Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

TRẢ LỜI MỘT SỐ Ý KIẾN CỦA NGƯỜI VIẾT BLOG NGƯỜI LÀNG GIÁ VỀ DANH TƯỚNG PHẠM TU Ở THANH LIỆT

Ngày 29. 9. 2009
Bài viết này để phần nào trả lời các bài viết về Lý Phục Man có một số suy nghĩ của ông Nguyễn Thế Dũng-người viết blog NLG hiện ở đội 3 xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội (điện thoại: 04. 3366 7224) với suy nghĩ tôn trọng người cao tuổi viết blog này (đã ngoài 70 tuổi) đồng thời kính trọng danh nhân Phạm Tu (476-545) đã sống, đánh giặc vì đất nước, vì người dân quê hương ông (Thăng Long-Hà Nội xưa) cách đây 15 thế kỷ. Ông đã mất ở tuổi 70 ngay ngoài chiến trận-chiến thành ở cửa sông Tô Lịch. Tháp Bút có độ tuổi bằng một nửa tuổi 70 với suy nghĩ còn nhiều điều chưa thấu đáo, kiến thức còn hạn hẹp cũng xin trả lời một số vấn đề chính đã nêu trên blog Người làng Giá:
Có thể quan điểm tách rời Phạm Tu-Lý Phục Man là hai nhân vật lịch sử riêng rẽ của dòng họ Phạm ở Thanh Liệt là căn cứ vào một “khám phá” gây nhiều tranh cãi của nhà sử học Lê Văn Lan. Trong bài viết “Phát hiện sử học mới về Lão tướng quân Phạm Tu” cũng đăng trên báo Quân đội Nhân dân cuối tuần số ra ngày 06/12/1998. Mặc dầu nhà sử học họ Lê reo lên là “phát hiện sử học mới “ là “may thay gần đây đã có những công phu để bắt được sóng tín hiệu mới rất có giá trị về lão tướng quân Phạm Tu” nhưng oái ăm thay, “cũ người mới ta”, những gì được coi là mới ở đây đã được nhiều nhà sử học nghiên cứu, xem xét từ trước đó 16 năm rồi. Đó là cuộc khảo sát, nghiên cứu khá công phu của giáo sư Phan Huy Lê, chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cùng với Đại tá Phó viện trưởng Viện sử học Quân đội Phan Huy Thiệp, Tiến sĩ sử học quân đội Nguyễn Anh cùng đông đảo các cộng sự tại Thanh Liệt, Thanh Trì từ giữa năm 1982 của thế kỷ trước. Kết quả cuộc khảo sát này đã được thông báo tại cuộc hội thảo về Phạm Tu-Lý Phục Man tại xã Yên Sở, Hoài Đức, Hà Tây, ngày 25/12/1982. Sau đó, giáo sư Phan Huy Lê cho đăng bài “Kẻ Giá một làng chiến đấu” trên tạp chí Dân tộc học số 46 tháng 2/1985 trong đó có nói đến cuộc khảo sát của giáo sư và đồng nghiệp tại Thanh Liệt năm 1982. Kết quả của những cuộc khảo sát này cho thấy:
- Bản Thần phả của Đình Ngoại xã Thanh Liệt có tiêu đề “Cảm ứng cư sĩ Phạm Tu Thụy Đô hồ Đại vương Thượng đẳng thần sử tích” mới được chép lại tại đền Hùng (Phú Thọ) năm Bảo Đại thứ 9 (1934) mà “chép lại một cách sơ sài, không cẩn thận, có chữ còn để trống hay bỏ sót”. Đây có lẽ là sự tích một vị cư sĩ ở ẩn, một phật tử tu tại gia (cư sĩ), sau khi mất có sự linh ứng (cảm ứng) nên được phong tên thụy là Đô hồ, quan võ trông coi hồ nước của địa phương này đó là hồ Thanh đàm. Thật kỳ lạ, sau này có người lại giải thích chữ “đô” gốc Hán (trong sắc phong) thành chữ “đô” tiếng Việt trong “đô vật” rồi lại chuyển Phạm Tu thành Phạm Đô Tu, một tên riêng rất xa lạ với nhân vật lịch sử Phạm Tu, đã được Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư.
- Tấm bài vị ở đây cũng đã rõ “Bản thổ Tiền Lý Triều Long biên hầu, Đô hồ Đại vương Thần vị” Vị thành hoàng ở đây được phong tặng tước hầu, vị thần trông coi hồ nước-Về sắc phong của các triều đại ban tặng cho Đô hồ đại vương ở đây có 13 đạo, cổ nhất là đạo sắc của vua Lê Cảnh Hưng năm thứ nhất (1740) và gần nhất là của vua Khải Định, nhà Nguyễn (1916-1925). Nội dung chủ yếu của các đạo sắc phong này là nói về sự linh ứng của Thần, trong đó, đặc biệt có vài ba đạo sắc đời vua Minh Mệnh, năm thứ 5 (1824) ban tặng “Thủy thần phán quan”-ban cho Thần coi sóc mặt nước. Đạo sắc đời vua Tự Đức thứ 3 (1850) tặng mỹ tự “Trường trạm” nghĩa là giữ nước luôn trong trẻo, đời vua Duy Tân ban tặng mỹ tự “Linh Thuý” nghĩa là giữ mặt nước luôn trong trẻo, không pha tạp... Rõ ràng đó là những chữ đẹp phong cho một vị Thần trông giữ hồ nước.
- Tấm bia đá trong đình nói là tấm bia có từ đời Lương (?) Trung quốc (thế kỷ thứ 6) thực ra chỉ là một tấm bia hậu dựng năm Giáp Thìn (1904) đời vua Thành Thái nhà Nguyễn, thờ cụ Phạm Tế, quê gốc Thanh Hóa, thiên cư ra Thanh Liệt mới được dăm sáu đời nay.
- Bức tranh thờ nói là chân dung Phạm Tu là một tấm hình vẽ trên một mảnh lụa đã cũ, một người dân ở Thanh Liệt là cụ Nhiêu Cỏn mới vẽ lại trên một tờ giấy tây. Đoàn khảo sát năm 1982 đã gặp người vẽ lại tấm hình và được xác nhận là đúng.
- Đình ngoại thờ Đô hồ đại vương là một ngôi đình có qui mô khá khiêm tốn, được tọa lạc ngay bờ hồ, ven làng, cũng mới được tân tạo thời Lê Hiển Tông (1740-1786) đến nay mới có vài trăm năm. Việc bài trí, trần thiết cũng còn sơ sài, đến cỗ kiệu rước cũng không có, phải dùng kiệu ở Định nội mỗi khi rước hội. Nếu quả thật danh tướng Phạm Tu quê ở Thanh Liệt thì nhân dân địa phương chẳng lẽ lại bỏ quên người con trung liệt của quê hương tới 12 thế kỷ sau mới lập ngôi đền thờ quá khiêm tốn đến vậy? Cả các vương triều phong kiến xưa hình như cũng lẵng quên vị khai cuốc công thần nhà Tiền Lý nên đến tận đời Lê Cảnh Hưng mới dựng đình thờ? Ai cũng biết, đại danh nho Chu Văn An (1292-1370) đời Trần, người làng Thanh Liệt sống sau Phạm Tu bảy tám trăm năm lại không hề có một dòng lưu bút nào về người anh hùng kiệt xuất của đất nước, vị tiền bối lỗi lạc cùng quê hương.
- Một điều quan trọng nữa cần chú ý là nếu Phạm Tu là Đô hồ đại vương ở Thanh Liệt thì sao cả một vùng rộng lớn xung quanh nơi này nói riêng và cả miền Bắc Việt Nam nói chung, nơi được ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khởi nghĩa Lý Bí hầu như không nơi nào lập đền thờ. Cuốn Linh thần Việt Nam của giáo sư Vũ Ngọc Khánh và Phạm Minh Thảo, nhà xuất bản VHTT năm 2002 chỉ tìm được 3 địa phương có thờ Đô hồ đại vương. Tuy nhiên chưa xác định được Đô Hồ Đại vương có phải là Phạm Tu hay không!
- Vấn đề cuối cùng cần làm rõ là theo tài liệu của dòng họ Phạm ở Thanh Liệt thì Phạm Tu là một lão tướng. Năm 542 cuộc khởi nghĩa Lý Bí nổi dậy, lúc đó ông đã 67 tuổi. Mặc dầu được mô tả là một đô vật thời trai trẻ nhưng với một người già cả, trước khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, không hề có hành trạng gì, liệu có đủ tài sức để đối đầu với bọn giặc Lương? Cũng theo tài liệu này, năm 543, vua Lâm ấp lẫn chiếm bờ cõi phía nam, tướng biên ải là Lý Phục Man không chặn được giặc, vua lại phải sai lão tướng Phạm Tu đem đại binh vào nam mới đánh tan được quân Chiêm tại Cửu đức. Sau cuộc trường chinh này, trở ra, vị lão tướng lại phải đương đầu với quân Lương của Trần Bá Tiên ở cửa sông Tô Lịch và hy sinh tại đây. Ba năm trời, một ông lão 70 tuổi vụt đứng dậy xung trận, đánh Bắc dẹp Nam bấy nhiêu công tích liệu có đủ cơ sở để tin cậy?
(Theo NLG)
1. Trước hết phải nêu rõ 7 nhận xét trên không phải của GS. Phan Huy Lê không hoàn toàn là các kết quả rút ra từ đoàn khảo sát của các nhà sử học từ năm 1982 mà trong đó có cả của NLG. Cách viết khi thống kê dễ làm người đọc lầm tưởng là nhận xét của GS. Phan. Ở nhận xét thứ 6 lại lấy thông tin từ sách in năm 2002, như vậy những năm 1980 không thể có. Tôi cũng đã đưa thông tin từ đầu năm 2009 vào thông tin về cụ Phạm Tu trên http://vi.wikipedia.org/ trong nội dung Nơi thờ cúng (xem tr. 127). Đọc ý kiến này của NLG, có câu rất giống câu của Tháp Bút đã viết: “tuy nhiên chưa xác định được những nơi đó có phải chính là nơi thờ Đô Hồ Đại vương Phạm Tu hay không.”
2. Ở nhận xét thứ 5 xin trả lời:
Hai nhân vật nổi tiếng sống cuối thời Trần đầu thời Lê (sống sau Phạm Tu trên 800 năm và trước thời nay trên dưới 600 năm) đó là Chu Văn An và Nguyễn Trãi. Xét trong Bình Ngô đại cáo để thấy nhãn quan của bậc tiền bối về lịch sử nước nhà trước đó:
“Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”
Các vị đại danh Nho thời đó đã chưa vén hết bức màn ngàn năm Bắc thuộc, phần vì đô hộ dài dằng dặc và rồi chiến tranh liên miên. Các giá trị vật chất, phi vật chất hầu như bị tàn phá, hủy hoại trong đó có cả đền thờ miếu mạo thờ các vị anh hùng từ xa xưa. Ngay trong các di tích còn những đại tự, câu đối mà ngày nay chúng ta không thể xác định tác giả, niên đại.
Giai đoạn sau khi quân Lương rút về, đất nước lại nội chiến Triệu-Lý tạo nên đám mây bao phủ hào quang của nhà nước Vạn Xuân. Thế là các vị như Chu Văn An, Nguyễn Trãi có thể cũng cho triều Lý Nam Đế cũng nhạt nhòa như các cuộc khởi nghĩa khác giữa hai thời Triệu (Đà)-Đinh. Không quan tâm đúng mức đến việc thành lập nhà nước Vạn Xuân thì các nhân vật thời kỳ đó bị lãng quên cũng là điều dễ hiểu. Chưa kể các di sản văn hóa viết đã bị giặc Minh thu gom tiêu hủy hầu như toàn bộ. Chứng cứ là nhiều thông tin trước thời Lê Thái Tổ chúng ta phải căn cứ vào sử Trung Quốc nhưng phải chắt lọc mới có thể lấy được thông tin thực về lịch sử nước nhà. Ngày nay, có người đã chứng minh khởi nghĩa Mai Thúc Loan diễn ra trong 10 năm từ 713-722 chứ không thể diễn ra chỉ trong năm 722 sau việc “cống vải” là một sáng tác văn học sau này.
Di tích thờ Phạm Tu lâu đời nhất phải kể đến Miếu Vực, đây chính là gạch nối giữa đền thờ Phạm Tu thời Tiền-Hậu Lý Nam Đế (544-602) đến khi lập Đình Ngoại, gạch nối này ngày nay vẫn tồn tại. Có thể đền thờ Phạm Tu được lập thời Hậu Lý Nam Đế-Lý Phật Tử chứ không thể lập thời Lý Nam Đế-Lý Bí. Năm 545 nhà Lương ào ạt đánh sang, chiếm được thành cửa sông Tô Lịch, vùng Thanh Liệt lúc đó đã bị quân giặc khống chế hoàn toàn và do liên tiếp bị tấn công, vài năm sau Lý Bí mất ở Khuất Liêu. Không có đủ thời gian, điều kiện để Lý Bí cho lập đền thờ suy tôn lão tướng Phạm Tu. Việc làm đó chỉ diễn ra khi chiến tranh kết thúc, và phù hợp hơn đó là khi Lý Phật Tử nắm quyền, Phạm Tĩnh (con của Phạm Tu) lúc đó là Tướng quốc. Thời Lý Phật Tử trị vì thường gọi là Hậu Lý Nam Đế (571-602) mà nhiều tài liệu vẫn ghi là thời Lý Nam Đế (không có chữ Hậu ở đầu).
3. Ở nhận xét thứ 7: Dân gian có câu “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Nhưng với mỗi người thì các mốc trẻ-già cũng không thể ai cũng giống ai. Với lão tướng Phạm Tu 70 tuổi chưa hẳn là tuổi già đã đến, ông vốn là đô vật nổi tiếng, rèn luyện thường xuyên thì sức nhiều trai trẻ không địch được. Phải nêu lên tài chỉ huy của lão tướng Phạm Tu (cao tuổi) chứ không thể nói già không ra trận, không thể làm nên công trạng được. Nếu không sẽ trở thành phủ nhận công lao của nhân dân Vạn Xuân trong mấy năm dựng và giữ nước tạo nên trang sử hào hùng cho dân tộc. Phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mới có được khởi nghĩa thắng lợi ở tất cả các địa phương. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một minh chứng gần và rõ nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét