Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

ĐÌNH KHÔNG XÀ, LÀNG BẢY BA GIẾNG

Anh Chi
Câu ngạn ngữ xứ Đoài trên chính là nói tới Kẻ Giá, làng quê có tới 73 cái giếng từ nhiều đời trước để lại, mà giếng nào cũng trong và ngọt mát. Còn ngôi đình Giá, chiều ngang 34m, chiều dọc 13, 5m không hề có xà dọc...
Rất tiếc, đình đã bị tàn phá năm 1947, thời kỳ Pháp chiếm đóng. Một công trình nghiên cứu của Ts Nguyễn Văn Huyên mô tả ngôi đình: Nóc đình kiểu 4 mái to lớn khác thường đặt trên những cột gỗ rất to. Đầu đao hình con rồng uốn cong 4 góc. Đình gồm 5 khoang giữa và 2 khoang đầu hồi, mỗi khoang có hai vì kèo với 6 cột đặt trên đá tảng. Hai cột giữa nối với nhau bằng câu đầu; những cột khác nối với nhau bằng kèo có chạm hoa, lá hay long, ly, quy, phượng. Chính những kèo này gánh hết sức nặng của mái đình. Các cột không nối với nhau bằng xà dọc, đó là đặc điểm của đình Giá, không ngôi đình nào ở Bắc bộ có cấu trúc như vậy...
Điểm hội tụ thứ 2 của người Việt cổ
Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định, Kẻ Giá là một làng quê rất cổ kính bên ngã ba sông Đáy, điểm hội tụ thứ hai (sau Bạch Hạc) của người Việt cổ trên con đường di dân từ Phong Châu về phía Đông và phía Nam. Kẻ là tên gọi nơi cư trú của người Lạc Việt, tương đương với làng sau này. Kẻ Giá sớm thịnh vượng, đông đúc và đến thế kỷ VI đã có tên chữ là Cổ Sở. Các thư tịch cổ như Việt điện u linh, Đại Việt sử ký toàn thư... chép sự tích Lý Phục Man đều đã ghi tên làng là Cổ Sở. Như các thư tịch cổ ghi, Lý Phục Man thể hiện rõ vai trò lớn của ông cùng dân chúng Kẻ Giá trong cuộc chiến đấu bảo vệ nhà nước Vạn Xuân độc lập tự chủ.
Kẻ Giá chỉ cách kinh thành Thăng Long vài chục cây số, nên trong những trận chiến lớn chống ngoại xâm của dân tộc, thường có sự đóng góp của dân binh Kẻ Giá. Những địa danh như Cầu Binh, Mả Gạo, Gò Tro… ở làng quê này chính là dấu tích những chiến công xưa. Cũng vào cuối thế kỷ XV, cư dân Cổ Sở phát triển đông đúc, nên phải tách thành hai làng là Yên Sở (tên Nôm là Giá Lụa) và Đắc Sở (tên Nôm là Giá, có người gọi là Sấu Giá). Sau nữa, hai làng thành hai xã riêng, hiện thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội, nhưng trong tâm thức người dân vùng quê này, đây vẫn là Kẻ Giá từ gần 2.000 năm xưa.
Ngày xưa, đường huyết mạch từ Thăng Long tới các lộ, trấn miền Tây là qua Cầu Giấy tới Diễn, Kẻ Giá, lên Sơn Tây... Dòng sông Đáy là tuyến đường thủy ra sông Hồng mà ngược lên Tây Bắc, hoặc xuôi xuống Kinh kỳ, hay theo kênh Chính Đại mà vào Thanh, Nghệ. Cho đến đời Tây Sơn, đời Nguyễn, Thăng Long không giữ vị thế Kinh đô nữa, nhưng sông Đáy vẫn có vai trò giao thông thủy rất quan trọng. Kẻ Giá trên bến, dưới thuyền tấp nập. Thị tứ Kẻ Giá rất thịnh vượng nhờ các sản phẩm của nghề tằm tang và đặc biệt là các sản phẩm từ cây dừa. Như vậy, cây dừa đến với đất Kẻ Giá đã hàng ngàn năm rồi. Văn hóa Chăm từ xa xưa cũng được đem theo ra đây, đã giao thoa với văn hóa bản địa ở Kẻ Giá, tạo nên nền nếp văn hóa dày sâu ở vùng quê này. Đến thế kỷ XX, 73 giếng cổ kiểu Chăm rất trong và mát là một dấu ấn văn hóa đặc biệt của Kẻ Giá.
Làng hiếu học
Trong nền tảng văn hóa phong phú của Kẻ Giá có một nét trội hẳn, đây là làng hiếu học, làng khoa bảng. 6 thế kỷ trước ở đất này đã có khoa bảng. Không kể khá nhiều người đỗ trung khoa, tiểu khoa, Kẻ Giá có 2 người đỗ đại khoa là Nguyễn Chiêu Khánh và Trần Danh Tiêu. Nguyễn Chiêu Khánh, sinh năm 1496, còn có tên là Chiêu Nghĩa, đỗ Hoàng giáp khoa Kỷ Sửu 1529 niên hiệu Minh Đức thứ 3 đời Mạc Đăng Dung. Ông làm quan Hàn lâm học sỹ. Trần Danh Tiêu sinh năm 1709, đỗ Tiến sỹ khoa Quý Sửu 1733 niên hiệu Long Đức thứ 2 đời Lê Thần Tông. Ông làm quan đến chức Đông các đại học sỹ.
Một dấu ấn văn hóa sâu đậm của Kẻ Giá là ngôi đình và ngôi quán với việc thờ phụng Lý Phục Man. Đình không xà đã bị phá hủy, di tích kiến trúc cổ kính còn lại ở Yên Sở là quán Giá, tọa lạc trên một thế đất rất đẹp. Trước kia, chung quanh quán là một khu rừng thâm nghiêm. Toàn bộ kiến trúc nằm trên diện tích chừng 6.000m2. Cổng ngoài xây hai trụ vuông, đầu trụ trang trí đầu rồng, trên đỉnh trụ tạo tác bốn con phượng kết cánh như hình đóa hoa xòe lên bốn cánh kép. Tường xây bằng gạch đỏ có hình chạm nổi, hoặc hình rồng, voi, phượng; hoặc hình ông chài, chàng thư sinh, người đánh cờ... Đáng chú ý, trên một viên gạch có chạm nổi câu chúc, già, trẻ trong làng được phúc, thọ, khang, ninh. Chính điện của quán gồm ba tòa đình song song, từ ngoài vào trong là Hạ đình, Trung đình và Thượng đình. Trong tòa Thượng đình có tượng thờ Lý Phục Man ở chính giữa, Lý Nương và Á Nương ở hai bên, ngoài nữa là hai thị nữ. Bên mé tường phía Tây Hạ đình có nhà bia, hiện lưu giữ 5 bia đá cổ niên đại từ 1620-1885. Văn bia ghi lại sự tích Lý Phục Man, một số sự kiện lịch sử làng, việc tu tạo đình và quán, những tập tục và quy ước của làng, một số lệnh chỉ và sắc phong… Đó là những tư liệu lịch sử quý hiếm. Đối xứng với nhà bia, mé tường phía đông có nhà để cỗ ngựa thờ bằng đồng hun được đúc năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707), rất quý hiếm, nay được sơn trắng. Ngôi quán tọa lạc bên bờ sông Đáy chính là một không gian thiêng của vùng quê này.
Từ những vườn dừa xiêm, ngôi đình không xà, ngôi quán đẹp thiêng liêng, 73 khẩu giếng ngọt mát... đến ruộng lúa, bãi dâu bát ngát và nghề tằm tang, nghề dệt lụa... tất cả đã giao thoa, gắn bó hài hòa hàng ngàn năm qua, tạo nên một không gian văn hóa lớn. Sống trong không gian văn hóa do chính mình tạo nên, con người ở vùng quê này đã để những dấu ấn sâu sắc trong tiến trình giữ nước và xây dựng cuộc sống suốt mười mấy thế kỷ.
Nguồn tin: Người đại biểu nhân dân
___________
Ghi chú: Làng Giá là một làng cổ có truyền thống văn hóa lâu đời. Nét văn hóa của địa phương đã được bảo tồn và phát triển. Ngoài việc được thần phù trợ phải kể đến sự anh dũng của Kẻ Giá trong chống giặc giữ yên xóm làng. Dù vị thần Lý Phục Man là một nhân vật lịch sử nào khác nữa thì bản sắc được dựng xây từ xa xưa của người dân làng Giá vẫn bảo tồn. Nét đẹp văn hóa được phát huy khi sự thật được tôn trọng và cũng để tôn trọng chính những gì đang có thực.
Người dân làng Giá thành đạt trên nhiều lĩnh vực tự hào về quê hương yêu dấu cũng sẽ xem xét lại vấn đề không còn là việc riêng của làng Giá: Phạm Tu quê gốc ở làng Giá (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức) hay ở làng Quang Liệt (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì)? Tìm ra cơ sở của vấn đề đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu nhằm giải quyết câu hỏi lịch sử nhiều ẩn số này.
Chúng ta mong nhận được lời giải có sức thuyết phục từ quê hương Tướng quân Lý Phục Man để tìm ra sự thật một cách có cơ sở.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét