Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

LỜI GIỚI THIỆU TRONG CUỐN SỰ TÍCH ĐỨC THÁNH GIÁ

Sau đây là tài liệu do tác giả Trương Sỹ Hùng cung cấp và là Lời giới thiệu của cuốn "Sự tích đức thánh Giá" của tác giả Yên Sơn-Nguyễn Bá Hân Nxb. KHXH, Hà Nội, 2009.
LỜI GIỚI THIỆU
TRONG CUỐN SỰ TÍCH ĐỨC THÁNH GIÁ
PGS. TS. Trương Sỹ Hùng
Vào dịp Hội văn nghệ dân gian Hà Nội tổ chức họp mặt, tổng kết năm 2008 và mừng xuân Kỷ Sửu 2009, chúng tôi được tiếp xúc với ông Nguyễn Bá Hân, một tác giả gần như đã trở thành chuyên gia nghiên cứu, sưu tầm tài liệu văn hóa truyền thống ở một địa danh vốn đã nổi tiếng trong lịch sử. Nổi tiếng bởi Yên Sở quê ông chính là nơi người anh hùng dân tộc Phạm Tu-Lý Phục Man đã sinh ra và khôn lớn trưởng thành; người có công lớn nhất giúp vua Lý Nam Đế đánh đuổi giặc ngoại xâm, chinh Nam chiến Bắc, giành độc lập tự do cho non sông Nam Việt ở những năm cuối thế kỷ V đầu thế kỷ VI.
Xuất phát từ niềm tự hào chính đáng đó, nhà Hán học Nguyễn Bá Hân đã dầy công nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu khác nhau; từ thư tịch Hán Nôm đến các truyền thuyết, dã sử... vật lộn với cuộc sống ngặt nghèo mà vươn tới nắm bắt từng mảng tư liệu. Gần ba mươi năm đằng đẵng theo đuổi một đề tài, chỉ với chiếc xe đạp cà tàng ông đã lặn lội đến hầu hết các địa danh quanh vùng; hễ nghe ai nói đến bất cứ nơi nào có truyền khẩu hoặc tài liệu về Phạm Tu-Lý Phục Man là ông tìm mọi cách bố trí thời gian đến tận nơi khảo sát thực tế. Với vốn liếng chữ Hán tự học, Nguyễn Bá Hân đã tìm được khá nhiều văn bản Hán Nôm rồi ông viết lại nguyên tự, phiên âm, dịch nghĩa rồi cho in song ngữ những tài liệu xung quanh nhân vật lịch sử Phạm Tu-Lý Phục Man. Thực hiện chủ trương vừa học vừa làm, ông đi nhiều, tiếp xúc rộng, trong khi vẫn hằng xuyên tích lũy tư liệu về Phạm Tu-Lý Phục Man; ông bình tĩnh tự tin và đã đạt khá nhiều thành tựu vững chắc.
Trên thực tế, chúng tôi mới kiến diện Nguyễn Bá Hân lần đầu, song tính danh ông chúng tôi đã biết đến ngay từ khi cuốn sách Văn bia quán Giá của ông được in ở nhà xuất bản Thế giới năm 1995. Dĩ nhiên, Nguyễn Bá Hân không phải là người đầu tiên khai thác nguồn tài liệu văn bia hiện còn được bảo tồn nguyên vẹn ở đền thờ Phạm Tu-Lý Phục Man tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội; nhưng khi đọc sách của ông, kết hợp xem lại công trình Góp phần nghiên cứu một vị thành hoàng Việt Nam (1938) của Nguyễn Văn Huyên thì thấy ngay sự hoàn hảo hơn, công phu hơn, bởi Nguyễn Bá Hân đã khảo tả, chép lại theo nguyên bản, phiên âm, dịch nghĩa tất cả năm tấm bia đá, đã và đang được giữ gìn rất cẩn thận ở quê ông. Bảy mươi năm trước, Nguyễn Văn Huyên căn cứ vào bản dập của trường Viễn đông bác cổ và do một định hướng tiếp cận khác, nên ông mới chỉ đề cập đến ba tấm bia, trong đó một bia (ký hiệu 1.280) có bản dịch nội dung cơ bản, còn hai tấm khác (ký hiệu: 1.274 và 1.276) chỉ được trích dẫn tư liệu cho phù hợp với bài viết. Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu những vấn đề lịch sử, lễ hội... xung quanh nhân vật Phạm Tu-Lý Phục Man sau đó già nửa thế kỷ vẫn còn bị hạn chế, hạn chế đến mức có người đã viết bài nhìn nhận sai lạc. Chẳng hạn như nhiều người vẫn khẳng định Phạm Tu và Lý Phục Man là hai người trên một số bài báo hay một số bài phát biểu tại hội thảo về lịch sử và truyền thống địa phương Yên Sở năm 1982, và nhất là các bài viết cho hội thảo về danh tướng Phạm Tu ngày 8 tháng 9 năm 1998, khẳng định quê hương Phạm Tu ở Thanh Trì.
Trong khi đó, Nguyễn Bá Hân không sa vào tính bản vị địa phương để nhận lấy được, ông nhận thức vấn đề rất khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử mà đúc rút chân lý. Loại hình văn khắc đá dường như vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” mà ở đây ông là người có công giới thiệu rộng hơn, tự thân sự việc đã nói lên công sức của Nguyễn Bá Hân đến nhường nào. Tuy thế, ở Lời nói đầu công trình sưu khảo Sự tích đức thánh Giá này ông vẫn khiêm nhường: “sưu tầm, khảo cứu thu thập những điều tai nghe mắt thấy ở trên 30 làng xã trong 7 huyện để viết nên những trang sách này, chúng tôi muốn giúp được phần nào cho những ai đang quan tâm tới sự nghiệp của một vị anh hùng dân tộc từ thời sơ sử đã sống cách ta gần 15 thế kỷ (537-545). Và điều mong muốn duy nhất của người viết là những tư liệu trong cuốn sách này sẽ góp phần giúp mọi người hiểu rõ hơn những công lao sự nghiệp vô cùng to lớn của Người đã mang lại hạnh phúc cho dân cho nước ta”. Một trang lịch sử hào hùng của dân tộc đã có độ lùi khá xa của thời gian, có được tư liệu xác thực như thế thật là đáng trân trọng.
Những vấn đề tư liệu về Phạm Tu-Lý Phục Man kể từ Văn bia quán Giá đến Kẻ Giá tên đất tên người (2005), Văn thơ quán Giá (2006), Sự tích đức thánh Giá (2009) của Nguyễn Bá Hân đã góp phần cơ bản, khẳng định được tính danh, nguyên quán, công trạng của nhân vật và sự kiện bằng lịch sử tư liệu thực địa, bằng văn tự. Kẻ Giá tên đất tên người và Văn thơ quán Giá thâu tóm toàn bộ thơ vịnh, văn khắc, giấy in, truyền thuyết ở Yên Sở và các vùng lân cận xung quanh Phạm Tu-Lý Phục Man. Cuốn trước tác giả phục dựng lại toàn bộ diện mạo nếp sống, phong tục, sự hình thành; thay đổi địa danh của quê hương người anh hùng dân tộc; cuốn sau là sưu tập sáng tác văn chương, lòng sớ, văn khấn... ca ngợi sự nghiệp vẻ vang của tướng quân Đỗ Động-Phạm Tu-Lý Phục Man là ba danh xưng của một con người; tích tụ tinh hoa khí phách một dân tộc yêu nước nổi tiếng từ thế kỷ VI. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin hòa nhập với khoảng cách khá xa của lịch sử, nếu việc nghiên cứu về Phạm Tu-Lý Phục Man còn được tiếp tục thì mảng tư liệu do Nguyễn Bá Hân gom được ở huyện Hoài Đức chắc khó có ai vượt trội hơn. Riêng chúng tôi chỉ mong ông khỏe mạnh minh mẫn để có thể “bổ sung” bằng cách khảo lại hơn chục bản thần tích về Phạm Tu-Lý Phục Man hiện có ở viện Hán-Nôm cũng như mấy bản khác mà ông đã đọc, đã nói đến trong ba cuốn sách nêu trên. Khảo nhiều dị bản lưu hành ở nhiều nơi, do nhiều thế hệ viết lại, biết đâu chẳng có những phát hiện mới như chuyện ông tìm ra sự kiện Á Nương chẳng hạn?
Nguyễn Bá Hân đã thể hiện tình yêu quê hương bằng hành động cụ thể trong sự nghiệp văn hóa giáo dục; có thành tựu xuất sắc trong sưu tầm khảo cứu lịch sử văn hóa Việt Nam tụ lại ở điểm kẻ Giá. Từ cái nhìn khách quan, cuốn Nhị thập tứ hiếu (1998) do ông phiên âm cũng có một vài ghi nhận mới, so với bản in của nhà xuất bản Á châu (1943) do Hoàng Trung Chính thuật và chú thích. Hình như ý tứ Nguyễn Bá Hân muốn nêu lại những tấm gương trung hiếu, hướng tới mục đích khuyên răn con cháu hãy rèn luyện ý chí làm người, giữ đạo làm con kính trọng cha mẹ, thương yêu anh em đồng bào ngay từ trong phạm vi gia đình làm cơ sở trước khi mỗi người đều phải đóng góp công sức nhỏ bé của mình mà gánh vác việc nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét