Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

SỰ TÍCH TƯỚNG CÔNG LÝ PHỤC MAN

(Theo cuốn “Văn bia Quán Giá”, Nguyễn Bá Hân, Nxb. Thế giới, 1995)
Để giúp bạn đọc có thêm tư liệu kể về thân thế sự nghiệp của Đại vương nên trong tài liệu này chúng tôi xin in kèm theo bản Sự tích Tướng công Lý Phục Man đang được lưu tại Phòng Bảo tàng Quán Giá (Xã Yên Sở huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây).
SỰ TÍCH TƯỚNG CÔNG LÝ PHỤC MAN
Tướng công Lý Phục Man có họ tên thực là Phạm Tu, Người sinh trong một gia đình yêu nước ở xóm Lã Xá, Giáp Cảo Tây (sau đổi thành Quả Tây) thuộc làng Cổ Sở (sau đổi thành 2 xã Yên Sở và Đắc Sở của Hoài Đức, Hà Nội) vào những thập kỷ đầu của thế kỷ thứ 6 sau công nguyên (Khoảng từ năm 505 đến 515).
Ngay từ thuở thiếu thời, cậu bé Phạm Tu đã tỏ ra là người khác thường. Hàng ngày thích trò chơi cưỡi ngựa, bắn cung tập trận. Bằng cờ chuối bông lau, cậu cùng các bạn nhỏ trong xóm chia thành quân ta quân địch dàn trận để dành thắng bại.
Lớn lên phải sống cảnh người dân mất nước và phải chứng kiến bao sự bất công tàn bạo của bọn phong kiến xâm lược nhà Lương (bên Trung Quốc) đối với nhân dân ta, tinh thần bất khuất, ý chí căm thù kẻ địch ngày càng sôi sục.
Nuôi chí lớn đánh đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi, chàng thanh niên đất Cổ Sở ấy đã cùng những người tâm huyết trong vùng bí mật vào rừng ngày đêm luyện tập võ nghệ. Vốn có sức khỏe và lòng dũng cảm, chàng trai họ Phạm đã thuần hóa được hàng chục voi rừng, biến chúng thành đội quân để sau ra trận.
Tài thao lược ý chí anh hùng của người thanh niên quê Cổ Sở sớm nổi danh một vùng, thu hút hàng trăm trái tim yêu nước thương nòi về đây kết bạn, bàn mưu tính kế làm khởi nghĩa đánh đuổi kẻ thù. Nghĩa quân được tuyển chọn những trai tráng trong vùng. Bằng sự khêu gợi lòng yêu nước của tuổi trẻ kết hợp với quyền lợi vật chất và những chiến lợi phẩm dành lại từ trong tay giặc đem chia đều cho nhân dân, nên đội quân mỗi ngày một đông. Chẳng mấy chốc thanh thế của nghĩa quân đã làm cho kẻ thù khiếp sợ. Nhiều đồn giặc bị phá tan, nhiều kho lương thực được dành lại. Chủ tướng Phạm Tu nổi lên như một trang hào kiệt đất Sơn Tây. Cả một dải từ Đỗ Động đến Đường lâm đã sạch bóng quân thù.
Cùng buổi ấy ở nhiều vùng của đất nước cũng còn có nhiều người nổi lên chống lại quân Lương. Trong số đó, người được Phạm Tu kính phục hơn cả là Lý Bôn (tức Lý Bí) quê ở Long Hưng Thái Bình. Đầu năm Tân Dậu (541), tướng Phạm Tu đã tìm gặp Lý Bôn để liên kết lực lượng cùng nhau đánh đuổi kẻ thù chung. Vốn đã biết tiếng từ lâu, nay lại thấy người, Lý Bôn hiểu Phạm Tu là người tài giỏi, liền phong cho chức Đỗ Động tướng quân cho theo việc binh.
Anh hùng hội ngộ, tướng Phạm Tu gặp được Lý Bôn như cá gặp nước, như rồng gặp mây. Người anh hùng đất Cổ Sở ấy đã đem tài thao lược của mình cống hiến cho sự nghiệp giải phóng đất nước.
Trong dựng và giữ nước, tướng Phạm Tu đã lập nhiều chiến công hiển hách, đánh Bắc dẹp Nam. Đặc biệt trong trận đánh quân Lâm Ấp (tức Chiêm Thành) khi chúng vào xâm lấn Cửu Đức mùa thu năm Quý Hợi (543). Lúc này vừa quét sạch quân Lương ra khỏi bờ cõi chấm dứt thời kỳ đô hộ 500 năm của các triều đại phong kiến xâm lược phương Bắc. Biết ta còn phải lo bao việc trong dựng nước, bọn vua quan Lâm Ấp đã thừa cơ vào xâm lấn bờ cõi phía Nam. Tin cấp báo về đến Lý Bôn và các bạn chiến đấu của ông. Mọi người đều nói: “Với kẻ thù hung hãn như vậy phi Đỗ Động tướng quân không ai có thể đương đầu với giặc này”. Tin vào khả năng xuất chúng của người tướng trẻ, Lý Bôn đã nghe theo lời bàn cử tướng Phạm Tu vào Nam dẹp giặc.
Đúng chỉ một lần ra quân người anh hùng đất Sơn Tây ấy đã đuổi được quân Lâm ấp ra khỏi bờ cõi mang lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân địa phương. Nghe tin thắng trận báo về Lý Bôn đã hết lời khen ngợi. Ông nói: “Tre già mới biết dao sắc, có gặp lúc nguy nan mới biết người tài giỏi. Nay Đỗ Động tướng quân bắn vài tên mà phá tan quân giặc dữ, thật là một hào kiệt đất Sơn Tây, dẫu bậc danh tướng đời xưa cũng không hơn được, cần phải trọng thưởng”. Ông đã phong cho tướng Phạm Tu tước hiệu Phục Man (ý nói dẹp giặc Man). Cho đổi họ Lý và gả con gái cho (Công chúa Phương Dung). Từ đó mọi người không gọi tướng Phạm Tu là Đỗ Động tướng quân mà gọi bằng cái tên đầy vẻ tôn kính là Lý Phục Man tướng quân.
Đất nước đã sạch bóng quân thù; đầu năm Giáp Tý (544) Lý Bôn lên ngôi vua lập ra nhà Tiền Lý. Đặt tên nước là Vạn Xuân, có triều đình hai ban văn võ. Là người có nhiều công lớn phò mã Phạm Tu được vua phong cho chức Thái Úy đứng đầu ban võ.
Vốn là người giàu lòng yêu nước thương dân, lại được tham dự mọi việc triều chính nên Thái Úy đã mạnh dạn can ngăn vua, khiển trách kẻ có lỗi, trừng trị kẻ lộng quyền làm điều xằng bậy ức hiếp nhân dân, nên trong ngoài ai cũng ca ngợi công đức Lý Phục Man tướng công.
Đầu năm Ất Sửu (545), bọn phong kiến nhà Lương lại sai Trần Bá Tiên mang quân sang hòng đặt ách đô hộ nước ta một lần nữa. Trận thử sức đầu tiên với đội quân xâm lược ở thành Chu Diên (Hải Hưng), quân ta bị thua. Biết chưa đủ sức triều đình nhà Lý đành phải lui quân về sông Tô Lịch xây đắp thành lũy (Hà Nội) để giữ thế thủ. Để bảo toàn lực lượng đánh địch lâu dài, vua Lý bèn cử Phục Man tướng công Phạm Tu ở lại giữ thành. Còn nhà vua đem triều đình về Khuất Liêu.
Chỉ qua mấy tháng, mùa thu năm Ất Sửu (545) tướng giặc Trần Bá Tiên lại đem quân đến vây đánh thành Tô Lịch. Trong một trận giao tranh với Trần Bá Tiên, tướng công đã anh dũng hy sinh tại trận tiền. Hai tùy tướng họ Trương đã mang được thi hài về quê an táng tại khu Hồ Mã.
Bằng lòng biết ơn và tiếc thương vô hạn người con trung hiếu của quê hương, vị anh hùng dân tộc, nhân dân đã đem cây xanh trồng xung quanh ngôi mộ, lập đền thờ ngày đêm tưởng niệm. Cây xanh mỗi ngày một thêm lan rộng, Đền mỗi thời một xây to thành rừng Giá và Quán Giá hiện nay.
Cùng với quê hương tướng công còn có 74 làng xã trong cả nước từ Hà Tĩnh trở ra lập đền thờ vị anh hùng dân tộc ấy. Kể từ khi đất nước dành được quyền tự chủ, các vương triều xưa như Tiền Lê, Hậu Lý, Hậu Lê, Mạc, Lê Trung Hưng, Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn đã phong tặng tới 60 đạo sắc gồm gần 300 chữ đẹp. Đó chính là sự đánh giá của lịch sử và nhân dân về công lao sự nghiệp của tướng công vậy.
(Sự tích theo Thần phả, văn bia và sử).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét