳn là vì vị trí đình ở rìa làng, hoặc là để phân biệt với “Đình Nội” ở giữa làng (thờ Chu Văn An), thuộc thôn Trung, còn có cả hai tấm bài vị, ghi rõ bậc “thượng đẳng thần” của “Đô Hồ Đại Thần”, và ghi nguyên hàng chữ: “Bản thổ Tiền Lý triều Long Biên hầu, Đô Hồ Đại vương thần vị”. Đó là nơi thờ chính, Đức Thánh Phạm Đô Tu của cả xã.
Phù hợp với điều này, ở hậu cung Đình Nội (mà không phải là Đình Ngoại) còn giữ được hai hòm sắc, trong đó, lẫn lộn với những sắc phong khác, là 10 đạo sắc phong của triều đình ngày xưa, có niên hiệu từ Cảnh Hưng nhà Lê đến Khải Định nhà Nguyễn, phong cho Đô Hồ Đại Thần (danh hiệu của triều Lê) và Đô Hồ Đại vương (danh hiệu của triều Nguyễn). Một sắc phong thời Tây Sơn (niên hiệu Cảnh Thịnh) cũng ghi danh hiệu: “Đô Hồ Đại Thần”.
Có một tình tiết thú vị, ghi nhận được ở lễ tiết hội làng Thanh Liệt, ấy là: hành trình của cuộc rước cỗ kiệu quý của làng, hiện để ở Đình Nội. Các vị cố lão của làng cho biết: Kiệu rước từ Đình Nội, nhưng lễ thì ở Đình Ngoại, và trước khi lễ ở đây, thì phải đi vòng sang thôn Vực của làng, và trình ở tòa Miếu Vực.
Tại sao như vậy? Người Thanh Liệt giải thích: vì thôn Vực mới chính là nơi sinh hạ cụ thể của Phạm Tu. Có người còn nói: tòa miếu Vực xây ngay trên nền nhà cũ của Phạm Tu (miếu này còn có một tên khác, rất “quân sự” là: Cửa Đồn). Và điều này-nơi sinh hạ của Phạm Tu-cũng phù hợp với một tín hiệu mà chỉ ở nơi đây mới có: song thân của Phạm Tu! Đó là các vị, với tên tuổi được lưu truyền cụ thể và chi tiết: “Phạm Thiều” (cha), “Lý Thị Trạch” (mẹ).
Những di tích tín ngưỡng, những chứng tích huyền kỳ, những lời kể truyền miệng... như thế, ở Thanh Liệt, làm thành một nguồn phát sóng mạnh, những tín hiệu văn hóa học-dân gian (Folklore) soi rọi vào hiện tượng và nhân vật lịch sử Phạm Tu-vì sống cách nay đến 15 thế kỷ, nên nhiều hiểu biết của chúng ta về người anh hùng còn chưa thật rõ ràng-những thông tin văn hóa dân gian từ Thanh Liệt thật có tác dụng của một nguồn sử liệu bổ trợ cho chính sử.
Vấn đề quê hương bản quán của vị tướng quân đầu triều, thời Lý Nam Đế nhờ vậy mà trở nên đã rõ ràng.
Cũng thế, những thông tin về sự ra đời (ngày 10 tháng ba năm Bính Thìn-476 sau Công Nguyên), về tuổi tác của một vị lão trượng, ngoại lục tuần mà vẫn hăng hái, hiên ngang, đứng dưới cờ Lý Nam Đế, lập nên những sự nghiệp và chiến công hiển hách đảm nhận những cương vị, trách nhiệm lớn lao và cuối cùng, hy sinh oanh liệt trong trận đánh lớn, chống quân xâm lược ở nơi có tòa thành đầu tiên và khai sinh cho đô thị Hà Nội cổ: Cửa sông Tô Lịch, ngày 20 tháng bảy năm Ất Sửu-545 sau Công Nguyên... những điều quan trọng, quí báu, cụ thể và sinh động như thế, trong cuộc đời và sự nghiệp của vị lão tướng quân Phạm Tu, đã được nguồn phát sóng văn hóa học dân gian ở Thanh Liệt cung cấp. Và Thanh Liệt xứng đáng với niềm tự hào về một quê hương văn võ song toàn: Võ là Phạm Tu (476-545) quê hương là thôn Vực; Văn là Chu Văn An (?-1370), quê mẹ, sinh hạ ông tại thôn Văn, cùng xã Thanh Liệt.
________
Ghi chú: Nội dung chính của bài này được đăng trong cuốn “Ngàn năm văn hóa đất Thăng Long” của Hồ Phương Lan, Nxb. Lao động, 2009. Trong cuốn sách có tôn vinh Tấm gương hy sinh của Lão tướng Phạm Tu đối với mọi thế hệ người cao tuổi Việt Nam.


PGS. TS. Bùi Xuân Đính hiện là Viện trưởng Viện Dân tộc cũng đã đề cập đến vấn đề đồng nhất khi viết về Lý Phục Man:
“Tên chính của ông là Phạm Tu – một võ tướng, một trụ cột của triều đình Lý Nam Đế. Ý kiến này hiện vẫn chưa được giới khoa học khẳng định một cách chắc chắn.”1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét