Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

TÌM CƠ SỞ ĐỒNG NHẤT TỪ VĂN BIA QUÁN GIÁ

Ngày 04. 10. 2009
Chúng tôi tìm đọc cuốn “Văn bia Quán Giá” với hy vọng tư liệu từ Quán Giá có đủ sức thuyết phục Phạm Tu và Lý Phục Man là một người. Chúng ta tin tưởng vào các văn bia thời xưa để lại nhiều thông tin giá trị. Những văn bia ở đền thờ Lý Phục Man sẽ là căn cứ xác định vấn đề có thể đồng nhất được hai nhân vật là một hay không?
Tư liệu rất quan trọng tại Quán Giá, đền thờ của Lý Phục Man là 5 văn bia: Bia thời Vĩnh Tộ 1620, bia thời Cảnh Trị 1670, bia thời Bảo Thái 1728, bia thời Gia Long 1803, bia thời Tự Đức 1855. Không thể tìm ra một chữ nào ở 5 văn bia đó viết về Phạm Tu. PGS. TS. Trương Sỹ Hùng đã viết “còn năm bài văn khắc Hán Nôm trên bia đá ở Yên Sở và phần lớn các thần tích chỉ nói đến đại từ chung là đại vương hoặc cặp từ vinh danh thần.” (xem tr. 28)
Khi đọc phần dịch nghĩa bia Bảo Thái (1728) xuất hiện chú thích đáng lưu ý của ông Nguyễn Bá Hân ở hai trang 173, 174:
Ở trang 173 (dịch từ đoạn chữ Nho ở trang 152): Nãi tuyên chế sử Tổng Soái chư tướng vãng ngự chi Toại đại phá Lâm Ấp vu Cửu Đức

…Thần quyền Thống lĩnh các chư tướng đem quân đi đánh. Thần đã đại phá quân Lâm ấp ở Cửu Đức(1)…
…Vì tướng công đã quét sạch được quân rợ nên nhà vua bèn cho tước hiệu là Phục Man (tức là người dẹp
________
(1) Trong Toàn thư ghi đúng tên là Phạm Tu đánh quân Lâm Ấp ở Cửu Đức.
173


Xem trang cuối trang 173, đầu trang 174 (dịch từ đoạn chữ Nho ở trang 153): Nãi dĩ kỳ đa phục man di chi công Tứ danh Phục Man Tứ tính Lý Thị Thượng công chúa Siêu thăng Thiếu Úy tham nghị mộ phủ Nghị thị bách liêu

yên quân man rợ) cho thần được đổi họ theo nhà vua là họ Lý; lại gả công chúa cho Thần và phong làm Thiếu Úy(1) tham nghị việc triều chính, đứng đầu các quan(2)

________
(1) Trong hai bia trước là Vĩnh Tộ (1620) và Cảnh Trị (1670) đều ghi là Thái Úy nhưng đây lại ghi là Thiếu Úy có lẽ xưa không phân biệt Thái và Thiếu.
(2) Theo Toàn thư thì Thần đứng đầu hàng võ.
174


Bia năm Bảo Thái thứ 9 (1728) chép lại sự tích miếu thờ Thần theo các bia cũ. Bia này cho hay: Thần thống lĩnh chư tướng đi Cửu Đức đánh thắng Lâm Ấp. Ông Nguyễn Bá Hân đối chiếu với Toàn thư, thời đó có Phạm Tu cũng đem quân đi Cửu Đức đánh tan quân Lâm Ấp. Do vậy chú thích số (2) ở trang 174, ông Nguyễn Bá Hân đã đồng nhất thần Lý Phục Man với Phạm Tu một cách quá giản đơn: a=A (chữ a viết thường cũng là chữ A viết hoa). Thực tế Toàn thư chép Phạm Tu đứng đầu ban Võ mà không liên quan gì đến thần Lý Phục Man. (xem tr. 53 trích Toàn thư)
Có thể nhận ra ông Nguyễn Bá Hân đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu dựa trên các điểm:
- Cùng là võ tướng thời Lý Nam Đế (đều ghi trong chính sử nhưng có khác là Lý Phục Man xuất hiện trong giấc mộng của Lý Thái Tổ sau ngót 500 năm)
- Theo thần tích Lý Phục Man đứng đầu trăm quan; còn theo chính sử Phạm Tu đứng đầu các võ tướng
- Đều là thống soái đi đánh Lâm Ấp ở Cửu Đức
Nhưng ở trong trường hợp này ông Nguyễn Bá Hân nên dùng chữ “có thể” để nói lên nghi vấn của mình thì hợp lý hơn.
Nếu thông tin trên đều là ghi chép trong chính sử thì không ai còn phải bàn cãi, việc đồng nhất như thế sẽ đúng đắn. Khi tất cả thần tích, tư liệu của các địa phương không xác định được quê hương của Phạm Tu thì mới dễ bề đồng nhất hai nhân vật. Nhưng điều đó đã không xảy ra khi đại đa số các nhà khoa học hiện nay đã xác định quê hương của Phạm Tu ở Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Trong khi các nhà khoa học còn nghi vấn: có thể Lý Phục Man không phải là nhân vật lịch sử. Thay vì việc trước tiên phải chứng minh Lý Phục Man là nhân vật lịch sử, bằng cách đồng nhất vị thần này với danh tướng Phạm Tu, có thể đã làm lạc hướng chú ý.
Khi muốn khẳng định Lý Phục Man là Phạm Tu, trước hết phải chứng minh được sự đúng đắn ghi trên bia về việc: chỉ có duy nhất Lý Phục Man thống suất cầm quân đánh thắng Lâm Ấp là điều có thật. Trước hết là phải chứng minh không ở địa phương nào ngoài Yên Sở có tướng quân Phạm Tu thời Lý Nam Đế.
Việc Lý Phục Man đánh Lâm Ấp có thể xảy ra bởi ra trận không thể có một tướng Phạm Tu như ghi trong chính sử. Còn Lý Phục Man là thống suất đánh Lâm Ấp, rồi đứng đầu trăm quan có lẽ chính là dựa vào việc vua chúa thời sau sắc phong bổ sung chức Thái úy cho thần Lý Phục Man, từ đó người ta luận ra ông võ tướng này xứng với vị trí của Phạm Tu hơn cả (Đề cao hết tầm một võ tướng, ắt người đó là tứ trụ triều đình thống lĩnh quân đội). Lịch sử Việt Nam có Phạm Cự Lượng (944-?) là người đầu tiên được phong Thái úy vào năm 986 dưới triều Tiền Lê. Ngay triều trước-thời Đinh Tiên Hoàng, người có vị trí đứng đầu quân đội là Lê Hoàn được gọi là Thập đạo tướng quân.
Thư tịch quan trọng nữa của Quán Giá chính là Thần phả, có thể cả Thần phả Quán Giá cũng không có chỗ nào đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu. Điều đó được thể hiện: nếu có ghi việc đồng nhất trong thần phả, chắc chắn ông Nguyễn Bá Hân không thể không ghi câu trích dẫn trong cuốn “Văn bia Quán Giá” và cả NLG sẽ lấy làm căn cứ ngay từ đầu các bài viết của mình.
Tiếc thay, chỉ tư liệu về văn bia Quán Giá chưa đủ khẳng định. Nhưng cuốn sách về chủ đề này lại gặp phải một số vấn đề khiến độ tin cậy có phần bị ảnh hưởng khi người biên tập chính là tác giả Nguyễn Bá Hân có giấy phép xuất bản số 200/CXB, ngày 30/6/1994 in tại xưởng in Nxb. Thế giới và cuốn sách đã bộc lộ một số điểm bất cập:
Tên sách không thống nhất:
- Trang bìa: Văn bia Quán Giá
- Trang cuối: Văn bia đền thờ Phục Man tướng công Phạm Tu
Có tư liệu không rõ xuất xứ:
- “Sự tích tướng công Lý Phục Man” từ trang 259-265 được cho là tư liệu lưu tại Phòng Bảo tàng Quán Giá với nguồn tư liệu từ thần phả, văn bia và sử (xem tr. 13). Do không có giá trị về sử học và có xuất xứ không rõ ràng, không thấy tên tác giả, thời gian xuất hiện. Chúng tôi đã trình bày 8 điểm còn chưa thuận trong Sự tích (xem tr. 85-90).
- Trang 8 có một bức ảnh gây sự hiểu lầm GS. Phan Huy Lê xác nhận ảnh Quán Giá là đền thờ Phạm Tu.
(có in ảnh Quán Giá) với hai dòng ghi phía dưới:
1. Đền thờ Phục Man Tướng Công Phạm Tu
Ảnh: Phan Huy Lê
Có lẽ ông Nguyễn Bá Hân đã sử dụng ảnh của GS. Phan, nhưng chắc chắn GS. Phan không đủ cơ sở khoa học cho rằng đó là đền thờ Phạm Tu. Trong lời giới thiệu của GS. Phan cũng hoàn toàn không có ý nào nói về Phạm Tu (GS. Phan viết: “Nội dung văn bia là những tư liệu vô cùng quý giá ghi lại sự tích của Lý Phục Man, một số sự kiện lịch sử của làng cùng với việc tu tạo đình quán, chép lại một số quy ước, tập quán và lệnh chỉ, sắc phong của làng”) và GS. Phan còn nhấn mạnh cuối lời giới thiệu: “Tôi tin rằng cuốn sách Văn bia Quán Giá của ông Nguyễn Bá Hân sẽ giúp cho các thế hệ nhân dân làng Giá tự tìm hiểu về quê hương yêu dấu của mình và cung cấp một số tư liệu cho các nhà khoa học nghiên cứu về nông thôn và làng xã trên nhiều lĩnh vực”. Có thể khi viết lời giới thiệu cuốn “Văn bia Quán Giá”, GS. Phan đã không được xem một số nội dung mà chúng ta thấy bất cập ở trên?
(Ngày 12/11/2010 TB tìm các tư liệu liên quan tại Thư viện Quốc gia, các bản sao xem phần phụ lục để hiểu rõ hơn vấn đề này.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét